Vĩnh Phúc: Kết quả sau 5 năm thực hiện Luật phòng, chống bạo lực gia đình

Thứ năm, 05/12/2013 15:59

(ĐCSVN) - Xác định tầm quan trọng của công tác gia đình nói chung và công tác phòng chống bạo lực gia đình (PCBLGĐ) nói riêng, thời gian qua, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã chỉ đạo các cấp, các ngành xây dựng kế hoạch, tổ chức triển khai thực hiện các giải pháp can thiệp PCBLGĐ.

 

 Ảnh minh hoạ (Nguồn: dantri.com.vn)

Tính đến nay, 100% các địa phương trong tỉnh đều thành lập Ban Chỉ đạo PCBLGĐ. Đây là cơ sở cần thiết cho việc chỉ đạo công tác PCBLGĐ đồng bộ từ tỉnh đến cơ sở. Công tác tuyên truyền, phổ biến Luật được thực hiện với nhiều nội dung, hình thức phong phú như: tuyên truyền miệng, phổ biến và giáo dục pháp luật, phát tờ rơi, treo băng zôn, khẩu hiệu... tạo chuyển biến trong nhận thức, hành động của các cán bộ, nhân dân về hành vi bạo lực gia đình.

Sau 5 năm triển khai thực hiện Luật PCBLGĐ, toàn tỉnh đã xây dựng được 111 mô hình can thiệp PCBLGĐ; 707 địa chỉ tin cậy tại cộng đồng để tiếp nhận, bảo vệ kịp thời nạn nhân bạo lực gia đình thông qua việc hỗ trợ, tư vấn, bố trí nơi tạm lánh cho nạn nhân bạo lực gia đình và 229 đường dây nóng tư vấn, hỗ trợ các nạn nhân bạo lực gia đình... Từ đó, đã kịp thời can thiệp, hòa giải và góp ý hàng ngàn vụ; tư vấn cho hàng trăm nạn nhân, đối tượng gây bạo lực gia đình. Các mô hình, câu lạc bộ PCBLGĐ gia đình hoạt động khá hiệu quả với các hình thức sinh hoạt phong phú, đa dạng, chất lượng, thu hút đông đảo nhân dân tham gia đã góp phần giảm thiểu tình hình bạo lực gia đình trên địa bàn tỉnh. Từ năm 2008-2013, toàn tỉnh đã tổ chức được 300 lớp tập huấn cho 29.052 lượt cán bộ làm công tác gia đình; mở 59 lớp tập huấn, tuyên truyền Luật Bình đẳng giới, Luật PCBLGĐ; in, phát hành 9.381 tài liệu, hơn 57.000 tờ rơi, 734 pano, 274 băng zôn, 411 khẩu hiệu có nội dung tuyên truyền về giáo dục đạo đức lối sống truyền thống của gia đình Việt Nam và PCBLGĐ.

Có thể thấy, sau 5 năm triển khai trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc, Luật PCBLGĐ đã phát huy hiệu quả tích cực; đã có tác dụng thiết thực, giúp cho người dân nâng cao nhận thức, phát huy vai trò vị trí của gia đình, thực hiện tốt chủ trương chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, giúp cho mọi người dân thực hiện tốt Luật PCBLGĐ, Luật bình đẳng giới, các kiến thức, kỹ năng ứng xử trong gia đình; từng bước giảm thiểu các vụ bạo lực trong gia đình; tình hình BLGĐ so với các năm trước đã giảm đáng kể, việc xử lý các vi phạm được thực hiện triệt để. Đến nay, các mô hình đã phát huy rõ vai trò tích cực, các vụ bạo lực gia đình, trẻ em giảm hẳn, hạn chế tình trạng ly hôn; đẩy mạnh xây dựng gia đình hạnh phúc, tạo nền tảng góp phần giữ gìn và phát huy văn hóa gia đình Việt Nam.

Bên cạnh những kết quả đạt được, qua 5 năm triển khai Luật PCBLGĐ tỉnh Vĩnh Phúc vẫn còn một số khó khăn như: việc triển khai chỉ đạo thực hiện Luật PCBLGĐ chưa được các cấp ủy Đảng quan tâm đúng mức; đội ngũ cán bộ làm công tác gia đình từ cấp huyện, cấp xã còn hoạt động kiêm nhiệm, chưa nắm chắc về kiến thức về Luật PCBLGĐ, phần lớn còn yếu về năng lực chuyên môn, đôi khi còn lúng túng trong việc triển khai hoạt động...

Trong thời gian tới, tỉnh tiếp tục chỉ đạo đẩy mạnh và đa dạng hóa công tác tuyên truyền Luật PCBLGĐ, phối hợp chặt chẽ với các ban, ngành, đoàn thể, các tổ chức xã hội để tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên và nhân dân trong PCBLGĐ; tổ chức tập huấn, nâng cao trình độ cho cán bộ làm công tác gia đình và cộng tác viên các cấp. Đồng thời, duy trì, nhân rộng các mô hình PCBLGĐ; tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện Luật theo quy định; đầu tư cơ sở vật chất để thực hiện các nhiệm vụ PCBLGĐ ở các cấp qua đó góp phần xây dựng mô hình gia đình Việt Nam no ấm, bình đẳng và phát triển bền vững./.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực