Vĩnh Phúc: Tăng cường các biện pháp chống rét cho trâu, bò

Thứ hai, 03/11/2014 14:00
(ĐCSVN) – Theo Trung tâm Thông tin Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Vĩnh Phúc, diễn biến thời tiết trong mùa Đông Xuân 2014 - 2015 trên phạm vi cả nước có nhiều diễn biến phức tạp, bởi vậy, người chăn nuôi trên địa bàn tỉnh cần chủ động các biện pháp chống rét cho trâu, bò.

Theo dự báo của Trung tâm Dự báo khí tượng Thủy văn Trung ương, diễn biến thời tiết, thủy văn trong mùa Đông – Xuân năm 2014-2015 trên phạm vi cả nước có xu hướng thiếu hụt mưa, xuất hiện khô hạn và thiếu nước. Trong khi đó, nền nhiệt độ tăng cao, rét đậm, rét hại có khả năng đến sớm. Vì vậy, các biện pháp chủ động phòng chống đói rét cho gia súc cần triển khai sớm nhằm giảm thiệt hại cho người chăn nuôi.

Trong đó, cần chủ động thức ăn thô xanh như: thức ăn ủ chua (rơm ủ xanh; dây khoai lang; ngọn, lá sắn; thân, lá chuối; dây lạc; thân, lá ngô ủ chua ngay sau thu hoạch,…), thức ăn phơi khô (rơm, rạ, cỏ khôi, bột lá rau các loại,…) từ đầu mùa đông. Tận dụng tối đa thân lá ngô vụ đông cho trâu bò. Nên xây hầm ủ phù hợp với nhu cầu của đàn gia súc và dựng kho chứa thức ăn khô đủ cho cả đàn ăn trong 3-4 tháng.

Bên cạnh đó, hạn chế việc chăn thả rông trâu, bò trong những ngày trời lạnh. Xây dựng chuồng trại theo hướng kiên cố để chăn nuôi ổn định, lâu dài. Nên xây chuồng theo hướng Đông – Nam, tránh gió lùa, mưa tạt và bị nắng chiếu lâu. Chuồng có hệ thống thoát chất thải, nên luôn khô ráo, sạch sẽ, có chất độn chuồng sạch, không trơn trượt, ẩm mốc. Gia cố chuồng trại như dùng bạt dứa, tấm nilon lớn hoặc các vật liệu khác để che kín chuồng. Nên mặc áo rơm, áo bao tải đay, bao tải dứa, chăn len, chăn bông cho trâu bò.

Nhằm giúp trâu, bò tăng sức chịu đựng trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt, nhất là trong thời gian dài, người chăn nuôi cần chú ý bổ sung thêm thức ăn tinh như cám gạo, bột ngô, bột hoặc sắn lát, cháo muối,…Cho trâu, bò uống nước ấm, nước muối, nước gừng.

Mặt khác, tổ chức cách ly, chăm sóc tốt trâu, bò yếu, ốm trong những ngày giá rét. Tăng cường vệ sinh, tiêu độc khử trùng. Đảm bảo vệ sinh chuồng trại sạch sẽ, định kỳ phun thuốc khử trùng 2-3 tuần/lần để hạn chế mầm bệnh phát triển. Triển khai tiêm phòng đầy đủ vắc – xin chống các bệnh truyền nhiễm như dịch tả, tụ huyết trùng, lở mồm long móng, nhiệt thán,…/.

 

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực