Vĩnh Phúc: Đồng bộ các giải pháp hạn chế tình trạng mất cân bằng giới tính

Thứ năm, 09/08/2012 16:00

 

 Mất cân bằng giới tính đang gia tăng (Ảnh tư liệu)

(ĐCSVN) - Mất cân bằng giới tính khi sinh hiện nay đã và đang trở thành thực trạng báo động đối với nhiều địa phương trên cả nước, trong đó có tỉnh Vĩnh Phúc.

Trong những năm qua, công tác dân số và kế hoạch hoá gia đình (DS- KHHGĐ) của tỉnh Vĩnh Phúc đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, mức sinh thay thế (trung bình mỗi phụ nữ có 2 con) được duy trì, tỷ lệ sinh con thứ 3 giảm dần, chất lượng dân số không ngừng được cải thiện góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế- xã hội, nâng cao đời sống nhân dân.

Tuy nhiên, theo Báo cáo của ngành y tế về việc mất cân bằng giới tính trên địa bàn tỉnh, tỷ số giới tính khi sinh của Vĩnh Phúc có xu hướng tăng: Năm 2005 là 114, đến năm 2010 và năm 2011 là 115,37 và 116,15. Năm 2005 có 6/8 huyện, thị có tỷ số giới tính khi sinh trên 110; năm 2011 có 9/9 huyện, thị, thành phố có tỷ số giới tính khi sinh trên 110, trong đó có 6 huyện, thị ở mức báo động từ 115 trở lên. Hiện nay Vĩnh Phúc là 1 trong 10 tỉnh có tỷ số giới tính khi sinh cao nhất cả nước.

Nhiều chuyên gia đã cảnh báo rằng: nếu tình trạng này còn kéo dài thì hậu quả đối với sự phát triển kinh tế - xã hội là rất lớn như: tác động tới cấu trúc gia đình, đạo đức xã hội và phát triển kinh tế, gia tăng tình trạng kết hôn sớm ở nữ giới; một số lượng lớn các em trai khi đến tuổi kết hôn sẽ không lấy được vợ; theo đó, trong xã hội sẽ gia tăng các loại tội phạm liên quan đến lạm dụng tình dục; các mạng lưới mua bán tình dục, buôn bán phụ nữ, trẻ em có thể sẽ mở rộng hơn làm thay đổi cơ cấu dân số trong tương lai...

Đối với Vĩnh Phúc, nguyên nhân chủ yếu là do phần đông dân số của tỉnh là làm nông nghiệp, tư tưởng cần phải có con trai để nối dõi tông đường, thờ cúng tổ tiên, thừa kế gia sản,....còn nặng nề và phổ biến. Chính sách quy mô gia đình nhỏ cũng đã tác động mạnh mẽ đến việc nhiều cặp vợ chồng mong muốn sinh con trai dẫn đến việc lựa chọn giới tính trước sinh như: siêu âm, nạo phá thai…. Để thay đổi nhận thức đó, các cấp uỷ, chính quyền trong tỉnh đã và đang lãnh đạo, chỉ đạo công tác dân số- kế hoạch hoá gia đình để đạt hiệu quả cao nhất. Bên cạnh đó, tham gia đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng; tổ chức các hội thảo, hội nghị chuyên đề; tập huấn,...đã bước đầu giúp cho toàn xã hội, mỗi người dân nhận thức được thực trạng, nguyên nhân, hệ lụy của tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh ở tỉnh.

Tới đây, tỉnh Vĩnh Phúc sẽ tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền về pháp lệnh dân số, về bình đẳng giới, về vấn đề mất cân bằng giới tính khi sinh và hậu quả của nó; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát định kỳ và đột xuất đối với các cơ sở y tế có dịch vụ siêu âm, dịch vụ nạo phá thai về thực hiện các quy định của pháp luật về thực hiện nghiêm cấm lựa chọn giới tính thai nhi nhằm ngăn chặn và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm; quan tâm đến vấn đề an sinh xã hội, bảo hiểm xã hội cho người cao tuổi để không phải phụ thuộc vào con cái khi về già.

Bên cạnh đó, các cấp ngành trong tỉnh cũng cần tập trung thực hiện tốt việc xác định rõ vai trò, trách nhiệm của các cấp uỷ, chính quyền trong tỉnh để lãnh đạo, chỉ đạo công tác dân số- kế hoạch hoá gia đình đạt hiệu quả cao nhất. Đối với ngành y tế, cần chủ động tham mưu, đề xuất với tỉnh để có những cơ chế, chính sách phù hợp nhằm tiếp tục hoàn thiện thể chế, tổ chức bộ máy DS-KHHGĐ từ tỉnh đến cơ sở một cách ổn định, với đội ngũ cán bộ giàu tâm huyết, trách nhiệm, am hiểu về lĩnh vực DS-KHHGĐ.

Ngoài ra, tham gia đẩy mạnh hơn nữa công tác thông tin tuyên truyền nhằm thay đổi nhận thức, thay đổi hành vi của cán bộ, đảng viên và nhân dân trong tỉnh; Quan tâm đến việc bình đẳng giới, thúc đẩy vai trò của phụ nữ và trẻ em trong xã hội nhằm cải thiện vị thế và bảo đảm các quyền của phụ nữ và trẻ em gái; Quan tâm đến chế độ an sinh xã hội cho người vao tuổi, giúp họ yên tâm được bảo vệ và chăm sóc khi tuổi già mà không phải phụ thuộc hoàn toàn vào con cái; Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát đối với các cơ sở y tế, đặc biệt là các cơ sở y tế tư nhân, xử lý nghiêm các hành vi lựa chọn giới tính thai nhi; Coi trọng công tác thi đua, khen thưởng đối với các cá nhân, tập thể thực hiện tốt công tác DS-KHHGĐ.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực