|
|
Ảnh minh họa (Nguồn: T.T) |
Theo số liệu của Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn Vĩnh Phúc, từ 1/1/2016 đến nay, toàn tỉnh có 52 doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp. Thực hiện Nghị quyết 202 của HĐND tỉnh, giai đoạn 2016-2018, tỉnh ban hành các văn bản triển khai, hướng dẫn; đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến cơ chế chính sách tới người dân, doanh nghiệp, các tổ chức kinh tế; hỗ trợ 3 dự án với tổng số vốn hơn 3,6 tỷ đồng gồm 2 dự án sản xuất rau an toàn trong nhà lưới theo quy trình VietGAP của Công ty cổ phần nông lâm nghiệp và môi trường Vĩnh Hưng (Vĩnh Yên) và Công ty TNHH thương mại-dịch vụ nông nghiệp Trung Kiên (Tam Dương); dự án đầu tư cơ sở giết mổ lợn tập trung của Công ty TNHH sản xuất và thương mại Phát Đạt (Phúc Yên).
Sau 3 năm thực hiện Nghị quyết 202, trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc đã hình thành các mô hình sản xuất rau, quả và chăn nuôi theo chuỗi từ sản xuất đến tiêu thụ, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên, một số điều kiện để được hỗ trợ quy định trong nghị quyết chưa thực sự phù hợp với thực tế doanh nghiệp, dẫn đến nghị quyết ban hành 5 chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp (gồm hỗ trợ đầu tư cơ sở chăn nuôi gia súc, sản xuất rau an toàn trong nhà lưới theo quy trình VietGAP, cơ sở giết mổ gia súc, cơ chế chế biến nông sản và trồng cây dược liệu) chỉ thực hiện hỗ trợ được 1 chính sách đó là đầu tư sản xuất rau an toàn trong nhà lưới theo quy trình VietGAP, nhưng cũng chỉ hỗ trợ được 3 dự án.
Tuy nhiên, theo nhiều nhà đầu tư điều kiện hỗ trợ đầu tư cơ sở chăn nuôi gia súc, có quy mô chăn nuôi thường xuyên tập trung tối thiểu 500 con lợn thịt hoặc 300 con lợn nái sinh sản, hoặc 150 con bò thịt hay 100 con bò sữa, trong khi hầu hết các hộ chăn nuôi quy mô nhỏ, nằm xen kẽ trong khu dân cư, nhất là mấy năm gần đây, tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, giá cả bấp bênh dẫn đến nhiều chủ trang trại giảm số lượng gia súc, để trống chuồng trại.
Bên cạnh đó, đầu tư vào sản xuất nông nghiệp vẫn phụ thuộc nhiều vào thiên tai, thời tiết và dịch bệnh nên tính rủi ro lớn, hiệu quả đầu tư thấp và thời gian thu hồi vốn thường chậm hơn các lĩnh vực khác; một số doanh nghiệp muốn đầu tư vào nông nghiệp nhưng địa điểm thực hiện dự án của doanh nghiệp không nằm trong các quy hoạch của tỉnh (như quy hoạch phát triển chăn nuôi theo vùng và xã trọng điểm của tỉnh; quy hoạch cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung và quy hoạch phát triển rau an toàn đến năm 2020), thậm chí không thuộc diện hỗ trợ.
Ngoài ra, một nguyên nhân nữa, việc tiếp cận vốn vay tín dụng khó khăn, định mức hỗ trợ từ ngân sách nhà nước còn thấp so với tổng mức đầu tư của dự án; chưa có cơ chế đủ mạnh để thúc đẩy liên kết "4 nhà" trong sản xuất nông nghiệp; thị trường đầu tư cho sản phẩm chưa ổn định, dẫn đến người sản xuất gặp rủi ro... khiến nhiều doanh nghiệp muốn đầu tư cũng không thể thực hiện.
Nhằm khắc phục những điểm trên và để cơ chế chính sách, nhất là nghị quyết chính sách hỗ trợ đặc thù khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn đi vào cuộc sống, tại hội nghị giám sát về tình hình triển khai thực hiện một số nghị quyết của HĐND tỉnh Vĩnh Phúc về cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp trên địa bàn tỉnh, HĐND tỉnh Vĩnh Phúc đã kiến nghị UBND tỉnh nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện một số nội dung, nhằm tạo điều kiện để các thành phần kinh tế, đặc biệt là nông dân, doanh nghiệp tiếp cận thuận lợi hơn về đất đai, nguồn vốn, thị trường, từ đó, đầu tư hiệu quả vào lĩnh vực sản xuất nông nghiệp.