Thứ sáu, 16/12/2011 17:06 (GMT+7)
(ĐCSVN) – Phát triển giao thông nội đồng là một trong những nhiệm vụ quan trọng trong phong trào xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc. Phát triển mạng lưới giao thông nội đồng còn góp phần tạo điều kiện thuận lợi để phát triển nông nghiệp nông thôn, nâng cao đời sống người dân địa phương.
Đường giao thông nội đồng bao gồm các tuyến đường trục chính và các tuyến đường nhánh từ khu dân cư đến đồng ruộng, đường ra đồng, lên đồi và đến các khu chăn nuôi tập trung. Theo số liệu của Đề án phát triển giao thông nội đồng tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2011 – 2020, toàn tỉnh có hơn 2100 km đường giao thông nội đồng, trong đó có hơn 1100km đường trục chính và hơn 1000km đường nhánh. Đến hết năm 2010 đường giao thông nội đồng mới cứng hoá được chưa đầy 100knm, đạt tỷ lệ thấp, hơn 7%; còn lại 1034 km đường giao thông nội đồng được rải cấp phối, chiếm trên 90%. Các tuyến giao thông nội đồng khác có tổng chiều dài hơn 100km chủ yếu là mặt đường đất.
Đánh giá chất lượng đường giao thông nội đồng trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc cho thấy, tỷ lệ cứng hoá mặt đường giao thông nội đồng còn thấp, chủ yếu tập trung ở các huyện Yên Lạc, Vĩnh Tường, Bình Xuyên, TP Vĩnh Yên. Các tuyến đường tuy được cứng hoá nhưng vẫn còn nhỏ hẹp chưa vào cấp; kết cấu mặt đường chưa đáp ứng được nhu cầu vận tải và sản xuất của bà con nông dân. Còn lại 92% đường giao thông nội đồng là đường đất, cấp phối, việc đi lại, vận chuyển hàng hoá của nhân dân từ khu dân cư đến các khu sản xuất chưa được thuận tiện, nhất là các xã miền núi trung du ở Lập Thạch, Tam Dương, Tam Đảo, Sông Lô.
Với mục tiêu phát triển giao thông nội đồng giai đoạn 2011 – 2020 phấn đấu đến hết năm 2020 sẽ cơ bản cứng hoá 100% đường trục chính giao thông nội đồng; trong đó giai đoạn 2011 – 2015 cứng hoá thêm trên 400km đường giao thông nội đồng, nâng tỷ lệ cứng hoá lên 45% vào năm 2015. Phấn đấu một số địa phương có tỷ lệ cứng hoá cao như: Vĩnh Tường 58%; Yên Lạc 48%; TP Vĩnh Yên 47%.
Tuy nhiên, hiện việc phát triển giao thông nội đồng, các địa phương còn gặp không ít khó khăn trong khâu giải phóng mặt bằng và nguồn vốn để cứng hoá giao thông nội đồng. Bên cạnh đó là những vướng mắc về quy định về cơ cấu đường trục, đường nhánh để đầu tư xây dựng; các giải pháp về huy động nguồn lực, cơ chế huy động nguồn vốn, cơ chế hỗ trợ cứng hoá các tuyến đường giao thông nội đồng ở các vùng miền khác nhau như đồng bằng, trung du, miền núi và các xã đặc biệt khó khăn; các giải pháp về tổ chức thực hiện, phân bổ nguồn vốn; giám sát thực hiện các công trình giao thông nội đồng.
Tăng cường đầu tư phát triển, cứng hoá các tuyến đường giao thông nội đồng để bà con thuận lợi trong sản xuất, nâng cao đời sống. Mong rằng, vì lợi ích chung, việc phát triển giao thông nội đồng sẽ tiếp tục triển khai có hiệu quả, góp phần xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần người dân khu vực nông thôn./.