Trong đó, công tác giáo dục – đào tạo của tỉnh tiếp tục phát triển theo hướng đổi mới, chất lượng được giữ ổn định ở mức cao. Hết năm 2015, tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia đạt 66%. Vĩnh Phúc là tỉnh thứ 5 của toàn quốc được công nhận đạt chuẩn phổ cập mẫu giáo 5 tuổi vào năm 2013 và đạt phổ cập tiểu học mức độ 2 năm 2014. Chất lượng dạy và học ở các cấp tiếp tục được nâng lên; học sinh của tỉnh luôn đạt thứ hạng cao trong các cuộc thi cấp quốc gia, khu vực và quốc tế. Vĩnh Phúc luôn được đánh giá là một trong những tỉnh, thành có chất lượng giáo dục tốt nhất cả nước. Việc phân luồng học sinh đạt kết quả tốt.
Qua thời gian 20 năm tái lập tỉnh, ngành giáo dục - đào tạo tỉnh Vĩnh Phúc đã đạt được nhiều kết quả nổi bật (Ảnh minh họa: PV)
Nhìn lại những ngày đầu tái lập tỉnh, công tác giáo dục, đào tạo của tỉnh gặp không ít khó khăn do cơ sở vật chất còn nghèo nàn, lạc hậu, đội ngũ giáo viên còn thiếu và yếu về trình độ, nhận thức của người dân chưa cao. Trước tình hình đó, tỉnh đã có những chủ trương đúng đắn, kịp thời thể chế hóa tư tưởng toàn Đảng, toàn dân chăm lo xây dựng giáo dục, huy động sự vào cuộc của các cấp ủy, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể và nhân dân; tập trung mọi nguồn lực để đầu tư cho giáo dục. Cùng với sự nỗ lực phấn đấu của cán bộ, giáo viên toàn ngành, công tác giáo dục tỉnh Vĩnh Phúc đã nhanh chóng được củng cố và hoàn thiện ở các ngành học, bậc học; thực hiện tốt 3 nhiệm vụ: nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài ; xây dựng đội ngũ cán bộ, giáo viên giỏi về chuyên môn, vững về nghiệp vụ, tận tâm với nghề. Đồng thời, tiếp tục đổi mới phương pháp dạy học, kiểm tra và đánh giá theo hướng phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo của học sinh, sinh viên; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và dạy học...Nhờ vậy, chất lượng các mặt giáo dục đã chuyển biến theo từng năm, các chỉ số cơ bản phát triển giáo dục được nâng lên rõ rệt và trở thành một trong những tỉnh có chất lượng giáo dục đứng đầu của cả nước.
Đến nay, hệ thống giáo dục chính quy với mạng lưới các trường từ bậc học mầm non đến trung học phổ thông đã phủ kín, phân bổ đều khắp các huyện, thành, thị trong tỉnh, cơ bản đáp ứng được yêu cầu dạy và học, bồi dưỡng nhân tài. Hệ thống đào tạo và dạy nghề với 78 cơ sở, hàng năm đào tạo trên 25 nghìn học sinh, sinh viên, đáp ứng tốt nhu cầu phát triển nhân lực. Cùng với đó, hệ thống giáo dục thường xuyên với 8 trung tâm giáo dục thường xuyên, 137 trung tâm học tập cộng đồng đã giúp hàng vạn lao động được bổ sung kiến thức.
Thời gian tới, Vĩnh Phúc sẽ tập trung triển khai giải pháp thiết thực để nâng cao chất lượng ngành giáo dục (Ảnh minh họa: VA)
Cùng với đó, việc đầu tư trang thiết bị dạy và học theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa cũng được các cấp, các ngành và địa phương trên địa bàn tỉnh quan tâm. Hàng năm, tỉnh ưu tiên một nguồn ngân sách lớn để đầu tư mua sắm các trang thiết bị dạy và học, cải tạo, sửa chữa trường lớp. Đồng thời, đẩy mạnh công tác xã hội hóa giáo dục, phát huy nguồn lực của cộng đồng, xã hội, doanh nghiệp . Hầu hết các đơn vị trường học đều nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của xã hội, có các công trình được xây dựng từ nguồn vốn xã hội hóa giáo dục. Hệ thống các cơ sở giáo dục ngoài công lập được khuyến khích phát triển nhằm đáp ứng nhu cầu học tập của con em trên địa bàn tỉnh.
Đến năm 2020, tỉnh Vĩnh Phúc phấn đấu tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THCS và THPT đạt 65-70%; 30-35% học sinh tốt nghiệp THCS vào học bổ túc văn hóa và học nghề. 100% các trường đạt chuẩn Quốc gia trước năm 2020, trong đó bậc mầm non và tiểu học trước năm 2018./.