(ĐCSVN) - Sáng 30/12, Tỉnh ủy Vĩnh Phúc tổ chức Hội nghị sơ kết 5 thực hịên Chỉ thị số 54-CT/TW của Ban Bí thư (khóa IX) về tăng cường lãnh đạo công tác phòng, chống HIV/AIDS trong tình hình mới.
Hội nghị đã đánh giá kết quả 5 năm thực hịên Chỉ thị số 54-CT/TW của Ban Bí thư và 3 năm thực hiện Phong trào “Toàn dân phòng, chống HIV/AIDS tại cộng đồng dân cư”.
|
Biểu dương các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong thực hiện Chỉ thị (Ảnh: Nguyễn Hà) |
Vĩnh Phúc phát hiện trường hợp đầu tiên nhiễm HIV/AIDS năm 1995 (sau 5 năm so với cả nước) tại thị xã Phúc Yên, đến nay 9/9 huyện, thành, thị và 124/137 (90,5%) xã, phường, thị trấn trong tỉnh có người nhiễm HIV. Tính đến 30/10/2011, lũy tích số người nhiễm HIV là 2.315 người, chuyển AIDS là 1.093 người và tử vong do AIDS là 416 người. Đây mới là số thống kê được có danh tính cụ thể, số thực cao hơn gấp nhiều lần. Đa số các trường hợp nhiễm HIV/AIDS là nam giới, chiếm tới 86%. Tuy nhiên, hiện nay đang có xu hướng chuyển dịch dần từ nam giới sang nữ (năm 2009 là 89% nam, 11% nữ; năm 2010 nam là 87%, nữ là 13%; đến năm 2011 nam là 86%, nữ là 14%).
Trước tình hình dịch HIV/AIDS trên địa bàn tỉnh, sau khi có Chỉ thị 54-CT/TW, ngày 30/11/2005 của Ban Bí thư, ngày 05/12/2006 Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Thông tri số 15-TT/TU về tăng cường lãnh đạo công tác phòng, chống HIV/AIDS trong tình hình mới; thành lập Ban Chỉ đạo phòng, chống tội phạm, HIV/AIDS, tệ nạn ma túy, mại dâm các cấp để chỉ đạo công tác phòng, chống HIV/AIDS.
Công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến Chỉ thị và công tác phòng, chống HIV/AIDS được tỉnh quan tâm chỉ đạo thường xuyên và đạt được những kết quả quan trọng. Nhiều hình thức tuyên truyền được triển khai như: các hội thi “Hội thi truyền thông phòng, chống AIDS tỉnh Vĩnh Phúc lần thứ nhất” năm 2006, năm 2007 tổ chức Hội trại “Thanh thiếu niên phòng, chống HIV/AIDS” với 17 đội tham dự; hội thi “ Phụ nữ Vĩnh Phúc với công tác phòng, chống HIV/AIDS” năm 2008 thu hút đông đảo cán bộ, hội viên Hội phụ nữ của các huyện, thị, thành trong tỉnh tham gia với trên 85.000 bài thi viết trong đó có rất nhiều bài chất lượng được Ban tổ chức đánh giá cao.
Các cơ quan truyền thông, báo chí (Đài Phát thanh-Truyền hình, Báo Vĩnh Phúc, Cổng Thông tin-Giao tiếp điện tử tỉnh...) đã tích cực đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền phòng, chống HIV/AIDS. Từ năm 2006 đến năm 2011 làm 10 phóng sự, toạ đàm; đăng 285 tin, bài trên các báo, tạp chí, bản tin trong và ngoài tỉnh; 185.329 bản tài liệu (tờ rơi, tờ gấp, sách mỏng, tạp chí...), phát 10.556 lượt nội dung thông điệp tuyên truyền phòng, chống HIV/AIDS trên đài phát thanh, truyền hình, đài truyền thanh huyện xã và được phát sóng và cập nhật liên tục tới nhân dân trong tỉnh.
Hàng năm, tỉnh dành hơn 2 tỷ đồng cho các hoạt động tuyên truyền, truyền thông, giáo dục, đào tạo và tập huấn; xét nghiệm phát hiện HIV; điều trị nhiễm trùng cơ hội ARV cho bệnh nhân HIV/AIDS; công tác điều trị, nghiên cứu cộng đồng, phối hợp liên ngành; công tác xét nghiệm sàng lọc HIV trước khi truyền máu; công tác dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con... góp phần làm nên những kết quả trong công tác phòng, chống HIV/AIDS của tỉnh trong thời gian qua.
Kết quả, sau hơn 5 năm tổ chức thực hiện Chỉ thị số 54-CT/TW của Ban Bí thư nhận thức của cấp ủy, chính quyền, cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân đối với công tác phòng, chống HIV/AIDS được nâng lên rõ rệt. Toàn xã hội đã tích cực tham gia công tác phòng, chống HIV/AIDS. Hệ thống tổ chức bộ máy phòng, chống HIV/AIDS từ tỉnh đến cơ sở được củng cố, kiện toàn và duy trì hoạt động thường xuyên. Các ban, ngành, đoàn thể, địa phương, đơn vị đã có sự phối hợp chặt chẽ trong việc tuyên truyền, giáo dục, triển khai công tác phòng, chống HIV/AIDS.
Tuy nhiên, nhân lực của hệ thống phòng, chống AIDS từ tỉnh đến cơ sở còn thiếu, cán bộ làm việc kiêm nhiệm, chế độ ưu đãi thấp nên chất lượng hoạt động bị hạn chế. Nhiều hoạt động mang tính hình thức, chưa có chiều sâu bền vững tại cơ sở.
Các cấp, các ngành tham gia phòng, chống AIDS chỉ với tinh thần tự giác. Công tác phòng, chống HIV/AIDS được thực hiện chủ yếu bằng nguồn ngân sách cấp hàng năm. Dịch diễn biến âm thầm, khó kiểm soát; đối tượng nhiễm HIV chủ yếu là lớp trẻ (20-39 tuổi) chiếm 85%, đa phần không có nghề nghiệp ổn định, nguyên nhân chủ yếu là do nghiện chích ma tuý (chiếm 68%); do vậy quản lý đối tượng nhiễm HIV rất khó khăn.
Trong thời gian tới, các cấp, các ngành, nhất là ngành Y tế Vĩnh Phúc tiếp tục quán triệt và tổ chức thực hiện tốt Thông báo kết luận số 27, ngày 9/5/2011 của Ban Bí thư ; Chỉ thị số 54-CT/TW, của Ban Bí thư ; Thông tri số 15-TT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ về công tác phòng, chống HIV/AIDS trong tình hình mới. Tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện phong trào “Toàn dân tham gia phòng, chống HIV/AIDS tại cộng đồng dân cư” ở tất cả các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh. Tiếp tục tuyên truyền, vận động, huy động cộng đồng tham gia công tác xã hội hóa hoạt động phòng, chống HIV/AIDS...
Tại Hội nghị, Ban Thường vụ Tỉnh ủy và Chủ tịch UBND tỉnh đã biểu dương và tặng Bằng khen cho 12 tập thể và 28 cá nhân có thành tích xuất sắc trong thực hiện Chỉ thị 54-CT/TW của Ban Bí thư “về tăng cường lãnh đạo công tác phòng, chống HIV/AIDS trong tình hình mới”, góp phần quan trọng vào những thành tựu trong công tác phòng, chống HIV/AIDS của tỉnh Vĩnh Phúc.