Vĩnh Phúc: Nâng cao chất lượng đào tạo và sát hạch lái xe

Thứ ba, 04/10/2011 17:03

Thời gian qua, số lượng mô tô, ô tô các loại tham gia giao thông tại tỉnh Vĩnh Phúc liên tục tăng nhanh. Số lượng phương tiện cơ giới đường bộ tăng cao khiến nhu cầu được đào tạo và sát hạch cấp giấy phép lái xe (GPLX) tăng theo.

Ông Hoàng Long Biên, Trưởng ban Quản lý đào tạo và sát hạch cấp GPLX (Sở GTVT Vĩnh Phúc) cho biết: Công tác đào tạo, thi sát hạch và cấp GPLX mô tô, ô tô được thực hiện nghiêm túc, đảm bảo đúng quy định của pháp luật. Đây cũng là tiền đề quan trọng nhằm nâng cao kỹ năng lái xe an toàn và ý thức chấp hành luật giao thông cho người lái xe. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 7 cơ sở đào tạo lái xe, trong đó có 3 Trung tâm Sát hạch lái xe với khoảng 50 ngàn học viên tham gia thi sát hạch/năm. Các cơ sở đào tạo đã làm tốt việc đổi mới phương tiện, phương pháp dạy lái xe theo đúng quy trình của Nhà nước, nhằm tránh tình trạng giả mạo trong đào tạo và thi cử. Sở GTVT cũng đã có sự chỉ đạo sát sao và giám sát chặt chẽ công tác đào tạo, sát hạch ở tất cả các cơ sở trên địa bàn tỉnh, trong đó đặc biệt quan tâm chất lượng dạy và học.

Theo ông Đặng Văn Tiến, Phó hiệu trưởng Trường Cao đẳng nghề Việt Xô số 1, Trung tâm Đào tạo lái xe của nhà trường được thành lập năm 2005 với nhiệm vụ chính là tổ chức đào tạo lái xe mô tô, ô tô các hạng. Trung tâm đã đào tạo được 42 khoá học, bình quân có 150 học viên/khoá. Năm 2010 tăng lên 270 học viên/khoá. Qua thi sát hạch 80% số học viên đào tạo tại Trung tâm được cấp GPLX. Xác định đào tạo lái xe là một nghề trong nhà trường có bề dày truyền thống đào tạo nhiều nghề, vì vậy chất lượng dạy và học luôn đặt lên hàng đầu. Trung tâm từng bước được đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị mới đáp ứng yêu cầu đào tạo. Ngoài cơ sở vật chất của nhà trường sẵn có, hai năm qua, Trung tâm được đầu tư hơn 7 tỷ đồng để bê tông hoá sân bãi luyện tập hơn 14.000m2, loại bỏ số xe ô tô cũ, mua sắm ô tô đời mới và các loại dụng cụ, giáo cụ, học cụ, trang thiết bị mới phục vụ trực tiếp việc đào tạo lái xe đạt hiệu quả cao. Đội ngũ 39 giáo viên đủ tiêu chuẩn, điều kiện, có kỹ năng và kinh nghiêm truyền đạt kiến thức, kỹ thuật cho người cầm lái trực tiếp dạy lái xe. Sân bãi lớp học, trang thiết bị, phương tiện và đội ngũ giáo viên đã đáp ứng yêu cầu đào tạo, tạo niềm tin cho các học viên lái xe và nâng cao chất lượng đào tạo.

9 tháng đầu năm 2011, qua đào tạo và sát hạch đã cấp mới hơn 24.200 GPLX mô tô hạng A1 và hơn 10.370 GPLX ô tô các hạng. So với mô tô, việc đào tạo, sát hạch lái xe ô tô có thời gian lâu hơn. Yêu cầu về số lượng, chất lượng đội ngũ giáo viên và đầu tư cơ sở vật chất, phương tiện, thiết bị cũng cao hơn. Trong quá trình học tập, học viên tại các Trung tâm đào tạo được kiểm tra, giám sát chặt chẽ. Các nội dung sát hạch từ lý thuyết đến thực hành trên máy vi tính. Xe sát hạch lắp đặt thiết bị chấm điểm tự động. Hệ thống sân bãi đặt thiết bị cảm ứng với các tình huống giao thông… Từ đó, bảo đảm tính khách quan, trung thực và chính xác trong cuộc thi, đồng thời với nâng cao chất lượng công tác đào tạo và sát hạch lái xe ô tô.

Đến nay, các cơ sở đào tạo, sát hạch mô tô hạng A1 đã đáp ứng nhu cầu của người dân. Riêng nhu cầu học để lấy GPLX ô tô ngày một tăng cao. Trước đây 5 cơ sở đào tạo lái xe ô tô trên địa bàn tỉnh chỉ có lưu lượng 1.400 lượt người. Đến nay, có thêm Trung tâm đào tạo và sát hạch lái xe Hùng Vương và Trung tâm Đào tạo và sát hạch lái xe ô tô Tam Dương. Như vậy, tình trạng người học, người thi phải chờ đợi lâu được khắc phục. Công tác đào tạo, thi sát hạch và cấp GPLX được thực hiện nghiêm túc đã góp phần bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trên địa bàn tỉnh.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực