|
Vĩnh Phúc: Đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp, phát huy lợi thế vùng sinh thái (Ảnh: V.A) |
Với sự hỗ trợ của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, gia đình anh Nguyễn Đắc Thành, xã Xuân Hòa, huyện Lập Thạch đã ứng dụng công nghệ số vào sản xuất thanh long trên diện tích hơn 10ha, giúp quản lý tốt cây trồng thông qua hệ thống IoT giám sát và dự báo khí hậu nông nghiệp; hệ thống tưới nước, bón phân tự động cung cấp đầy đủ dinh dưỡng theo giai đoạn sinh trưởng của cây trồng. Từ đó, giảm chi phí sản xuất, tiết kiệm được 50% lượng nước so với cách tưới truyền thống; phân bón cũng tiết kiệm được khoảng 30%. Năm 2023, vườn thanh long ruột đỏ của gia đình thu được 25 tấn quả với giá bán 20.000 đồng/kg; sản lượng năm 2024 ước đạt gần 30 tấn đem lại nguồn thu khá cho gia đình.
Đây chỉ là một trong những điển hình ứng dụng kỹ thuật, công nghệ vào sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa trên địa bàn huyện Lập Thạch. Đến nay, toàn huyện có 320 ha thanh long ruột đỏ đang cho thu hoạch, tập trung tại các xã Xuân Hòa, Vân Trục, Quang Sơn, Hợp Lý, Ngọc Mỹ. Năng suất bình quân đạt từ 15 - 20 tấn quả/ha/năm, với sản lượng gần 5.000 tấn/năm. Sản phẩm thanh long ruột đỏ Lập Thạch đã được Cục Bảo vệ thực vật cấp mã số vùng trồng (P.U.C) với diện tích 20 ha và hơn 38 ha thanh long ruột đỏ đã được chứng nhận sản xuất nông nghiệp tốt VietGAP, được UBND tỉnh Vĩnh Phúc phê duyệt nằm trong danh sách sản phẩm OCOP đánh giá phân hạng chất lượng 3 sao. Không chỉ vậy, nhiều nông hộ đã mạnh dạn ứng dụng công nghệ, làm chủ kỹ thuật sản xuất thanh long trái vụ, kéo dài thời gian thu hoạch, cung ứng hàng hóa ổn định cho thị trường, nâng cao năng suất, giá trị nông sản.
Không chỉ cây thanh long ruột đỏ, hiện nay, trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc, ngành trồng trọt đã chuyển dịch mạnh cơ cấu giống, cây trồng, mùa vụ theo hướng sản xuất hàng hóa, sản xuất theo vùng tập trung quy mô lớn. Năm 2024, tổng diện tích gieo trồng cây hằng năm ước đạt 84,04 nghìn ha, tuy giảm 0,5% so với năm 2023, do diện tích đất chuyển sang các dự án xây dựng khu đô thị, đất giãn dân, làm đường giao thông, khu công nghiệp.... nhưng tổng sản lượng lương thực có hạt vẫn đạt trên 354.000 tấn, bảo đảm an ninh lương thực trên địa bàn tỉnh. Tỷ lệ giống lúa chất lượng và chất lượng cao ước đạt 77%.
Các cây trồng có giá trị kinh tế cao như: Bí đỏ, bí xanh, cà chua, su su, dưa các loại được phát triển theo hướng hàng hóa với các vùng chuyên canh, ứng dụng kỹ thuật, công nghệ vào sản xuất. Điển hình như: Vùng dưa chuột tại xã An Hoà, huyện Tam Dương; vùng bí xanh, bí đỏ huyện Vĩnh Tường, huyện Yên Lạc; vùng trồng su su tại huyện Tam Đảo… Các vùng sản xuất rau, quả hàng hóa tập trung đã thực hiện liên kết theo chuỗi từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm. Trong đó, một số sản phẩm có thương hiệu và trở thành sản phẩm xuất khẩu như: Thanh long ruột đỏ, ớt quả, chuối tiêu hồng, trà hoa vàng... Đến nay, tỉnh đã cấp 96 mã số vùng trồng, trong đó, 68 mã số vùng trồng nội địa, 1 mã số đóng gói, 27 mã số vùng trồng xuất khẩu. Cơ giới hóa được tăng cường áp dụng trong sản xuất, khâu làm đất bằng máy chiếm trên 95%, thu hoạch lúa bằng máy đạt trên 75% diện tích.
Trong lĩnh vực chăn nuôi, nhiều giống vật nuôi mới có năng suất, chất lượng được đưa vào chăn nuôi, sản xuất. Tiến bộ kỹ thuật trong chăn nuôi được áp dụng rộng rãi đã góp phần nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm; các cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất tiếp tục được triển khai. Nhờ vậy, quy mô đàn gia súc, gia cầm chủ lực lợn, bò sữa và gia cầm liên tục tăng. Sản lượng thịt hơi các loại, sữa bò tươi, trứng gia cầm tăng mạnh, đóng góp tích cực vào tăng trưởng chung của ngành Nông nghiệp. Toàn tỉnh đã hình thành một số vùng chăn nuôi tập trung quy mô lớn theo hướng hàng hóa. Trong đó, chăn nuôi lợn tập trung tại các xã thuộc huyện Lập Thạch, huyện Yên Lạc; chăn nuôi gia cầm chuyên trứng, chuyên thịt tại các xã thuộc huyện Tam Dương và huyện Tam Đảo; chăn nuôi bò sữa tại các huyện: Vĩnh Tường, Lập Thạch, Tam Đảo... Bước đầu hình thành mô hình liên kết sản xuất chăn nuôi lợn theo chuỗi khép kín từ chăn nuôi - giết mổ công nghiệp - chế biến - tiêu thụ sản phẩm. Năm 2024, sản lượng thịt hơi các loại ước đạt 133.440 tấn; trứng gia cầm đạt 780,8 triệu quả, tăng 6,23%; sữa bò tươi đạt 60.650 tấn, tăng 2,81% so với năm 2023.
Sản xuất thủy sản được duy trì ổn định, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật được áp dụng rộng rãi, các giống cá mới có năng suất, chất lượng được đưa vào sản xuất. Sản xuất lâm nghiệp tiếp tục được duy trì, công tác trồng cây, trồng rừng được thực hiện tốt; tỷ lệ che phủ rừng duy trì ở mức 25%.
Có được kết quả trên, năm 2024, UBND tỉnh Vĩnh Phúc ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, điều hành trong lĩnh vực Nông nghiệp và Phát triển nông thôn như: Kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa trên địa bàn tỉnh năm 2024; Kế hoạch thực hiện Chiến lược phát triển trồng trọt đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Kế hoạch phát triển ngành hàng sắn trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Kế hoạch chuyển đổi số ngành Nông nghiệp & Phát triển nông thôn trên địa bàn tỉnh năm 2024; triển khai thực hiện các nội dung hỗ trợ cơ cấu lại ngành Nông nghiệp năm 2024 theo Nghị quyết số 20 năm 2020 của HĐND tỉnh và Quyết định số 07 năm 2021 của UBND tỉnh…
Trên cơ sở nghị quyết, kế hoạch, quyết định đã ban hành, ngành Nông nghiệp đã chủ động triển khai cơ cấu lại tổng thể cũng như nội bộ các ngành, nhằm nâng cao giá trị gia tăng, phát huy tiềm năng, lợi thế từng ngành hàng chủ lực; đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, xây dựng chuỗi giá trị các ngành hàng chủ lực; tổ chức lại sản xuất theo hướng tích hợp đa giá trị gắn kết với thị trường tiêu thụ; thực hiện các quy trình sản xuất an toàn, xây dựng mã số vùng trồng, truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Đối với chăn nuôi, phát triển loại vật nuôi chủ lực, có lợi thế theo hướng trang trại công nghiệp, ứng dụng công nghệ cao. Đồng thời, đẩy mạnh chăn nuôi hữu cơ, chăn nuôi truyền thống theo hướng sản xuất hàng hóa chất lượng cao, an toàn.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy tăng trưởng ngành nông, lâm nghiệp - thủy sản của tỉnh vẫn ở mức thấp so với bình quân cả nước và cả vùng đồng bằng sông Hồng. Sản xuất nông nghiệp vẫn còn nhỏ lẻ, manh mún; đổi mới tổ chức sản xuất còn chậm; đa số doanh nghiệp và hợp tác xã nông nghiệp có quy mô nhỏ, quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn còn hạn chế.
Trong thời gian tới, để tiếp tục thực hiện Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, tỉnh tập trung vào triển nền nông nghiệp thông minh, tuần hoàn, hội nhập quốc tế, thích ứng với biến đổi khí hậu, nâng cao giá trị và phát triển bền vững gắn với xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu. Tạo môi trường thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp đầu tư sản xuất, kinh doanh, liên kết phát triển các chuỗi giá trị nông sản chất lượng cao, đảm bảo an toàn thực phẩm. Đẩy mạnh hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ nông sản. Nâng cao trình độ nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao khoa học công nghệ, phát triển nông nghiệp công nghệ cao tạo đột phá về năng suất, chất lượng. Nâng cao năng lực nghiên cứu và dự báo thị trường, kết nối với mạng lưới tiêu thụ; nâng cao vị thế và khả năng cạnh tranh nông sản của tỉnh. Đồng thời, tích cực tuyên truyền, vận động làm thay đổi tư duy sản xuất manh mún của nông dân.