(ĐCSVN) - Trong những năm gần đây, công tác giáo dục, bồi dưỡng lý luận chính trị tại các Trung tâm bồi dưỡng (BDCT) chính trị huyện, thành, thị trong tỉnh hoạt động khá tốt.
Theo đó, 9/9 Trung tâm đều được cấp uỷ, chính quyền cấp huyện, thành, thị quan tâm, có mối quan hệ chặt chẽ với các phòng, ban, đoàn thể có liên quan trong việc mở lớp cho các đối tượng. Đội ngũ lãnh đạo, cán bộ, giảng viên các Trung tâm có trình độ chuyên môn, trình độ lý luận chính trị, có ý thức trách nhiệm với công việc, đoàn kết, góp phần hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị của Trung tâm. Tài liệu các chương trình bồi dưỡng cơ bản đã đầy đủ, nội dung được chỉnh sửa theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI, phù hợp với thực tiễn ở cơ sở. Hoạt động mở lớp được tiến hành theo đúng kế hoạch, nội dung chương trình đã đề ra, đặc biệt, hằng năm, giảng viên các Trung tâm đều được tham dự lớp tập huấn bồi dưỡng nâng cao kiến thức về phương pháp giảng dạy tại Trường Chính trị tỉnh.
Tuy nhiên, Trung tâm BDCT các huyện, thành, thị còn gặp khó khăn về kinh phí mở lớp, cơ sở vật chất một số nơi chưa được xây dựng mới hoặc tiến độ chậm, trang thiết bị phục vụ dạy và học thiếu, chưa đồng bộ. Cán bộ, giảng viên ở một số Trung tâm còn thiếu, giảng viên có trình độ thạc sỹ trở lên ít, một số giảng viên trẻ, thiếu kinh nghiệm, chất lượng giảng viên chưa đồng đều, ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động giảng dạy của các Trung tâm.
Tính đến nay, tổng số cán bộ, giảng viên của các Trung tâm BDCT là 41 đồng chí trong đó có 28 giảng viên và 13 nhân viên, 112 đồng chí là giảng viên kiêm chức. 100% giảng viên Trung tâm BDCT cấp huyện có trình độ đại học, trình độ lý luận chính trị cao cấp chiếm 64,3% (18/28). 11 đồng chí có chứng nhận nghiệp vụ sư phạm.
Về kinh phí, cơ sở vật chất, hầu hết các Trung tâm được giao kinh phí từ đầu năm nên đã chủ động, tích cực trong việc mở lớp. Cơ sở vật chất, trang thiết bị, được sự quan tâm của cấp uỷ, chính quyền huyện, thành phố, thị xã, cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ cho việc dạy và học ở các Trung tâm từng bước được bổ sung, tăng cường. 8/9 Trung tâm đã có trụ sở riêng, được đầu tư xây dựng tương đối đầy đủ gồm hội trường, phòng học, phòng làm việc, phòng chức năng… Các trang thiết bị đáp ứng nhu cầu dạy và học; một số Trung tâm đã chủ động kết nối Internet nhằm khai thác thông tin hàng ngày, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả giảng dạy. Đến nay, mô hình Trung tâm Tam Dương, Tam Đảo, Yên Lạc đạt mức khá chuẩn. Trung tâm Sông Lô đã được quy hoạch song vẫn phải tiếp tục học nhờ tại Hội trường thị trấn Tam Sơn.
Năm 2013, các Trung tâm đã mở và quản lý được 236 lớp đào tạo, bồi dưỡng với 31.020 học viên, tăng 29 lớp, đạt 114% (236/207 lớp) kế hoạch năm. Hầu hết các Trung tâm đều đã đạt và vượt kế hoạch mở lớp đề ra. Việc đào tạo, bồi dưỡng về lý luận, chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ ở cơ sở đã trở thành nhu cầu rất cần thiết. Cán bộ, đảng viên sau khi tham gia học tập tại Trung tâm đều biết vận dụng có hiệu quả những kiến thức đã tiếp thu được trên lớp học vào thực tiễn công tác của mình ở cơ sở, đồng thời mở rộng tầm nhìn, khả năng tư duy khoa học và hiểu biết thêm các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội, an ninh, quốc phòng, bản lĩnh chính trị được tăng cường, tin tưởng vào sự nghiệp đổi mới của Đảng.
Bước sang năm 2014, các Trung tâm BDCT sẽ căn cứ tình hình thực tế và ngân sách Nhà nước cấp cho công tác đào tạo, bồi dưỡng ở địa phương để xây dựng kế hoạch mở lớp đảm bảo sát yêu cầu, đối tượng; tiếp tục tăng cường phối hợp chặt chẽ hơn nữa với các ban, ngành, đoàn thể và cấp uỷ cơ sở để tham mưu với cấp uỷ, chính quyền cấp huyện tổ chức thực hiện kế hoạch, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc của Trung tâm trong quá trình tổ chức thực hiện nhiệm vụ...
Trước sự thay đổi mạnh mẽ cùng với những thách thức mà hội nhập kinh tế quốc tế đặt ra cho công tác giáo dục, bồi dưỡng về lý luận chính trị, yêu cầu cấp thiết hiện nay chính là đội ngũ giảng viên của các Trung tâm cần nâng cao hơn nữa bản lĩnh chính trị, chủ động đổi mới phương pháp giảng dạy, gắn lý luận với thực tiễn, coi trọng hoạt động trao đổi kinh nghiệm công tác, đặc biệt là việc xử lý tình huống. Đó là những hoạt động thiết thực, hiệu quả nhằm nâng cao nhận thức về Đảng cho cán bộ ở cơ sở./.