Vĩnh Phúc dự kiến vốn đầu tư hàng năm giai đoạn 2016 – 2020 tăng 10%

Thứ năm, 04/12/2014 13:54

(ĐCSVN) Ngày 3/12 tại Vĩnh Phúc, Ban Kinh tế - Ngân sách, Hội đồng nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc đã có buổi thẩm tra về tiêu chí các dự án trọng điểm của tỉnh và các dự án trọng điểm nhóm C, đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế năm 2014 và phương hướng, nhiệm vụ năm 2015.

 

Ảnh minh họa. (ipavinhphuc.vn) 

Báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm  2014 của tỉnh Vĩnh Phúc cho thấy, mặc dù tiếp tục phải đối mặt với nhiều khó khăn, thử thách song kinh tế của tỉnh đã có sự bứt phá ngoạn mục, với 16/18 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch, GDP tăng 6,1%. Chất lượng giáo dục đào tạo, công tác giải quyết việc làm, xuất khẩu lao động; các chính sách an sinh, phúc lợi xã hội được đảm bảo. Công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí tiếp tục được đẩy mạnh; quốc phòng, an ninh được giữ vững, trật tự xã hội ổn định.

Với tiền đề đang có, năm 2015, tỉnh sẽ tập trung thu hút các nguồn lực cho đầu tư phát triển; ưu tiên nguồn vốn cho các công trình trọng điểm và thanh quyết toán xong nợ đọng xây dựng cơ bản; tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, đẩy mạnh cải cách hành chính; tổ chức thành công Đại hội Đảng các cấp. Phấn đấu GDP tăng khoảng 6-6,5%; tổng thu ngân sách đạt 22,1 nghìn tỷ đồng; thu hút khoảng 65 dự án FDI, DDI; thu nhập bình quân đầu người đạt 69,5 triệu đồng/người/năm. 

Tuy nhiên, theo báo cáo điều chỉnh một số chỉ tiêu kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm giai đoạn 2011 – 2015, gần 4 năm qua, tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh chậm lại và có nhiều chỉ tiêu kinh tế - xã hội đạt thấp, nhiều chỉ tiêu dự kiến không đạt kế hoạch đề ra. Ước hết năm 2015, chỉ có 13/28 chỉ tiêu đạt hoặc vượt kế hoạch đề ra.

Nguyên nhân là do ngoài ảnh hưởng của suy thoái kinh tế, Vĩnh Phúc còn chịu ảnh hưởng của sự thay đổi các chính sách vĩ mô về thuế và phí đã tác động trực tiếp đến ngành sản xuất công nghiệp ô tô, xe máy. Khu vực kinh tế trong nước quy mô nhỏ, trình độ công nghệ thấp, sức cạnh tranh của sản phẩm còn hạn chế. Kết cấu hạ tầng mặc dù đã được quan tâm đầu tư song chưa đáp ứng được nhu cầu. Công tác giải phóng mặt bằng gặp nhiều khó khăn; chất lượng nguồn nhân lực thấp.

Về kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2016 – 2020 của tỉnh Vĩnh Phúc, các đại biểu nhất trí với dự kiến vốn đầu tư hàng năm giai đoạn 2016 – 2020 sẽ tăng 10% so với năm 2014; tổng nguồn vốn trong 5 năm 2016 – 2020 là 22.161 tỷ đồng theo phương án UBND tỉnh đề xuất HĐND tỉnh phê duyệt.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực