|
Ảnh minh hoạ: Internet |
(ĐCSVN) - Hiện nay, Vĩnh Phúc có hơn 33.000ha rừng. Hầu hết, diện tích rừng của tỉnh là rừng nguyên sinh, nằm dọc theo dãy núi Tam Đảo, độ dốc lớn, đây là khu vực rừng rất dễ cháy, luôn trong tình trạng báo động cấp 4, cấp 5, điển hình là khu vực rừng Vườn Quốc gia Tam Đảo được xác định là một trong những nơi trọng điểm dễ xảy ra cháy rừng của Quốc gia. Việc phòng cháy chữa cháy rừng, bảo vệ rừng là một yêu cầu vừa thường xuyên vừa cấp bách đối với nhiệm vụ của điạ phương này.
Theo báo cáo của Ban chỉ huy Phòng cháy, chữa cháy và bảo vệ rừng tỉnh Vĩnh Phúc, trong những năm qua, công tác phòng cháy, chữa cháy rừng trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc luôn được triển khai quyết liệt. Đặc biệt là trong thời điểm mùa khô, nóng, hạn, nguy cơ xảy ra cháy rừng. cao. Thực hiện sự chỉ đạo của Chi cục kiểm lâm tỉnh các Hạt kiểm lâm các huyện, thị xã đã xây dựng lịch trực bảo vệ và phòng chống, chữa cháy rừng thường xuyên và phân công trách nhiệm cụ thể cho từng cá nhân; kiện toàn Ban chỉ huy phòng chống, chữa cháy rừng, bảo vệ rừng các cấp và chủ rừng; củng cố các tổ xung kích chữa cháy rừng ở cơ sở; xây dựng phương án phòng chống, chữa cháy, bảo vệ rừng; huấn luyện nghiệp vụ chữa cháy rừng và trang bị phương tiện dụng cụ cần thiết phòng chống, chữa cháy rừng…
Cùng với đó, việc đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục pháp luật về bảo vệ rừng, phòng chống, chữa cháy rừng tới mọi tầng lớp nhân dân cũng được đặt lên hàng đầu. Từ đầu năm đến nay, Chi Cục kiểm lâm tỉnh Vĩnh Phúc đã viết, vẽ 25 bảng biển bảo vệ rừng đã có, chăm sóc 70-80km đường băng cản lửa đã có; xây dựng mới 30-40km đường băng trắng cản lửa và tu bổ hệ thống chòi, lán gác trên rừng. Đồng thời, triển khai có hiệu quả công tác dự tính, cảnh báo cháy rừng, thông tin kịp thời tới cơ sở để nắm vững diễn biến khí hậu thời tiết và nguy cơ cháy rừng có thể xảy ra.
Cũng trong thời gian qua, tại các vùng rừng có nguy cơ cháy cao Chi cục Kiểm lâm tỉnh đã tổ chức lực lượng thường trực, tuần tra canh gác lửa rừng 24/24 giờ đối với những ngày có dự báo từ cấp III trở lên. Duy trì chế độ dự báo, cảnh báo cháy rừng, thực hiện nghiêm túc chế độ tuần tra canh gác tại rừng, chế độ trực từ tỉnh đến cơ sở, chủ rừng.
Ngoài ra, Chi cục còn quán triệt và thực hiện triệt để phương châm 4 tại chỗ “lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ, hậu cần tại chỗ, chỉ huy tại chỗ”. Chủ động đảm bảo về kinh phí, phương tiện dụng cụ cần thiết phục vụ kịp thời cho công tác bảo vệ, phòng chống, chữa cháy rừng. Nếu xảy ra cháy rừng phải triển khai các biện pháp kỹ thuật lâm sinh để khắc phục kịp thời những diện tích bị cháy, đồng thời xác định rõ nguyên nhân gây cháy, phối hợp điều tra truy tìm thủ phạm để giáo dục, răn đe ngăn chặn những vi phạm có thể xảy ra.
Để nâng cao công tác phòng cháy, chữa cháy rừng, mới đây, tại huyện Tam Đảo (Vĩnh Phúc) đã diễn ra Diễn tập phòng cháy chữa cháy rừng, bảo vệ rừng huyện Tam Đảo năm 2010. Với những tình huống đặt ra như: Tình huống cháy nhỏ khu vực rừng bạch đàn; tình huống cháy vừa khu rừng thông; tình huống cháy lớn ở phạm vi khoảng 100ha, ở độ cao từ 80 đến 100m, so với mực nước biển….Do có sự chuẩn bị kỹ càng, buổi diễn tập được đánh giá hoàn thành xuất sắc. Thông qua diễn tập đã góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành, lực lượng vũ trang và nhân dân, nhất là chủ rừng trong phòng cháy chữa cháy, bảo vệ rừng.
Có thể nói, với những nỗ lực không ngừng, đến nay, công tác phòng cháy, chữa cháy rừng trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc đã có những bước tiến đáng kể. Cùng với đó, hệ thống phương án phòng cháy, chữa cháy rừng ngày càng hoàn thiện hơn góp phần nâng cao trách nhiệm của các lực lượng trong phòng cháy chữa cháy rừng, bảo vệ rừng trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc.