Cùng với đó, hoạt động tư vấn, giới thiệu và giải quyết việc làm được tăng cường; sàn giao dịch việc làm của tỉnh tổ chức 2 phiên/tháng và các phiên lưu động tại các địa phương. Việc hình thành các trung tâm tư vấn, giới thiệu việc làm của các cơ sở dạy nghề và các tổ chức đoàn thể như: Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ, Hội Cựu Chiến binh… cũng góp phần hiệu quả trong việc cung cấp nhiều thông tin cần thiết về thị trường lao động và mở ra cho người lao động nhiều cơ hội việc làm.
Tạo điều kiện giải quyết nhiều việc làm cho lao động. (Ảnh minh họa: HNV)
Thống kê của Sở Lao động, Thương binh và xã hội tỉnh cho thấy, từ năm 1997 đến nay, toàn tỉnh đã giải quyết việc làm cho hơn 400.000 lượt lao động; trong đó, xuất khẩu lao động trên 20,4 nghìn người. Công tác đào tạo nghề, phát triển nguồn nhân lực được tỉnh đặc biệt quan tâm, số lượng và chất lượng lao động qua đào tạo được nâng lên, tỷ lệ lao động qua đào tạo tăng từ 9,8% năm 2000 lên 68% năm 2016.
Riêng năm 2016, tỉnh Vĩnh Phúc đặt mục tiêu giải quyết việc làm cho 23.000 lượt lao động. Trong đó, xuất khẩu lao động 2.000 người, tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề đạt 50,4%, tỷ lệ lao động có việc làm sau đào tạo nghề đạt 80%. Được biết, để đạt được mục tiêu này, tỉnh đã thực hiện đồng bộ các cơ chế, chính sách, các chương trình, dự án đã ban hành nhằm tạo nhiều việc làm mới, nâng cao thu nhập cho người lao động, nhất là tạo việc làm cho thanh niên, lao động nông thôn, lao động vùng chuyển đổi mục đích sử dụng đất, vùng đồng bào dân tộc, người khuyết tật. Đồng thời, theo dõi, cập nhật thường xuyên thông tin cung - cầu lao động; kết nối hệ thống thông tin thị trường lao động; tăng cường các hoạt động tư vấn, giới thiệu việc làm của hệ thống Trung tâm Dịch vụ việc làm, Trung tâm Đào tạo xuất khẩu lao động tỉnh…
Cùng năm 2016, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh đã xây dựng Dự án đầu tư trang thiết bị dạy nghề cho các cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập giai đoạn 2016 – 2020, trình UBND tỉnh phê duyệt. Tăng cường xây dựng cơ sở vật chất, đầu tư trang thiết bị dạy nghề cho những nghề trọng điểm đạt chuẩn quốc gia, khu vực và quốc tế. Các cơ sở đào tạo nghề gắn đào tạo nghề với giải quyết việc làm thông qua việc ký kết hợp đồng cung ứng lao động với các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh; nâng cao chất lượng học nghề và giải quyết việc làm cho người học nghề sau khi hoàn tất chương trình học nghề.