Vĩnh Phúc: Hỗ trợ đào tạo nghề cho 87.000 lao động nông thôn

Thứ ba, 20/08/2013 15:33

(ĐCSVN) - Theo Ban Chỉ đạo tỉnh về thực hiện Quyết định 1956 của Chính phủ và Nghị quyết số 37 của HĐND tỉnh Vĩnh Phúc, sau 3 năm thực hiện Quyết định 1956 của Chính phủ, toàn tỉnh đã hỗ trợ đào tạo nghề cho 87.000 lao động nông thôn; hỗ trợ vay vốn phát triển sản xuất cho 4.330 người.

Tỷ lệ lao động sau khi học nghề có việc làm đạt 82%. Tỉnh đã thực hiện thí điểm 2 mô hình dạy nghề: May công nghiệp và chăn nuôi lợn với 70 lao động tham gia; sau học nghề, 100% đối tượng tham gia có việc làm ổn định cho thu nhập 2,5 triệu đồng/người/tháng.

Gần 2 năm thực hiện Nghị quyết 37 của HĐND tỉnh, toàn tỉnh có trên 16.000 lao động được hỗ trợ đào tạo nghề; gần 30.000 lao động được tập huấn nghề và bồi dưỡng, nâng cao kiến thức. Đến nay, tỉnh đã giải quyết việc làm cho trên 19.600 lao động ở các lĩnh vực: nông nghiệp; công nghiệp, xây dựng và làng nghề; thương mại, dịch vụ, du lịch và xuất khẩu lao động. Riêng 6 tháng đầu năm 2013, các cơ sở dạy nghề đã tuyển mới trên 7.600 học viên; bồi dưỡng nâng cao kiến thức phát triển sản xuất cho hơn 11.000 lao động.

Bên cạnh những kết quả tích cực trên, vẫn còn những hạn chế, tồn tại trong quá trình thực hiện Quyết định 1956 và Nghị quyết 37. Đó là sự phối hợp giữa các ngành, địa phương chưa đồng bộ; nhu cầu học nghề liên tục thay đổi ảnh hưởng đến nhu cầu và chất lượng đào tạo; thiết bị dạy nghề chưa đáp ứng được nhu cầu đào tạo; chương trình đào tạo chậm đổi mới; công tác bao tiêu sản phẩm cho người lao động gặp nhiều khó khăn…

Tới đây, thực hiện chỉ đạo của Lãnh đạo UBND tỉnh, các sở, ngành liên quan sẽ tập trung rà soát, sắp xếp mạng lưới cơ sở đào tạo nghề trên địa bàn tỉnh cho phù hợp; tăng cường giám sát, kiểm tra thực hiện Quyết định 1956 của Chính phủ và Nghị quyết 37 của HĐND tỉnh ở các cấp, góp phần nâng cao trình độ chuyên môn và chất lượng hiệu quả của công tác dạy nghề; tiếp tục tham mưu UBND tỉnh có cơ chế, chính sách hỗ trợ vốn cho nông dân phát triển sản xuất sau đào tạo. Đồng thời, nâng cao công tác quản lý nhà nước về đào tạo nghề; quan tâm hơn nữa đến chất lượng đào tạo, gắn đào tạo với giải quyết việc làm.

 

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực