Tại Vĩnh Phúc, hiện 100% các hộ nuôi bò sữa sử dụng máy vắt sữa, máy thái cỏ. Máy vắt sữa bò không làm giảm sữa, không gây ô nhiễm vú bò, các yếu tố về vệ sinh an toàn thực phẩm được bảo đảm. Một người sử dụng máy có thể vắt được nhiều con trong cùng một lúc và rút ngắn được thời gian vắt sữa, 1 giờ vắt sữa bằng máy bằng 3 người vắt sữa thành thạo, hiệu quả kinh tế cao hơn so với vắt tay thủ công.
Máy thái cỏ làm cho thức ăn được gọn, nhỏ, mềm giúp gia súc dễ ăn được nhiều, dễ ăn, công suất bằng 6 người thái cỏ bằng tay, hiệu quả kinh tế cao hơn làm thủ công.
Máy nghiền trộn thức ăn cho lợn, gà làm cho thức ăn được chế biến cân đối dinh dưỡng, vật nuôi hấp thu dinh dưỡng tốt hơn, giảm chi phí 1.100 đồng/kg thức ăn so với thức ăn mua ở các công ty chế biến thức ăn gia súc (đối với loại cùng hàm lượng dinh dưỡng);
Máy làm đất công dụng xới đất, lên luống, đánh cỏ, làm đất, phun thuốc trừ sâu, phân bón lá, rạch rãnh cho các loại cây trồng như lúa, ngô, rau màu... Hiệu quả hơn làm thủ công 2.476.000 đồng/ha;
Máy cấy giúp cho quần thể cây lúa đều thẳng hàng, tiết kiệm được giống, đảm bảo mật độ theo ý muốn, hiệu quả kinh tế cao hơn cấy tay thủ công từ 2.741.000 - 3.403.810 đồng/ha;
Máy gặt đập liên hợp giúp giảm công lao động, khi thu hoạch lúa máy tự động đóng thành bao, kết hợp băm nhỏ rơm tại ruộng hoặc xếp rơm theo từng hàng, hiệu quả kinh tế cao hơn gặt bằng tay 4 triệu đồng/ha.
Nhằm cải thiện tình trạng thiếu lao động ở nông thôn, trong năm 2019, Vĩnh Phúc đã dành hơn 11 tỉ đồng để cho nông dân vay vốn mua các loại máy nông nghiệp như máy làm đất, máy cấy, máy gặt đập liên hợp, máy vắt sữa bò, máy thái cỏ, máy nghiền, trộn thức ăn chăn nuôi… Với sự hỗ trợ của các loại máy móc trên, công việc sản xuất, thu hoạch trở nên nhanh chóng, hiệu quả, tiết kiệm đáng kể thời gian, tiền bạc và sức lực của người nông dân.
Bên cạnh việc tích cực tuyên truyền tới bà con nông dân những chính sách hỗ trợ kinh phí của tỉnh, các cán bộ chuyên trách còn đóng vai trò là người thẩm định chất lượng máy và hướng dẫn nông dân vận hành, bảo dưỡng, sửa chữa… máy móc để việc ứng dụng các công cụ đó đạt hiệu quả cao, tăng năng suất lao động.
Chăn nuôi được xác định là một ngành mũi nhọn của Vĩnh Phúc. Bên cạnh việc hỗ trợ kinh phí mua máy móc, thiết bị chế biến thức ăn cho gia súc, gia cầm, Vĩnh Phúc khuyến khích các hộ chăn nuôi sử dụng chính các sản phẩm trồng trọt tại địa phương để vừa thúc đẩy trồng trọt, vừa góp phần hạ giá thành sản phẩm chăn nuôi. Đồng thời, người nông dân được hướng dẫn và chuyển giao quy trình chăn nuôi theo tiêu chuẩn VietGap; kỹ thuật chăm sóc, nuôi dưỡng; mô hình chăn nuôi phù hợp với từng vùng và từng loài vật nuôi cũng như các biện pháp xử lý chất thải để bảo vệ môi trường.
Một số vùng sản xuất tập trung, quy mô lớn theo phương thức chăn nuôi công nghiệp, đạt tiêu chuẩn VietGap đã hình thành ở nhiều địa phương như chăn nuôi gia cầm ở Tam Đảo, Tam Dương, chăn nuôi bò sữa ở Vĩnh Tường, chăn nuôi lợn ở Lập Thạch… và cung cấp các sản phẩm sữa, thịt lợn, thịt gà, trứng gà an toàn cho người tiêu dùng. Hiện nay, tổng đàn gia súc, gia cầm của Vĩnh Phúc đạt trên 11 triệu con, với năng suất, sản lượng không ngừng gia tăng, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người lao động.
Đẩy mạnh cơ giới hoá trong sản xuất nông nghiệp ở tỉnh không chỉ giải bài toán về thiếu lao động, giảm chi phí trong sản xuất mà còn tạo tiền đề quan trọng cho các địa phương trong tỉnh xây dựng các vùng sản xuất hàng hoá tập trung quy mô lớn. Trong thời gian tới, tăng cường đưa máy cày công suất lớn, máy gieo hạt, máy cấy, máy gặt đập liên hợp vào sản xuất nhằm đồng bộ từ khâu làm đất đến thu hoạch trong sản xuất nông nghiệp./.