Vĩnh Phúc: Tăng cường các biện pháp thực hiện chăn nuôi bò sữa

Thứ năm, 24/07/2014 10:47

(ĐCSVN) - Từ năm 2001, Vĩnh Phúc đã triển khai chăn nuôi bò sữa, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp của tỉnh. Đến nay, tỉnh đã hình thành được vùng chăn nuôi bò sữa tập trung, tạo ra sản phẩm hàng hóa chất lượng cao.

Ảnh minh họa (Ảnh: vinhphuc.vn)

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Vĩnh Phúc, ngành chăn nuôi bò sữa của tỉnh trong những năm qua đã đạt được nhiều kết quả khích lệ. Cụ thể, số lượng bò sữa trên địa bàn tỉnh tăng từ 346 con năm 2001 lên 2.374 con năm 2011; năm 2013 đạt 4.142 con. Tốc độ tăng đàn bò trong 10 năm 2001-2011 bình quân đạt 21,2%. Hiện, đàn bò sữa được nuôi tại 926 hộ/26 xã/ 5 huyện, thành phố. Sản lượng sữa, giai đoạn 2001-2011 tăng từ 491 tấn lên 4.337,6 tấn (tăng bình quân 24,3%/năm), năm 2012 đạt 5.869,8 tấn; năm 2013 tăng lên 8.325,2 tấn (tăng 42,1%).

Bên cạnh đó, năng suất sữa của đàn bò nuôi tại địa bàn tỉnh giai đoạn 2001-2011 tăng từ 4.200 kg/chu kỳ lên 4.690 kg/chu kỳ (tăng bình quân 1,1%/năm); năm 2013 tăng lên 5.070 kg/chu kỳ (tăng 4,2%). Chăn nuôi bò sữa tiếp tục chuyển dịch rõ rệt; hình thành được vùng sản xuất hàng hóa giúp nhiều hộ chăn nuôi phát triển kinh tế, làm giàu từ nghề chăn nuôi bò sữa tại một số xã, vùng, bãi ven sông Hồng như: Vĩnh Thịnh, An Tường, Vĩnh Ninh, Bình Dương; Trung Nguyên,… Hiện tại, tính 1 bò sữa có sản lượng sữa trung bình 5.000 kg/chu kỳ sữa (tính theo 300 ngày/năm), với giá thành sản xuất 1kg sữa bò tươi là 10.388 đồng/kg cho lãi bình quân 25-28 triệu đồng/con/năm.

Để đạt được những kết quả nêu trên, trong thời gian qua, tỉnh đã tập trung ưu tiên chọn lọc, lai tạo đàn bò sữa có từ 75-85% máu bò HF trở lên. Trong đó, áp dụng tiến bộ kỹ thuật thụ tinh nhân tạo trong công tác phối giống bò sữa (đạt 100%); hỗ trợ 100% tinh bò, dụng cụ vật tư liên quan. Xây dựng và hình thành vùng chăn nuôi bò sữa tập trung tại các xã ven sông Hồng của huyện Vĩnh Tường và các xã ven sông Phó Đáy, huyện Lập Thạch.

Thêm vào đó, công tác xử lý môi trường luôn được tỉnh chú trọng. Đến nay đa số các hộ đã xây dựng hầm Biogas để xử lý chất thải chăn nuôi (820 hầm/926 hộ). Nhiều hộ chăn nuôi bò sữa đã sử dụng hệ thống làm mát bằng phun sương kết hợp quạt mát để chống nóng cho bò vào mùa hè; đệm nền chuồng để hạn chế bệnh viêm móng; trồng nhiều giống cỏ mới có năng suất, chất lượng để làm thức ăn cho bò sữa. Sử dụng máy vắt sữa, máy thái cỏ phục vụ chăn nuôi bò sữa.

Mặt khác, tỉnh đã thực hiện hỗ trợ 100% lãi suất tiền vay ngân hàng cho các hộ chăn nuôi bò sữa, mức vay 30 triệu đồng/con, chu kỳ 18 tháng. Khuyến khích dồn điền, đổi thửa khu đất quy hoạch phát triển chăn nuôi, khu đất trũng, đất trồng lúa kém hiệu quả, đất trồng màu,… Hỗ trợ 100% vắc xin, hóa chất tiêu độc khử trùng cho đàn bò sữa với các bệnh lở mồm long móng, tụ huyết trùng và các loại thuốc khử trùng tiêu độc 2 lần/năm trên phạm vi toàn tỉnh. Bên cạnh đó, hỗ trợ 100% kinh phí đào tạo tập huấn kỹ thuật cho đội ngũ kỹ thuật, dẫn tinh viên và các hộ chăn nuôi bò sữa trên địa bàn tỉnh.

Tuy nhiên, trong thời gian qua, ngành chăn nuôi bò sữa tỉnh Vĩnh Phúc vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Giai đoạn 2004-2005 chăn nuôi bò sữa của tỉnh có xu hướng chững lại do kỹ thuật chăn nuôi bò sữa của một số hộ còn hạn chế; công tác quản lý Nhà nước về các sản phẩm sữa bò tươi trên thị trường chưa thật sự chặt chẽ. Nhiều doanh nghiệp kinh doanh và chế biến sữa bò tươi còn ép giá nông dân.

Song song với đó, hiện, việc chuyển đổi đất trồng cỏ, làm chuồng trại xa khu dân cư vẫn chưa được thực hiện. Quy mô, phương thức chăn nuôi bò sữa hiện nay chủ yếu theo hình thức nông hộ, nhỏ lẻ, gần khu dân cư đang gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.

Nhằm phát triển ngành bò sữa của tỉnh, theo ông Bùi Như Ý – Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Vĩnh Phúc, cần có chính sách quản lý chặt chẽ về giống bò sữa, đảm bảo chất lượng tinh bò sữa sản xuất trong nước và nhập khẩu. Đồng thời cần có chính sách về đất đai tạo điều kiện thuận lợi cho các hộ chăn nuôi xa khu dân cư, đảm bảo vệ sinh môi trường, đảm bảo an toàn dịch bệnh cho chăn nuôi bò sữa; chính sách về bảo hiểm nông nghiệp đối với chăn nuôi bò sữa trong những năm tiếp theo. Thêm vào đó, cần đẩy mạnh công tác lai tạo, chọn lọc giới tính, ứng dụng công nghệ cấy phôi vào sản xuất giống bò sữa tạo điều kiện cho tỉnh cũng như các địa phương khác đẩy mạnh việc thực hiện chăn nuôi bò sữa./.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực