Ảnh minh họa (Ảnh: PH)
Cụ thể, các hoạt động văn hóa được tổ chức sôi động, rộng khắp. Các lễ hội văn hóa được tổ chức trang trọng góp phần bảo vệ và phát huy các giá trị di sản văn hoá. Các thiết chế văn hóa, thể thao từ tỉnh đến cơ sở được củng cố và quan tâm đầu tư, nhất là các xã thực hiện xây dựng Chương trình mục tiêu Quốc gia Nông thôn mới.
HĐND tỉnh đã ban hành nhiều Nghị quyết chuyên đề về cơ chế đầu tư cho lĩnh vực này, các cấp các ngành tích cực triển khai xây dựng và được nhân dân đồng tình ủng hộ. Do đó hạ tầng các thiết chế được đầu tư tương đối đồng bộ. Toàn tỉnh có 8/9 huyện, thành, thị có trung tâm văn hóa thể thao cấp huyện; 134/137 xã, phường, thị trấn có trung tâm văn hóa xã (đạt 97,8%); 94% thôn có nhà văn hóa. 15 công trình trung tâm văn hóa thể thao làng văn hóa trọng điểm được đầu tư. Nhiều công trình văn hóa, tín ngưỡng phục vụ nhu cầu sinh hoạt của nhân dân được tu bổ, tôn tạo. Đặc biệt các công trình trọng điểm của tỉnh thuộc lĩnh vực văn hóa - thể thao và du lịch được tập trung ưu tiên đầu tư hoàn thiện đưa vào sử dụng tạo điểm nhấn về môi trường và cảnh quan du lịch.
Phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa qua 15 năm triển khai tích cực đã thu được những kết quả quan trọng. Phong trào xây dựng gia đình văn hóa - làng văn hoá ngày càng hiệu quả, đến hết năm 2015 tỷ lệ hộ gia đình đạt tiêu chuẩn gia đình văn hoá đạt 87,8%, tỷ lệ làng (thôn, tổ dân phố) đạt tiêu chuẩn làng văn hoá là 81%. Phong trào hoạt động thể dục thể thao quần chúng được đẩy mạnh, cuộc vận động “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại” tiếp tục được thực hiện. Trên lĩnh vực thể thao, toàn tỉnh có 16 đội thể thao với 339 vận động viên, 116 vận động viên đạt đẳng cấp Quốc gia.
Nhìn chung, hoạt động văn hóa, thông tin, phát thanh truyền hình của tỉnh được duy trì ổn định và phát triển, góp phần nâng cao đời sống tinh thần của nhân dân. Hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao từ tỉnh đến cơ sở được củng cố và quan tâm đầu tư. Các công trình văn hóa, di tích lịch cử văn hóa tiếp tục được đầu tư trùng tu, nâng cấp và khai thác, sử dụng hiệu quả. Các giá trị văn hóa phi vật thể được bảo tồn và phát huy. Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” tiếp tục phát triển sâu rộng. Các hoạt động văn hóa, văn nghệ quần chúng được nhân dân hưởng ứng, tham gia sôi nổi.
Cùng với đó, trên lĩnh vực du lịch, kinh doanh có nhiều đổi mới, các khu du lịch: Tam Đảo, Đại Lải, Đầm Vạc được đầu tư, khai thác ngày càng hiệu quả. Thông qua đó góp phần nâng cao đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân và thu hút hàng triệu lượt khách ngoài tỉnh đến Vĩnh Phúc.
Hoạt động báo chí, xuất bản, phát thanh, truyền hình, văn học nghệ thuật có tiến bộ, được cải thiện cả về hình thức lẫn nội dung, đã đáp ứng tốt nhiệm vụ chính trị của tỉnh, góp phần quan trọng trong việc nâng cao dân trí. Từ 1/1/2013, Truyền hình Vĩnh Phúc đã đưa vào sử dụng hệ thống phát sóng trên vệ tinh Vinasat 2 nhằm nâng cao chất lượng truyền hình của tỉnh, đáp ứng tốt hơn nhu cầu về thông tin văn hóa của đông đảo tầng lớp nhân dân trong thời kỳ hội nhập ngày càng sâu rộng với kinh tế quốc tế.
Từ nay đến năm 2020, tỉnh Vĩnh Phúc phấn đấu tỷ lệ thôn, làng văn hóa hàng năm đạt từ 75-80%; tỷ lệ gia đình văn hóa hàng năm đạt từ 85-90%. Xác định phát triển văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, là mục tiêu, động lực phát triển bền vững./.