(ĐCSVN) - Năm 2016, ngành Thông tin và Truyền thông Vĩnh Phúc đã chủ động phát huy nội lực, tận dụng thời cơ, tạo bước đột phá mới trong công tác quản lý cũng như phát triển sản xuất kinh doanh. Toàn ngành đã đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước, phát huy tinh thần tự lực tự cường, phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Ảnh minh họa (Nguồn: TL)
2016 là một năm đầy sôi động với hoạt động báo chí, tuyên truyền tỉnh Vĩnh Phúc. Các cơ quan báo chí, hệ thống Đài Truyền thanh các cấp đã tập trung tuyên truyền đậm nét các sự kiện chính trị, kinh tế, xã hội, an ninh - quốc phòng quan trọng của đất nước nói chung và của tỉnh Vĩnh Phúc nói riêng. Trong đó, nổi bật là công tác tuyên truyền Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII, cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016-2020; tuyên truyền những thành tựu kinh tế - xã hội, an ninh, quốc phòng của tỉnh sau 20 năm tái lập; tuyên truyền về tháp Bình Sơn và danh thắng Tây Thiên - 2 di tích lịch sử quốc gia đặc biệt; tuyên truyền Đề án số hóa truyền dẫn, phát sóng truyền hình mặt đất...Tính chung cả năm, Báo Vĩnh Phúc, Đài Phát thanh truyền hình tỉnh, Cổng Thông tin Giao tiếp điện tử đã đăng tải, phát sóng trên 4,5 vạn tin, bài, phóng sự.
Sở Thông tin và Truyền thông đã tổ chức các lớp tập huấn kỹ thuật viết, biên tập tin, bài, qua đó, nâng cao nhận thức, bồi dưỡng nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, phóng viên các Đài truyền thanh cấp huyện; tập huấn các quy định pháp luật xuất bản cho các cơ quan, đơn vị, địa phương.
Trong công tác thông tin đối ngoại, Sở đã phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức thành công Triển lãm bản đồ và trưng bày tư liệu “Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam - Những bằng chứng lịch sử và pháp lý” với nhiều hoạt động sôi nổi như: Họp báo, tập huấn tuyên truyền về biển đảo, tổ chức triển lãm… thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân tham quan, tìm hiểu.
Triển khai Đề án số hóa truyền dẫn, phát sóng truyền hình mặt đất, có trên 33.000 hộ nghèo và cận nghèo được trao tặng thiết bị đầu thu truyền hình kỹ thuật số (đợt I hơn 21.000 hộ, đợt II hơn 12.000 hộ), tạo điều kiện để các hộ được thu xem truyền hình khi tắt sóng truyền hình tương tự vào 31/12/2016. Bên cạnh đó, Sở chỉ đạo các cơ quan báo chí tập trung tuyên truyền về Đề án, giúp người dân nâng cao hiểu biết cơ bản về số hóa truyền hình mặt đất và có phương án để thu xem truyền hình kỹ thuật số.
Với 14 doanh nghiệp bưu chính, viễn thông đang hoạt động, hạ tầng mạng lưới phát triển ổn định; dịch vụ ngày càng đa dạng, chất lượng dịch vụ được nâng cao.
Duy trì tốt các dịch vụ đã có và triển khai nhiều dịch vụ bưu chính mới như: thu, nộp hộ tiền xử phạt và chuyển trả giấy tờ tạm giữ (lĩnh vực giao thông đường bộ) tới tay công dân; chi trả lương hưu và trợ cấp bảo hiểm xã hội, chuyển tiền quốc tế, chuyển phát giấy chứng nhận đăng ký xe, các doanh nghiệp bưu chính đảm bảo ổn định quy mô hoạt động và cung cấp các dịch vụ, đáp ứng tốt nhu cầu của tổ chức, công dân. Tổng doanh thu lĩnh vực này có sự tăng trưởng cao, ước đạt 120 tỷ đồng, tăng 20% so với kế hoạch và tăng 21% so với năm 2015.
Trong bối cảnh cạnh tranh khốc liệt, các doanh nghiệp viễn thông không ngừng cung cấp các dịch vụ tiện ích cho khách hàng và phát triển mạnh dịch vụ ngoài thông tin di động, nâng doanh thu lĩnh vực viễn thông lên 1.400 tỷ đồng, tăng 16% so với cùng kỳ. Toàn tỉnh hiện có 95.000 thuê bao internet, 32.000 thuê bao điện thoại cố định, 58.000 thuê bao điện thoại di động trả sau. Năm 2016, các doanh nghiệp phát triển mới 120 trạm BTS, nâng tổng số các trạm BTS lên 1.551 trạm.
Với các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp công nghệ thông tin (CNTT) - điện tử, 2016 là năm thành công khi sản lượng tăng cao so với cùng kỳ. Hiện trên địa bàn có 58 doanh nghiệp sản xuất thuộc lĩnh vực này, trong đó có 19 doanh nghiệp sản xuất các sản phẩm CNTT, điện tử, các sản phẩm chủ yếu là thiết bị điện tử, linh kiện điện tử: phần cứng máy tính, camera điện thoại, sản phẩm cảm biến, anten điện thoại, sạc điện thoại, mô tơ, bản mạch. Tổng doanh thu lĩnh vực CNTT, điện tử năm 2016 ước đạt 12.000 tỷ đồng, gấp 4 lần so với kế hoạch.
Năm qua, ứng dụng CNTT trên địa bàn tỉnh cũng tiếp tục được chủ động, tích cực triển khai. Trong đó, tập trung vào khai thác, vận hành các ứng dụng nền tảng cho chính quyền điện tử tỉnh như: Phần mềm quản lý văn bản và điều hành; cổng thông tin điện tử; hệ thống thư điện tử công vụ và phần mềm một cửa điện tử liên thông, bước đầu góp phần tích cực trong việc nâng cao hiệu quả hoạt động quản lý nhà nước trên địa bàn.
Hiện tại, 100% các cơ quan quản lý nhà nước từ cấp huyện trở lên có mạng LAN, 100% kết nối internet cáp quang và kết nối mạng truyền số liệu chuyên dùng. Hệ thống mạng WAN đã kết nối 32 đơn vị, địa phương qua mạng truyền số liệu chuyên dùng. Hệ thống quản lý văn bản và điều hành tiếp tục được 35 đơn vị, địa phương tích cực vận hành. 42 địa phương, sở, ngành đã có cổng thông tin điện tử đồng bộ về công nghệ với Cổng Thông tin - Giao tiếp điện tử tỉnh. Có 7.816 hộp thư điện tử công vụ đã được cấp cho cán bộ, công chức, viên chức các cơ quan, đơn vị, địa phương.
Bước sang năm 2017, ngành Thông tin và Truyền thông tiếp tục nỗ lực duy trì tốc độ tăng trưởng cao và bền vững, tạo chuyển biến mạnh về chất lượng. Tăng cường chỉ đạo bảo đảm sự hợp tác và cạnh tranh lành mạnh, đúng pháp luật của các doanh nghiệp; hướng dẫn và chỉ đạo các doanh nghiệp trong ngành phát triển hạ tầng mạng lưới: triển khai cung cấp dịch vụ 4G, bó gọn cáp, dùng chung hạ tầng... Thực hiện tốt công tác quản lý, đảm bảo an toàn, an ninh thông tin. Hỗ trợ phát triển cơ sở hạ tầng mạng truyền thông sử dụng công nghệ hiện đại, dung lượng lớn, tốc độ cao, độ phủ rộng tới tất cả các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu du lịch, khu đô thị tập trung. Tập trung hoàn thiện hạ tầng CNTT bảo đảm về chất lượng đường truyền, phương tiện CNTT tối thiểu, tạo tiền đề cho việc triển khai, phát triển các ứng dụng CNTT-TT, hình thành chính quyền điện tử.