(ĐCSVN) - Thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn giai đoạn 2012 – 2015, tỉnh Vĩnh Phúc phấn đấu đến hết năm 2015 toàn tỉnh có 85 % người dân nông thôn được tiếp cận sử dụng nước sạch.
|
Ảnh minh họa. (Ảnh: VT) |
Là một nội dung quan trọng để hoàn thành tiêu chí về vệ sinh môi trường nông thôn trong bộ tiêu chí Quốc gia về xây dựng nông thôn mới, trong những năm tỉnh Vĩnh Phúc đã có nhiều cơ chế, chính sách đầu tư, hỗ trợ người dân xây dựng công trình cấp nước tập trung, công trình cấp nước nhỏ lẻ quy mô hộ gia đình do đó đã góp phần cải thiện một phần nhu cầu sử dụng nước sạch cho người dân trên địa bàn tỉnh.
Mặc dù vậy, vẫn còn không ít hộ dân, đặc biệt là các hộ nghèo, hộ gia đình chính sách chưa có điều kiện đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước sinh hoạt hợp vệ sinh. Theo báo cáo, toàn tỉnh có khoảng 24% số hộ gia đình thuộc các đối tượng này đã có hệ thống xử lý nước sinh hoạt hợp vệ sinh. Trong khi đó còn 76% số hộ tương đương gần 20.000 hộ không có khả năng đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước sinh hoạt đảm bảo hợp vệ sinh nên cần được hỗ trợ.
Xuất phát từ nhu cầu thực tế trên, năm 2014, Trung tâm Nước sạch và VSMT nông thôn Vĩnh Phúc đề xuất dự án: Hỗ trợ điểm thiết bị lọc nước quy mô hộ gia đình PT-PECOM cho các hộ nghèo, gia đình chính sách trên địa bàn 04 xã Thanh Trù thành phố Vĩnh Yên, Cao Minh thị xã Phúc Yên, Hương Sơn huyện Bình Xuyên và xã Bắc Bình huyện Lập Thạch nhằm giải quyết cơ bản cho các hộ nghèo, gia đình chính sách của 04 xã được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh từ đó rút kinh nghiệm tổ chức triển khai tại các xã còn lại trong những năm tiếp theo.
Nhờ đó, đến hết tháng 10, Trung tâm Nước sạch và VSMTNT Vĩnh Phúc đã chỉ đạo cấp phát và lắp đặt xong toàn bộ 362 thiết bị lọc nước theo đúng kế hoạch. Thiết bị sau khi bàn giao đều đảm bảo chất lượng, vận hành tốt. Đồng thời tổ chức tập huấn kỹ thuật để các hộ biết cách sử dụng, vận hành thiết bị đúng quy trình, đồng thời tuyên truyền để nhân rộng mô hình này ra các hộ không thuộc diện được hỗ trợ.
Với việc làm thiết thực này, nhiều hộ gia đình nông thôn, hộ nghèo, hộ chính sách có điều kiện kinh tế khó khăn sớm được tiếp cận với nguồn nước sinh hoạt đảm bảo hợp vệ sinh góp phần nâng cao sức khỏe, cải thiện điều kiện sống. Góp phần thực hiện chủ trương và đường lối đúng đắn của Đảng và Nhà nước trong công cuộc xóa đói, giảm nghèo bền vững, hoàn thành Chương trình mục tiêu quốc gia về Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn và Chương trình xây dựng nông thôn mới.