(ĐCSVN) - Thực hiện Chỉ thị số 06-CT/TW ngày 22/1/2002 của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khoá IX) "về củng cố và hoàn thiện mạng lưới y tế cơ sở", trong 10 năm qua, Vĩnh Phúc đạt được nhiều kết quả trong công tác chăm sóc sức khoẻ nhân dân.
Nhận thức của các cấp uỷ Đảng, chính quyền đối với công tác bảo vệ và chăm sóc sức khoẻ nhân dân ngày được nâng cao. Đến nay toàn tỉnh có 132/137 xã, phường, thị trấn đạt Chuẩn quốc gia về y tế xã. Công tác củng cố và hoàn thiện mạng lưới y tế cơ sở trên địa bàn tỉnh đạt được những kết quả quan trọng.
Thời gian qua, Vĩnh Phúc luôn quan tâm tới công tác chăm sóc sức khoẻ ban đầu cho nhân dân. Các cấp lãnh đạo tỉnh Vĩnh Phúc nhận thức được rằng góp phần đảm bảo an sinh xã hội, xoá đói giảm nghèo trên địa bàn tỉnh. Từ khi có Chỉ thị số 06-CT/TW ngày 22/01/2002 của Ban Bí thư “về củng cố và hoàn thiện mạng lưới y tế cơ sở” Vĩnh Phúc đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến Chỉ thị đến cán bộ và mọi tầng lớp nhân dân, Vĩnh Phúc xác định đây là Chỉ thị quan trọng, có sức ảnh hưởng lớn đến đời sống và sức khoẻ nhân dân, thể hiện tính nhân văn cao cả nên đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhân thức của nhân dân trong tỉnh.
Cán bộ y tế và trang bị kỹ thuật cho mạng lưới y tế cơ sở trên địa bàn tỉnh không ngừng được tăng cường. Hiện nay, tuyến huyện có 1.136 cán bộ, trong đó có 153 bác sỹ, bình quân mỗi huyện có 17 bác sỹ. Tuyến xã có 1.054 cán bộ trong định biên đang công tác tại 137 xã, phường, thị trấn, bình quân 7,69 cán bộ/trạm y tế, trong đó có 119 bác sĩ đạt 86,9% trạm y tế có bác sĩ. 100% trạm y tế xã có nữ hộ sinh hoặc y sỹ sản nhi; toàn tỉnh có 1.461 thôn bản có nhân viên y tế hoạt động. Đến nay toàn tỉnh có 132/137 (96,35%) xã, phường, thị trấn đạt Chuẩn quốc gia về y tế xã.
Trang bị và thuốc thiết yếu tại cơ sở có tương đối đầy đủ về số lượng và chất lượng theo quy định của Bộ Y tế. Từ năm 2005 đến năm 2010 ngành y tế Vĩnh Phúc đã đầu tư mua sắm bổ sung trang thiết bị cho các trạm y tế xã trong toàn tỉnh với tổng số kinh phí 20,5 tỷ đồng (bình quân mỗi trạm y tế 150 triệu đồng). Đặc biệt các trang thiết bị như máy siêu âm xếch tay toàn tỉnh có 37 xã được trang bị, 27 xã được trang bị máy điện tim; 100% số trạm y tế có quầy thuốc, tủ thuốc cấp cứu phục vụ công tác khám, chữa bệnh cho nhân dân, đảm bảo đúng đối tượng các đối tượng chính sách như người nghèo và trẻ em dưới 6 tuổi.
Bên cạnh đó, Vĩnh Phúc còn không ngừng đầu tư nguồn lực nhằm hoàn thiện mạng lưới y tế cơ sở. Hầu hết các Bệnh viện Đa khoa tuyến huyện, Trung tâm y tế đã được đầu tư xây dựng cơ sở vật chất khang trang, thiết bị tương đối đầy đủ, đảm bảo tốt các điều kiện chăm sóc sức khỏe nhân ngay tại cơ sở. Đối với công tác y tế xã từ năm 2005 để tạo điều kiện cho các địa phương xây dựng cơ sở nhà trạm, Vĩnh Phúc quyết định hỗ trợ cho các địa phương xây dựng cơ sở nhà trạm thực hiện Chuẩn quốc gia về y tế xã với mức 600 triệu đồng/trạm. Đến nay các trạm y tế xã đều được xây dựng với kết cấu nhà kiên cố đảm bảo diện tích và đúng tiêu chí quy định để xây dựng nông thôn mới.
Cùng với những kết quả đã đạt được, mạng lưới y tế cơ sở vẫn còn một số hạn chế yếu kém như: chủ trương xã hội hóa công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân chưa được triển khai mạnh mẽ, công tác tuyên truyền chưa thường xuyên, liên tục, chưa có chiều sâu ở một số địa phương. Công tác thông tin tới người dân hiệu quả còn chưa cao so với yêu cầu, nhất là trong lĩnh vực y tế dự phòng, an toàn vệ sinh thực phẩm. Đội ngũ cán bộ y tế còn thiếu, nhất là bác sĩ, chưa có chính sách phù hợp để đào tạo, thu hút cán bộ yên tâm công tác tại cơ sở. Hầu hết các trạm y tế xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh còn thiếu hệ thống nước sạch, hệ thống xử lý rác thải y tế.
Thời gian tới, Vĩnh Phúc tiếp tục quán triệt nội dung của Chỉ thị số 06-CT/TW của Ban Bí thư (khóa IX) về củng cố hoàn thiện mạng lưới y tế cơ sở; Nghị quyết số 46-NQ/TW ngày 23/2/2005 của Bộ Chính trị về công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới. Tiếp tục duy trì các nội dung hoạt động, củng cố và phát triển Chuẩn quốc gia về y tế xã theo yêu cầu của Bộ Y tế ban hành gắn với Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010 - 2020. Chỉ đạo, tổ chức thực hiện tốt phong trào toàn dân chăm sóc sức khỏe, không ngừng hoàn thiện, củng cố và phát triển công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân tại tuyến y tế cơ sở phù hợp với sự phát triển kinh tế - xã hội của từng địa phương trong tình hình mới. Quan tâm đầu tư về cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế, kinh phí chi thường xuyên đối với trạm y tế xã, phường, thị trấn đảm bảo cho công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân tại tuyến y tế cơ sở.