Vĩnh Phúc: Ngân hàng nỗ lực vượt khó, đạt mức tăng trưởng tốt

Thứ hai, 14/12/2020 16:37
(ĐCSVN) – Năm 2020, trước khó khăn do đại dịch COVID -19, mặc dù chưa đạt kết quả như mong đợi, song nhiều ngân hàng vẫn có mức tăng trưởng khá so với cùng kỳ, tạo nên tín hiệu lạc quan cho ngành ngân hàng.
 Mức tăng trưởng năm 2020 của ngành ngân hàng tỉnh được đánh giá vượt dự kiến trong bối cảnh bị tác động của dịch COVID – 19 (Ảnh: N.Y)

Hiện nay, mức tăng trưởng huy động vốn bình quân của các ngân hàng trên địa bàn tỉnh đạt 19,8%/năm, vượt mục tiêu đề ra (15%-18%/năm); tăng trưởng tín dụng bình quân đạt 22,9%/năm, vượt mục tiêu (18% - 20%/năm), cao hơn mức tăng trưởng tín dụng bình quân cả nước (17%).

Theo số liệu thống kê từ Ngân hàng Nhà nước tỉnh, ước đến hết năm 2020, tổng nguồn vốn huy động trên địa bàn tỉnh đạt 91.710 tỷ đồng (tăng 13,5% so với cùng kỳ), tổng dư nợ đạt 87.390 tỷ đồng (tăng 12% so với cùng kỳ).

Mức tăng trưởng năm 2020 của ngành ngân hàng tỉnh Vĩnh Phúc được đánh giá vượt dự kiến trong bối cảnh bị tác động của dịch COVID – 19 đến mọi ngành, mọi thành phần kinh tế. Kết quả trên góp phần đưa mức tăng trưởng huy động vốn bình quân, tăng trưởng tín dụng bình quân giai đoạn 2016 – 2020 của tỉnh vượt mục tiêu đề ra.

Tại Agribank Vĩnh Phúc, đến hết tháng 11/2020, tổng nguồn vốn huy động của ngân hàng đạt gần 11.000 tỷ đồng, tăng 30% so với tổng nguồn vốn năm 2019 (vượt 17% kế hoạch năm); tổng dư nợ của ngân hàng đạt hơn 9.500 tỷ đồng, tăng 13% so với cùng kỳ (đạt 100% kế hoạch năm). Kết quả trên cho thấy nỗ lực của ngân hàng trong thực hiện mục tiêu kép: Vừa phòng, chống dịch bệnh COVID – 19, lại vượt mức tăng trưởng kế hoạch mà không phải tổ chức tín dụng nào cũng làm được tại thời điểm hiện tại.

Theo đại diện Agribank Vĩnh Phúc: 2020 là năm khó khăn chung không chỉ với ngành ngân hàng, mà mọi ngành, mọi thành phần kinh tế đều bị ảnh hưởng bởi dịch COVID – 19.  Để đảm bảo giữ vững tăng trưởng, đạt và vượt mục tiêu đề ra, ngay từ đầu năm, ngân hàng tập trung nguồn lực để huy động và phát triển nguồn vốn trên cơ sở huy động vốn từ dân cư; đa dạng hóa các hình thức huy động vốn, định hướng vào các thị trường vốn ổn định, có lãi suất đầu vào rẻ.

Về tăng trưởng tín dụng, ngân hàng ưu tiên dành nguồn vốn cho các phương án sản xuất kinh doanh có tính khả thi  (Ảnh: N.Y)

Về tăng trưởng tín dụng, ngân hàng ưu tiên dành nguồn vốn cho các phương án sản xuất kinh doanh có tính khả thi, đặc biệt trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn và lĩnh vực ưu tiên theo chỉ đạo của chính phủ. Phát huy hiệu quả giải ngân thông qua hình thức cho vay qua tổ, nhóm để chuyển tải nguồn vốn đáp ứng nhu cầu của người dân; đồng thời, đa dạng hóa cơ cấu tín dụng theo ngành nghề, lĩnh vực và đối tượng khách hàng, đảm bảo tăng trưởng quy mô tín dụng phù hợp với cân đối nguồn vốn, gắn với kiểm soát và nâng cao chất lượng tín dụng, góp phần xử lý và kiểm soát nợ xấu hiệu quả.

Tại Vietinbank Vĩnh Phúc, đến hết tháng 11/2020, tổng nguồn vốn huy động của ngân hàng đạt 8.000 tỷ đồng, tăng 10% so với cùng kỳ (đạt 97% kế hoạch năm); tổng dư nợ đạt hơn 7.000 tỷ đồng, tăng 12% so với cùng kỳ (đạt 98% kế hoạch năm). Trước tác động bởi dịch COVID-19, Ban Lãnh đạo Vietinbank Vĩnh Phúc đã bám sát chỉ đạo của NHNN, của tỉnh và của Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam chủ động rà soát, phân nhóm, đánh giá mức độ ảnh hưởng của khách hàng để đưa ra các giải pháp hỗ trợ phù hợp như: Cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giảm lãi suất, giảm phí, đẩy mạnh triển khai các giải pháp trực tuyến…

Trong quá trình hỗ trợ khách hàng, lợi nhuận của ngân hàng đồng thời cũng bị giảm song Vietinbank xác định mục tiêu đồng hành, chia sẻ, giúp khách hàng vượt qua khó khăn, qua đó củng cố niềm tin, nâng cao vị thế của ngân hàng đối với khách hàng.

Để kinh doanh đạt kết quả tốt, đối với công tác huy động vốn, lãi suất hiện tại  của ngân hàng giảm thấp so với cùng kỳ năm trước, tuy nhiên, đây là mặt bằng chung. VietinBank Vĩnh Phúc có các công cụ khác để cạnh tranh, giữ vững thị phần như: Gia tăng tiện ích cho khách hàng sử dụng sản phẩm dịch vụ; miễn, giảm các phí giao dịch Ngân hàng điện tử cho khách hàng, đồng thời, hỗ trợ, khuyến khích khách hàng thực hiện thanh toán online, tránh tiếp xúc trực tiếp trong mùa dịch...

Phấn đấu năm 2021, tỷ lệ tăng trưởng nguồn vốn tối thiểu của ngân hàng  trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc đạt 9% (Ảnh: N.Y)

Về công tác tăng trưởng tín dụng, trên cơ sở quản lý chặt chẽ chất lượng tín dụng, ngân hàng thực hiện phân tích khách hàng thường xuyên, nhằm sàng lọc và thu hút khách hàng tốt, thẩm định khách hàng trước khi thẩm định dự án. Nâng cao chất lượng công tác phân tích, đánh giá, dự báo để định hướng tín dụng rõ ràng đối với từng nhóm hàng, ngành hàng. Ngoài ra, ngân hàng cũng linh hoạt trong việc vận dụng hiệu quả các chương trình, gói ưu đãi thúc đẩy tín dụng đang được hệ thống triển khai, đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn của khách hàng. Dự kiến đến hết năm 2020, VietinBank Vĩnh Phúc sẽ đạt và vượt kế hoạch được giao về tổng nguồn vốn và dư nợ.

Phấn đấu năm 2021, tỷ lệ tăng trưởng nguồn vốn tối thiểu của ngân hàng  trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc đạt 9%, tăng trưởng dư nợ tối thiểu đạt 10% so với năm 2020. Khảo sát chung tại nhiều ngân hàng thương mại cổ phần lớn trên địa bàn tỉnh cho thấy, mặc dù 2020 là năm khó khăn đối với nền kinh tế và ngành ngân hàng, song đến nay, các ngân hàng cơ bản đã đạt hoặc gần đạt kế hoạch kinh doanh đề ra.

Thời gian tới, trước tình hình dịch COVID – 19 còn diễn biến phức tạp, độ trễ tác động của dịch COVID – 19 đến nền kinh tế là rất lớn, song với định hướng đúng, triển khai các giải pháp phù hợp, tin rằng, mục tiêu tăng trưởng nguồn vốn từ 12% - 15%, tín dụng từ 10% – 14% của toàn ngành ngân hàng trong năm 2021 là khả thi và nhiều khả năng vượt kế hoạch khi dịch bệnh COVID – 19 tại Việt Nam đang đang được kiểm soát tốt, triển vọng phát triển thành công vắc xin đang dần được định hình.

N.Y

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực