(ĐCSVN) - Sau hơn 3 năm tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết số 27-NQ/TW Khoá X về “Xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước”, công tác xây dựng đội ngũ trí thức ở Vĩnh Phúc đã đạt được những kết quả quan trọng. Vị trí, vai trò của đội ngũ trí thức ngày càng được nâng cao.
Hiện nay, tổng số cán bộ, công chức, viên chức (CB,CC,VC) thuộc khối Đảng, đoàn thể và hành chính sự nghiệp của toàn tỉnh Vĩnh Phúc là 20.698 người. Trong đó, hầu hết là các cán bộ đã qua đào tạo, có trình độ chuyên môn vững vàng, số lượng cán bộ có trình độ tiến sỹ, thạc sĩ ngày càng tăng. Điển hình, trong khối các cơ quan hành chính, sự nghiệp hiện có 9 tiến sỹ, 622 thạc sỹ, 9.563 đại học, 4.482 cao đẳng, 4.255 trung cấp...
Đối với cán bộ, công chức cấp xã, trình độ cũng ngày càng được nâng cao. Hiện toàn tỉnh có 2.482 cán bộ công chức cấp xã, trong đó có 1.412 cán bộ chuyên trách và 1.070 công chức chuyên môn. Trong số đó, có 389 người có trình độ đại học, cao đẳng có 43 người, trung cấp 1.159 người, sơ cấp và chưa qua đào tạo 891 người. Đặc biệt số CB,CC,VC cấp xã đạt chuẩn là 86,62%.
Với trình độ chuyên môn được đào tạo, đội ngũ trí thức của tỉnh luôn phát huy tinh thần tự học, tự sáng tạo, trách nhiệm với công việc được giao. Vì vậy, dù ở lĩnh vực nào, ngành nghề nào đội ngũ trí thức của tỉnh cũng đã khẳng định được vị trí, vai trò, trách nhiệm của mình. Trong sản xuất và đời sống, đội ngũ trí thức đã nhanh chóng tiếp cận, làm chủ và ứng dụng có kết quả nhiều thành tựu khoa học. Trong giáo dục - đào tạo, dạy nghề, đội ngũ trí thức đã góp phần trong việc nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài, tạo nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ cho sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá của tỉnh.Trong lĩnh vực chăm sóc sức khoẻ nhân dân, đã có nhiều thầy thuốc vừa chữa bệnh, vừa nghiên cứu khoa học đạt kết quả cao như ở Bệnh viện Y học cổ truyền, Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Bệnh viện K74 trung ương...
Để tạo điều kiện cho đội ngũ trí thức tìm tòi và phát huy sức sáng tạo, năng lực, trong những năm qua, tỉnh Vĩnh Phúc đã có những cơ chế, chính sách trong việc xây dựng đội ngũ trí thức. Theo đó, hàng năm tỉnh đều cử CB,CC,VC đi đào tạo nâng cao trình độ theo các chương trình của trung ương và theo các chương trình phối hợp liên kết của tỉnh. Từ năm 2008 đến nay, tỉnh Vĩnh Phúc đã cử nhiều lượt cán bộ đi nghiên cứu sinh, đào tạo thạc sỹ ở ngước ngoài, đào tạo đại học và đào tạo văn bằng hai,... Ngoài việc đào tạo, bồi dưỡng, phát huy tiềm năng của đội ngũ trí thức sẵn có, tỉnh cũng đã có cơ chế nhằm thu hút những người có trình độ cao, chuyên môn giỏi ngoại tỉnh sau khi tốt nghiệp về công tác tại tỉnh. Đặc biệt là ở các lĩnh vực ngoại ngữ, tin học, ngành y...
Công tác điều động, bổ nhiệm cán bộ, được thực hiện theo đúng nguyên tắc, dân chủ, phù hợp với trình độ, chuyên môn, vị trí công tác. Công tác xét tuyển công chức, viên chức được thực hiện đúng quy trình, đảm bảo công khai, công bằng cho các đối tượng dự tuyển.
Nhiều cơ quan, đơn vị trong tỉnh cũng đã coi trọng công tác thi đua, khen thưởng, nhằm khuyến khích, tôn vinh trí thức có thành tích trong các hoạt động báo chí, văn học nghệ thuật, khoa học công nghệ, trong học tập, lao động, sản xuất, thông qua việc tổ chức trao tặng các giải thưởng về báo chí, văn học nghệ thuật, sáng tạo khoa học và công nghệ,... ở tỉnh và các địa phương. Qua đó, nhiều trí thức đã được tuyên dương, khen thưởng vì đã có những đóng góp xuất sắc vào sư nghiệp phát triển chung của tỉnh.
Tuy nhiên, công tác xây dựng đội ngũ trí thức của tỉnh còn gặp nhiều khó khăn, còn một số tồn tại, hạn chế như: Nhận thức về vai trò, vị trí của trí thức của một số cấp uỷ, chính quyền nhìn chung chưa đầy đủ nên đã thiếu sự nhất quán trong cơ chế, chính sách, đào tạo, sử dụng trí thức; còn ít quan tâm đến bồi dưỡng nguồn nhân lực chất lượng cao và tôn vinh những trí thức có tài năng; cơ chế, chính sách đào tạo, sử dụng, đãi ngộ đội ngũ trí thức của tỉnh chưa thực sự thu hút được trí thức có trình độ cao về công tác tại tỉnh, do vậy, tỉnh còn rất thiếu những cán bộ đầu đàn, có trình độ chuyên môn giỏi ở một số ngành, lĩnh vực như: nông - lâm nghiệp, công nghiệp, y tế, giáo dục, KHCN...Một số cán bộ, công chức, viên chức còn hạn chế về trình độ ngoại ngữ, chưa đáp ứng được xu thế hội nhập kinh tế quốc tế hiện nay. Tình trạng đào tạo trí thức bậc cao (từ trình độ đại học trở lên) còn thiếu quy hoạch, có tính tràn lan, chưa có sự đồng đều ở tất cả các ngành, lĩnh vực.
Để tiếp tục thực hiện hiệu quả Nghị quyết 27-NQ/TW trong thời gian tới, tỉnh Vĩnh Phúc sẽ tiếp tục tập trung thực hiện nghiêm túc, hiệu quả công tác quản lý, sử dụng trí thức; việc điều động, bổ nhiệm, đề bạt cán bộ phải đảm bảo dân chủ, công khai, minh bạch, phù hợp với năng lực chuyên môn. Đồng thời, sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng, trọng đó đặc biệt quan tâm đến những cán bộ trẻ có triển vọng nhằm tạo nguồn cán bộ kế cận cho tỉnh; Ngoài ra, sẽ tiếp tục tăng cường liên kết xây dựng các chương trình đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ trí thức với các tỉnh thành trong cả nước, cũng như với nhiều nước trong khu vực và trên thế giới; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, báo cáo việc triển khai thực hiện Nghị quyết ở tất cả các cấp, các ngành, đoàn thể, đơn vị, tổ chức trong tỉnh…/.