Vĩnh Phúc: Tăng cường quản lý hệ thống các công trình hạ tầng kỹ thuật đô thị trên địa bàn

Thứ ba, 13/08/2013 14:49

(ĐCSVN) – Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc Phùng Quang Hùng đã ký ban hành Chỉ thị số 11/CT-UBND ngày 25/7 về việc tăng cường quản lý hệ thống các công trình hạ tầng kỹ thuật đô thị trên địa bàn.

Theo đó, từ khi tái lập tỉnh đến nay, hệ thống các công trình hạ tầng kỹ thuật đô thị trên địa bàn tỉnh (bao gồm: đường giao thông, các công trình cấp nước, thoát nước, cấp điện, chiếu sáng, thông tin liên lạc, xử lý chất thải rắn...) đã được đầu tư xây dựng mang lại những hiệu quả thiết thực, góp phần thúc đẩy sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và cải thiện cảnh quan, môi trường sống đô thị. UBND tỉnh ban hành các quy định phân công, phân cấp quản lý các công trình hạ tầng kỹ thuật trên địa bàn tỉnh (cây xanh đô thị, đường giao thông đô thị, chiếu sáng công cộng đô thị, thoát nước đô thị và khu công nghiệp) nhằm tăng cường phối hợp giữa các ngành, các địa phương, đảm bảo tính đồng bộ trong xây dựng các công trình hạ tầng kỹ thuật đô thị. Tuy nhiên, trong thời gian qua việc đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng kỹ thuật vẫn còn chắp vá, chưa đồng bộ; sự phối hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước, chủ đầu tư và các đơn vị quản lý, vận hành các công trình hạ tầng kỹ thuật chưa chặt chẽ; công tác xây dựng, quản lý và cung cấp thông tin, dữ liệu về hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị chưa tốt; các công trình hạ tầng kỹ thuật thi công chồng chéo, lòng đường, vỉa hè đào lên lấp xuống nhiều lần gây ảnh hưởng đến chất lượng công trình và lãng phí vốn đầu tư, đồng thời ảnh hưởng xấu tới mỹ quan đô thị và đời sống sinh hoạt, đi lại của nhân dân.

Nhằm tăng cường quản lý hệ thống các công trình hạ tầng kỹ thuật đô thị trên địa bàn tỉnh, từng bước khắc phục những tồn tại nói trên, UBND tỉnh chỉ thị cho các cơ quan quản lý nhà nước về hạ tầng kỹ thuật đô thị, UBND các huyện, thành phố, thị xã, các chủ đầu tư xây dựng công trình và các đơn vị quản lý, vận hành hệ thống các công trình hạ tầng kỹ thuật đô thị tổ chức triển khai thực hiện nghiêm túc các nội dung:

Một là, đối với công tác quy hoạch hạ tầng kỹ thuật đô thị: Đẩy nhanh tiến độ lập quy hoạch xây dựng đô thị và các quy hoạch chuyên ngành hạ tầng kỹ thuật (nếu có) làm cơ sở cho việc phát triển đô thị và đầu tư xây dựng hệ thống các công trình hạ tầng kỹ thuật đô thị; Nâng cao chất lượng công tác thẩm định hệ thống công trình hạ tầng kỹ thuật trong các đồ án quy hoạch. Trong các đồ án quy hoạch mới phải xác định công trình hạ tầng kỹ thuật sử dụng chung (hướng tuyến, vị trí và quy mô) để bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ trong quản lý đầu tư xây dựng. Quy hoạch chung đô thị phải xác định hướng tuyến và quy mô các công trình cống cáp, hào và tuy nen kỹ thuật trên các đường trục chính đô thị. Quy hoạch phân khu phải xác định vị trí, số lượng, quy mô các công trình hạ tầng kỹ thuật sử dụng chung từ đường chính khu vực trở lên. Quy hoạch chi tiết phải xác định vị trí, số lượng, quy mô công trình hạ tầng kỹ thuật sử dụng chung từ cấp đường nội bộ trở lên; Đối với các đô thị đã có quy hoạch đô thị được phê duyệt nhưng chưa xác định vị trí, số lượng, quy mô các công trình hạ tầng kỹ thuật sử dụng chung thì phải bổ sung ngay khi điều chỉnh quy hoạch. Trường hợp công trình hạ tầng kỹ thuật sử dụng chung chưa có trong quy hoạch đô thị, khi đầu tư xây dựng phải có ý kiến thỏa thuận của Sở Xây dựng; Khi lập đồ án quy hoạch xây dựng đô thị, cơ quan tổ chức lập quy hoạch phải lấy ý kiến về đồ án quy hoạch của các đơn vị được UBND tỉnh giao nhiệm vụ quản lý, vận hành công trình hạ tầng kỹ thuật.

Hai là, đối với công tác đầu tư xây dựng hệ thống công trình hạ tầng kỹ thuật đô thị: Chủ đầu tư các đô thị mới, khu đô thị mới có trách nhiệm đầu tư xây dựng đồng bộ công trình hạ tầng kỹ thuật sử dụng chung theo quy hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt; Khi đầu tư xây dựng mới, cải tạo, mở rộng các tuyến đường giao thông trục chính trong đô thị theo quy hoạch, chủ đầu tư phải tổ chức thiết kế tuy nen hoặc hào kỹ thuật để lắp đặt đường dây, đường ống ngầm theo đúng quy định. Việc xây dựng tuy nen hoặc hào kỹ thuật phải thực hiện đồng thời với xây dựng đường đô thị thuộc dự án; Đối với các dự án đầu tư xây dựng có liên quan đến công tác đào hè, lòng đường phố trong quá trình lập dự án, chủ đầu tư phải yêu cầu đơn vị tư vấn khảo sát tất cả các công trình ngầm hiện hữu trên tuyến (thông qua hồ sơ hoàn công hoặc thiết bị dò tìm) để xác định vị trí chính xác nhằm đưa ra giải pháp thiết kế cho phù hợp, giảm thiểu ảnh hưởng đến các công trình ngầm lân cận; Khi tổ chức lập dự án đầu tư xây dựng công trình hạ tầng kỹ thuật đô thị mà có đấu nối với công trình hạ tầng kỹ thuật hiện hữu thì chủ đầu tư phải xin văn bản thoả thuận đấu nối của đơn vị đang trực tiếp quản lý, vận hành công trình; Trong quá trình thẩm định dự án đầu tư xây dựng công trình hạ tầng kỹ thuật đô thị, cơ quan đầu mối phải lấy ý kiến tham gia của các đơn vị được UBND tỉnh giao nhiệm vụ quản lý, vận hành; Chủ đầu tư xây dựng công trình phải thông báo cho đơn vị quản lý, vận hành công trình hạ tầng kỹ thuật có trong dự án đầu tư để các đơn vị này cử người tham gia với chủ đầu tư trong việc quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình; Các đơn vị quản lý, vận hành công trình hạ tầng kỹ thuật có trong dự án đầu tư có trách nhiệm cử người có năng lực, trình độ chuyên môn phù hợp tham gia cùng với chủ đầu tư trong việc tổ chức lập dự án, thiết kế, theo dõi, quản lý, nghiệm thu và tiếp nhận đưa công trình vào khai thác sử dụng; Trước khi thi công xây dựng công trình chủ đầu tư phải có giấy phép xây dựng công trình hoặc hạng mục công trình theo quy định của pháp luật về cấp giấy phép xây dựng công trình; Việc thi công xây dựng công trình phải bảo đảm an toàn, hạn chế ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của đô thị, các công trình lân cận và bên trên; có các biện pháp nhằm bảo đảm vệ sinh môi trường. Các công trình đang thi công phải có biển báo, rào chắn đảm bảo an toàn trước và trong khi thi công; Đối với những công việc thi công mà phải đào nền đường và hè phố thì chủ đầu tư dự án và nhà thầu phải có trách nhiệm hoàn trả mặt nền đường, hè phố như hiện trạng ban đầu. Cơ quan cấp giấy phép (UBND huyện, thành phố, thị xã nơi xây dựng công trình hoặc Sở Giao thông vận tải theo phân công, phân cấp quản lý đường đô thị) có trách nhiệm tổ chức, kiểm tra, giám sát, nghiệm thu chất lượng phần hoàn trả, tái lập mặt đường, vỉa hè; Kết thúc dự án, chủ đầu tư phải nộp 01 (một) bộ hồ sơ hoàn công cho Sở Xây dựng, 01 (một) bộ cho cơ quan quản lý chuyên ngành và 01(một) bộ cho UBND huyện, thành phố, thị xã nơi xây dựng công trình để lưu trữ, theo dõi, quản lý và sử dụng hồ sơ phục vụ cho công tác quản lý hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị sau này.

Riêng đối với các công trình hạ tầng kỹ thuật được đầu tư từ nguồn vốn ngân sách Nhà nước khi hoàn thành đưa vào sử dụng và các công trình hạ tầng kỹ thuật do các tổ chức, cá nhân bỏ vốn đầu tư xây dựng sau khi hết thời hạn sử dụng, khai thác theo quy định thì Chủ đầu tư phải bàn giao cho các cơ quan sau để quản lý, vận hành: Đường giao thông đô thị: Bàn giao cho UBND huyện, thành phố, thị xã nơi xây dựng công trình hoặc Sở Giao thông vận tải theo phân công, phân cấp quản lý; Hào, tuy nen kỹ thuật, hệ thống chiếu sáng, cây xanh, thoát nước: Bàn giao cho UBND huyện, thành phố, thị xã nơi xây dựng công trình (riêng hệ thống thoát nước thải TP Vĩnh Yên bàn giao cho cho Công ty CP cấp thoát nước số 1 Vĩnh Phúc); Hệ thống cấp nước: Bàn giao cho Công ty CP cấp thoát nước số 1 Vĩnh Phúc hoặc Công ty CP nước sạch Vĩnh Phúc theo phân vùng cấp nước; Hệ thống cấp điện: Bàn giao cho Công ty Điện lực Vĩnh Phúc.

Ba là, phân công trách nhiệm các cơ quan, đơn vị trong việc quản lý hệ thống công trình hạ tầng kỹ thuật đô thị. Theo đó, Sở Xây dựng, Sở Kế hoạch và Đầu tư; Các sở quản lý xây dựng chuyên ngành; UBND các huyện, thành phố, thị xã; Các đơn vị chủ đầu tư; Các đơn vị quản lý, vận hành công trình hạ tầng kỹ thuật đô thị... chịu trách nhiệm rõ ràng trong các phần việc, nhiệm vụ cụ thể liên quan tới quyền hạn và chức năng của mình.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực