Thứ tư, 24/07/2013 15:28 (GMT+7)
|
Dạy nghệ lao động nông thôn cần được quan tâm hơn (Ảnh: HNV) |
(ĐCSVN) – Theo UBND tỉnh Vĩnh Phúc, sau 3 năm thực hiện Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn, toàn tỉnh đã tổ chức 839 lớp dạy nghề cho gần 3 vạn lao động nông thôn, đạt tỷ lệ 70%. Tỉnh cũng đã hỗ trợ nông dân trong việc giải quyết việc làm sau đào tạo, vay vốn sản xuất và bao tiêu sản phẩm.
Tuy nhiên, để nâng cao hiệu quả hơn nữa Đề án này, cần gắn dạy nghề cho lao động nông thôn với xây dựng nông thôn mới; mở rộng các đối tượng được đầu tư hỗ trợ cơ sở vật chất đào tạo nghề. Đồng thời, nhấn mạnh đến việc đào tạo nghề gắn với tiềm năng, thế mạnh của từng địa phương; cần có sự phối hợp đồng bộ giữa các cấp, ngành trong công tác tuyên truyền, xã hội hóa đào tạo nghề; xây dựng và phát huy hiệu quả các mô hình sau dạy nghề; tạo đầu ra cho sản phẩm để người dân yên tâm sản xuất…
Được biết, sau 3 năm thực hiện Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn, cả nước đã hỗ trợ dạy nghề cho hơn 1 triệu lao động nông thôn với tổng kinh phí thực hiện trên 4.700 tỷ đồng. Ngoài 783 cơ sở dạy nghề, các địa phương đã huy động trên 200 doanh nghiệp và trên 400 cơ sở khác có đủ điều kiện dạy nghề cùng các thành phần: giáo viên, kỹ sư, cán bộ kỹ thuật, công nhân có tay nghề cao, nông dân sản xuất giỏi tham gia dạy nghề cho lao động nông thôn. Một số mô hình dạy nghề cho lao động nông thôn đã phát huy hiệu quả, như: Dạy nghề tiểu thủ công nghiệp, làng nghề; dạy nghề nông nghiệp; dạy nghề công nghiệp, xây dựng, dịch vụ… Công tác hỗ trợ lao động sau học nghề cũng được các địa phương triển khai đồng bộ với việc quy hoạch sản xuất, thu hút các doanh nghiệp về nông thôn, hỗ trợ vốn sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. 3 năm qua, cả nước có trên 200.000 lượt cán bộ, công chức cấp xã được đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao kiến thức, năng lực quản lý hành chính.