Những tháng đầu năm 2011, giá các mặt hàng tiêu dùng, nguyên nhiên liệu tiếp tục tăng mạnh và có nhiều diễn biến phức tạp. Một số nhóm hàng hóa có xu hướng tăng cao là lương thực, thực phẩm, hàng dược và thiết bị y tế, vật tư nông nghiệp, chất đốt và vật liệu xây dựng, vận tải…
Thực hiện Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 24/02/2011 của Chính phủ về những giải pháp chủ yếu tập trung kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội, Chi cục Quản lý thị trường Vĩnh Phúc chỉ đạo lực lượng quản lý thị trường tăng cường kiểm tra, kiểm soát các mặt hàng thuộc danh mục bình ổn giá việc kê khai, đăng ký, niêm yết giá và bán theo giá niêm yết tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh, trung tâm thương mại, siêu thị, chợ… bảo đảm ổn định giá cả thị trường, không để xảy ra tình trạng lợi dụng sự điều chỉnh giá của Nhà nước để đầu cơ, găm hàng, tăng giá hàng hoá, dịch vụ bất hợp lý.
Qua kiểm tra, kiểm soát trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc cho thấy, hoạt động kinh doanh, buôn bán 7 tháng đầu năm 2011 sôi động, phát triển; khối lượng giao dịch tăng cao, hàng hóa khá dồi dào, phong phú, đáp ứng kịp thời nhu cầu sản xuất và tiêu dùng. Chất lượng hàng hóa có xu hướng được nâng cao hơn, đặc biệt nhóm các mặt hàng rượu bia, bánh kẹo, may mặc, da giày và hoa quả, thực phẩm tươi sống... Tình trạng hàng giả, hàng nhái, hàng chất lượng kém đã giảm; người tiêu dùng đã có ý thức trong việc quan tâm đến nguồn gốc, nhãn, chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm. Hoạt động kinh doanh, vận chuyển hàng nhập lậu giảm so với cùng kỳ năm 2010 cả về số vụ và số lượng hàng hoá. Chi cục Quản lý thị trường tỉnh Vĩnh Phúc đã chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng thực hiện có hiệu quả công tác dự báo, nắm chắc diễn biến thị trường; đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật đến các hộ kinh doanh và người tiêu dùng. Xử lý nghiêm các hành vi tung tin thất thiệt, đầu cơ găm hàng, tăng giá quá mức, gian lận thương mại, không tuân thủ các quy định về niêm yết giá và bán theo giá niêm yết. Tổ chức thanh tra, kiểm tra một số doanh nghiệp lớn trên các địa bàn trọng điểm, chọn một số ngành hàng nhu cầu tiêu thụ mạnh, có những biến động mạnh đến thị trường như: xăng dầu, khí hóa lỏng, vật liệu xây dựng, phân bón, thuốc tân dược, sữa, điện tử, điện lạnh, thiết bị văn phòng, điện thoại di động, mỹ phẩm... nhằm bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Tuy nhiên, tình hình hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ lưu thông trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc vẫn còn diễn biến khá phức tạp. Thủ đoạn của các đối tượng sản xuất, buôn bán, vận chuyển hàng hoá vi phạm ngày càng tinh vi, công nghệ sản xuất hàng giả nâng cao, nhiều loại hàng giả được sản xuất từ nước ngoài đưa vào thị trường nội địa tiêu thụ như: quần áo, giày dép, hàng mỹ phẩm, rượu, thuốc lá… 7 tháng đầu năm, lực lượng quản lý thị trường phối hợp với các cơ quan chức năng đã tiến hành kiểm tra 1.742 lượt vụ, trong đó có 275 vụ xử lý hành chính. Hàng hoá tịch thu chủ yếu thu gồm: áo phông, đèn pin, bàn chải đánh răng, bánh kẹo các loại, bao bì OMO giả, bột giặt, bếp Haloren, mì chính, chảo hai mặt, dầu gội đầu, nước rửa chén, đồ chơi kích động bạo lực, bút dạ, quặng sắt, mũ bảo hiểm...
Theo ông Lê Hùng, Phó Chi cục trưởng Chi cục quản lý thị trường tỉnh Vĩnh Phúc: “Những tháng cuối năm 2011, Chi cục sẽ phối hợp với các sở, ngành có liên quan tăng cường kiểm tra mặt hàng rượu, mỹ phẩm, điện thoại di động, ô tô chở người từ 9 chỗ ngồi chở xuống; quản lý chặt chẽ hoạt động kinh doanh theo quy định của pháp luật về quản lý giá, niêm yết giá, bán đúng giá niêm yết, nhất là mặt hàng thiết yếu phục vụ đời sống nhân dân. Đồng thời, chỉ đạo Đội Quản lý thị trường(QLTT) các huyện, thành, thị chủ trì Đoàn kiểm tra liên ngành về VSATTP tập trung kiểm tra các bếp ăn tập thể, cơ sở kinh doanh hàng thực phẩm, các điểm giết mổ gia súc, gia cầm không đảm bảo các quy định của pháp luật. Chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng tăng cường đấu tranh chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại. Tăng cường hỗ trợ các Đội quản lý thị trường kiểm tra các tụ điểm kinh doanh, phát luồng hàng hoá, siêu thị, trung tâm thương mại; giám sát chặt chẽ các dấu hiệu đầu cơ, găm hàng, tăng giá quá mức gây bất ổn thị trường”.