|
Ảnh minh họa (Nguồn: N.Y) |
Mặc dù tỉnh đã sớm dập được dịch bệnh, không có ca nhiễm mới song tình hình dịch bệnh trên toàn cầu đến nay vẫn diễn biến phức tạp, kéo dài, khiến các hoạt động sản xuất kinh doanh bị đình trệ, gián đoạn chuỗi cung ứng và lưu chuyển thương mại, gây ảnh hưởng mạnh đến nền kinh tế của tỉnh vốn đang hội nhập sâu rộng với độ mở lớn.
Kết quả thu hút vốn đầu tư năm 2020 của tỉnh đạt thấp so với năm 2019, trong đó vốn FDI dự kiến đạt 500 triệu USD, với 30 dự án cấp mới và 45 dự án tăng vốn, bằng 43% so với năm 2019 và đạt 90,9% so với kế hoạch; vốn DDI dự kiến đạt 7.200 tỷ đồng, với 45 dự án cấp mới và 10 dự án tăng vốn, mặc dù đạt 130,9% so với kế hoạch năm song chỉ bằng 47% so với năm 2019.
Sự sụt giảm về số vốn thu hút đầu tư trong năm 2020 chủ yếu là do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 nên các nhà đầu tư từ nhiều quốc gia, trong đó có Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc là thị trường truyền thống của tỉnh đã dừng triển khai tìm kiếm cơ hội đầu tư mới. Các dự án đang thực hiện thì các nhà đầu tư cân nhắc việc tăng vốn tại thời điểm này. Bên cạnh đó, việc hạn chế nhập cảnh người nước ngoài vào Việt Nam dẫn đến nhiều doanh nghiệp thiếu hụt chuyên gia, người lao động trình độ cao khiến các doanh nghiệp này phải tạm ngừng sản xuất, cắt giảm lao động. Việc tuyển dụng lao động mới gặp khó khăn do tâm lý lo ngại dịch bệnh. Một số doanh nghiệp FDI đã giảm doanh thu, lợi nhuận dẫn đến thua lỗ, tạm ngừng hoạt động hoặc hoạt động cầm chừng. Nhiều dự án vệ tinh của Tập đoàn Samsung hoạt động trong lĩnh vực điện tử bị sụt giảm số lượng đơn đặt hàng (ước tính 20-30%), các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực dệt may có đối tác khách hàng tại Mỹ, các nước châu Âu cũng bị tạm dừng hoặc cắt giảm đơn hàng.
Kinh doanh thương mại của tỉnh năm 2020 cũng chịu tác động mạnh bởi dịch COVID-19. Hoạt động mua, bán lẻ hàng hóa chỉ diễn ra sôi động trong nửa đầu tháng 1 để phục vụ Tết nguyên đán, sang đến tháng 2 và tháng 3 thì chững lại do dịch bệnh COVID-19 bùng phát, lượng hàng hóa bán ra trong ngày tại các siêu thị, trung tâm thương mại, chợ truyền thống có thời điểm giảm từ 50-80% so với bình quân các ngày trong năm 2019.
Trong khoảng từ tháng 2 đến tháng 4/2020, do người dân hạn chế đi lại, tránh tiếp xúc nơi đông người, lượng khách đi tham quan du lịch giảm mạnh, nhu cầu vận tải nguyên vật liệu phục vụ sản xuất kinh doanh thấp. Sau thời gian giãn cách, các hoạt động sản xuất, kinh doanh dần trở lại trạng thái bình thường mới song nhu cầu vận tải chưa cao nên doanh thu các hoạt động vận tải kho bãi và dịch vụ hỗ trợ dự kiến chỉ đạt 4,1 nghìn tỷ đồng, giảm 12% so với năm 2019.
Dịch vụ du lịch chịu ảnh hưởng nặng nề nhất do dịch COVID-19. Tổng doanh thu dịch vụ lưu trú , ăn uống cả năm ước đạt 3,6 nghìn tỷ đồng, giảm 13%; doanh thu du lịch lữ hành ước đạt 76,1 tỷ đồng, giảm 26% so với năm 2019. Trong khoảng tháng 2, tháng 3/2020, tình trạng khách hủy tour, hủy phòng, hủy dịch vụ số lượng lớn, lượng khách mới đặt dịch vụ giảm mạnh đã làm cho một số doanh nghiệp phải hoạt động cầm chừng, cắt giảm nhân viên, cho nhân viên nghỉ luân phiên, đặc biệt là khối khách sạn, nhà hàng như Flamingo Đại Lải resort giảm 70%, FLC Vĩnh Thịnh resort giảm 40%,…, thậm chí có một số đơn vị phải đóng cửa tạm ngừng hoạt động. Ngoài ra, các cơ sở cung cấp dịch vụ ăn uống, mua sắm, các khu, điểm du lịch cũng giảm mạnh doanh thu.
Những ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 nói trên khiến tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh tăng thấp, đạt 0,69% so với kế hoạch đề ra là 8-8,5%. Thu ngân sách của tỉnh năm 2020 rất khó khăn, chỉ đạt 85,8% dự toán năm và bằng 82,1% so với cùng kỳ năm 2019.
Năm 2021, vượt qua những khó khăn, để kinh tế của tỉnh tiếp tục phát triển và đạt mục tiêu tăng trưởng đề ra 8,5-9%, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc trong tỉnh đoàn kết, sáng tạo, quyết liệt, mạnh mẽ tìm ra các giải pháp căn cơ giải quyết từng vấn đề cụ thể, quyết tâm thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII ngay từ năm đầu của nhiệm kỳ.
Theo đó, tỉnh Vĩnh Phúc tăng cường nuôi dưỡng các nguồn thu ngân sách; chống thất thu, cắt giảm các nhiệm vụ chi chưa cần thiết bảo đảm tiết kiệm, hiệu quả. Bảo đảm nguồn lực thực hiện các nhiệm vụ cấp bách phòng chống dịch COVID-19, các chính sách an sinh xã hội. Thực hiện tốt nhiệm vụ cải cách thủ tục hành chính, nâng cao hiệu quả cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4. Ban hành Chiến lược thu hút vốn đầu tư của tỉnh giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030; tận dụng tốt làn sóng chuyển dịch đầu tư từ khu vực Đông Bắc Á vào ASEAN, trong đó có Việt Nam để thu hút các nhà đầu chiến lược có năng lực kinh nghiệm, tài chính, các tập đoàn xuyên quốc gia có công nghệ cao, công nghệ nguồn, công nghệ “xanh”, thân thiện với môi trường. Tạo sự bứt phá thực sự về hạ tầng, ứng dụng và nhân lực công nghệ thông tin - truyền thông. Ứng dụng rộng rãi công nghệ thông tin trong các lĩnh vực, đặc biệt tập trung ưu tiên phát triển chính phủ điện tử, chuyển đổi số một số ngành trọng điểm như giáo dục, y tế, công nghiệp, nông nghiệp, du lịch…