Lực lượng cảnh sát giao thông, Công an tỉnh Vĩnh Phúc kiểm tra phương tiện vận tải hành khách (Ảnh: Bộ Giao thông Vận tải)
Theo đó, UBND tỉnh đã chỉ đạo Công an tỉnh triển khai việc huy động 48 quần chúng tham gia bảo đảm trật tự an toàn giao thông tại 16 điểm giao cắt giữa đường sắt với đường ngang dân sinh chưa có gác chắn từ ngày 1/12/2017 tại thành phố Vĩnh Yên, Phúc Yên và các huyện Bình Xuyên, Vĩnh Tường. Trong đó, thành phố Vĩnh Yên 5 điểm, thành phố Phúc Yên 1 điểm, huyện Vĩnh Tường 5 điểm và huyện Bình Xuyên 5 điểm.
Sau 1 năm triển khai nội dung này, tình hình an toàn giao thông tại 16 điểm giao cắt trên được đảm bảo, không có vụ tai nạn giao thông nào xảy ra tại các địa điểm này. Tuy nhiên, quá trình thực hiện, lực lượng quần chúng gặp rất nhiều khó khăn do thiếu trang thiết bị, dụng cụ, phương tiện hỗ trợ.
Theo báo cáo của Ban An toàn giao thông tỉnh, trên thực tế, để người tham gia giao thông nghiêm túc chấp hành hiệu lệnh điều khiển của lực lượng quần chúng thì cần phải trang bị thống nhất công cụ, phương tiện như: Quần áo, băng tay, gậy điều khiển giao thông, áo mưa, giầy, đèn pin...và cần một khoản kinh phí hỗ trợ cho lực lượng này hoạt động. Bên cạnh đó, tại các địa phương không có tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp nào đầu tư kinh phí cho hoạt động của lực lượng quần chúng tham gia bảo đảm trật tự an toàn giao thông tại các điểm giao cắt giữa đường sắt với đường ngang dân sinh chưa có gác chắn.
Để thực hiện có hiệu quả việc huy động lực lượng quần chúng tham gia bảo đảm an toàn giao thông, mới đây, tại kỳ họp thứ 10, HĐND tỉnh khóa XVI đã thông qua dự thảo Nghị quyết quy định về một số chính sách hỗ trợ hoạt động của lực lượng quần chúng tham gia bảo đảm trật tự an toàn giao thông tại các điểm giao cắt giữa đường sắt và đường ngan dân sinh không có gác chắn.
Theo thống kê của UBND tỉnh, toàn tỉnh có 20 điểm giao cắt giữa đường sắt với đường bộ không có gác chắn. Đến hết tháng 11/2018 đã huy động được 48 quần chúng tham gia bảo đảm trật tự an toàn giao thông tại 16 điểm giao cắt. 4 điểm chưa giao cắt chưa có lực lượng quần chúng tham gia gồm: km46+070 thôn Vam Dộc, thị trấn Hương Canh, huyện Bình Xuyên; kim55+430 xã Định Trung, thành phố Vĩnh Yên; kim61+975 xã Yên Bình và km68+00 xã Việt Xuân, huyện Vĩnh Tường.
Theo dự thảo Nghị quyết này, mỗi năm, ngân sách tỉnh sẽ chi gần 1,3 tỷ đồng, trong đó, hỗ trợ mua trang thiết bị đối đa 5 triệu đồng/người/năm và hỗ trợ hằng tháng 1.800.000 đồng/người cho lực lượng quần chúng tham gia công tác này. Từ các năm 2020 - 2021, mỗi năm, ngân sách tỉnh sẽ chi tăng thêm 7% theo tỷ lệ trượt giá.