|
Nghề thủ công mỹ nghệ truyền thống cũng được quan tâm hỗ trợ (Ảnh minh họa: HNV) |
(ĐCSVN) - Trong những năm qua, công tác dạy nghề và giải quyết việc làm được xã hội hóa, lồng ghép với các chương trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Các chính sách của Nhà nước và của tỉnh về dạy nghề và việc làm đi vào cuộc sống đã góp phần nâng cao tỷ lệ lao động qua đào tạo, chuyển dịch cơ cấu lao động trên địa bàn tỉnh.
Từ năm 2009 đến 2012, toàn tỉnh có 117.293 học sinh, sinh viên được đào tạo nghề theo các nghị quyết của HĐND tỉnh; trong đó có 64.305 lượt người được cấp kinh phí hỗ trợ đào tạo nghề, theo Nghị quyết 16 HĐND tỉnh với tổng kinh phí trên 69,9 tỷ đồng; 12.478 lượt người được cấp kinh phí hỗ trợ đào tạo nghề theo Nghị quyết 34 HĐND tỉnh với tổng kinh phí trên 17,2 tỷ đồng… Riêng từ năm 2009 đến hết quý 1 năm 2013, toàn tỉnh đã giải quyết việc làm cho 93.398 lao động, trong đó có 3.176 lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài (trong đó có 250 lao động đi làm việc ở nước ngoài được vay vốn với tổng số tiền hơn 8,3 tỷ đồng). Đặc biệt, từ 2009 đến hết 2012, có 2.226 lao động đi làm việc ở nước ngoài mở tài khoản tại các ngân hàng.
Tuy nhiên, để phát huy và duy trì hiệu quả của xã hội hóa công tác dạy nghề và giải quyết việc làm trên địa bàn tỉnh, tới đây, tỉnh Vĩnh Phúc mà chủ yếu là Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh sẽ cần tập trung làm tốt công tác tuyên truyền, làm cho người dân, doanh nghiệp, cơ sở đào tạo nghề hiểu rõ và thực hiện đầy đủ chủ trương, chính sách của Nhà nước, của tỉnh về đào tạo nghề và giải quyết việc làm; tiếp tục tham mưu, chỉ đạo giải quyết dứt điểm các tồn tại trong tổ chức thực hiện các nghị quyết của HĐND tỉnh về dạy nghề và giải quyết việc làm; tổ chức triển khai và thực hiện có hiệu quả Nghị quyết 37 HĐND tỉnh; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát các hoạt động đào tạo nghề, giải quyết việc làm; chỉ đạo các địa phương, cơ sở xây dựng đề án, chương trình đào tạo nghề, giải quyết việc làm, đưa chỉ tiêu hoàn thành các mục tiêu đào tạo nghề, giải quyết việc làm là một trong những chỉ tiêu xét thi đua hàng năm của các đơn vị, cơ sở; thực hiện việc phân cấp, phân công nhiệm vụ, sự phối hợp giữa các cấp, ngành trong việc thực hiện quản lý nhà nước về hoạt động đào tạo nghề, giải quyết việc làm…