Ảnh minh họa (Ảnh: MN)
Theo Tỉnh ủy Vĩnh Phúc, sau khi hoàn thành công tác giao đất cho hộ gia đình, cá nhân sử dụng ổn định lâu dài vào mục đích sản xuất nông nghiệp theo chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, người dân trên địa bàn tỉnh đã yên tâm sản xuất ổn định, lâu dài; UBND cấp xã cũng có quỹ đất để phục vụ nhu cầu công ích của địa phương. Kết quả đã tạo ra sự thay đổi lớn đối với sản xuất nông nghiệp, năng suất, sản lượng lương thực tăng nhanh, bộ mặt nông thôn có nhiều đổi mới so với thời kỳ kế hoạch hành chính tập trung.
Trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, việc sử dụng đất nông nghiệp manh mún trước đây không còn phù hợp với yêu cầu về cơ giới hóa, tự động hóa trong sản xuất nông nghiệp theo chuỗi quy mô lớn. Trong thời gian qua, cấp ủy, chính quyền các cấp đã chỉ đạo triển khai việc dồn ghép ruộng đất trên địa bàn tỉnh và đạt được một số kết quả nhất định.
Tuy nhiên, kết quả đạt được còn chưa được như kỳ vọng, bình quân số thửa trên hộ còn nhiều, diện tích mỗi thửa còn nhỏ, manh mún, phân tán; việc chỉ đạo tổ chức các mô hình sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung, áp dụng cơ giới hóa và chuyển giao khoa học kỹ thuật công nghệ cao vào sản xuất còn hạn chế.
Nguyên nhân của hạn chế do hệ thống chính trị tham gia chưa tích cực, cấp ủy, chính quyền một số nơi chưa thực sự quan tâm đến việc dồn điền đổi thửa ruộng; còn thiếu quyết tâm, công tác triển khai còn lúng túng; việc xây dựng phương án thiếu đồng bộ và chưa sát với thực tế. Nhiều cán bộ cơ sở còn ngại khó, ngại khổ; sự vào cuộc của các tổ chức chính trị - xã hội chưa tích cực, công tác tuyên truyền vận động chưa sâu rộng. Một bộ phận cán bộ, nông dân chưa thấy hết được lợi ích của chủ trương dồn thửa đổi ruộng.
Để khắc phục những hạn chế trên, tiếp tục thực hiện hiệu quả việc dồn thửa đổi ruộng trong sản xuất nông nghiệp, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết số 26-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa X), Nghị quyết số 03-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh (khóa XIV) và Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với chuyển đổi lao động nông thôn; Ban Thường vụ Tỉnh ủy yêu cầu các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các Đoàn thể chính trị - xã hội tập trung chỉ đạo thực hiện tốt một số nội dung quan trọng. Trong đó, cần nhận thấy chủ trương dồn thửa đổi ruộng có ý nghĩa lớn và tầm quan trọng nhằm khắc phục tình trạng manh mún, phân tán về ruộng đất, đẩy nhanh việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, phát triển sản xuất hàng hóa, xây dựng nông thôn mới. Đây là nhiệm vụ khó khăn, phức tạp, đòi hỏi cả hệ thống chính trị, đặc biệt là cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và người dân đồng thuận trong quá trình tổ chức thực hiện.
Việc dồn thửa đổi ruộng phải theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, gắn với quy hoạch nông thôn mới, tạo ra các cánh đồng mẫu lớn, đồng nhất, có hệ thống hạ tầng giao thông, thủy lợi thuận tiện cho sản xuất; dồn đổi nhiều thửa đất sản xuất nông nghiệp của nông dân được giao hoặc nhận quyền sử dụng đất hợp pháp thành 1-2 thửa/hộ.
Quỹ đất công ích dành cho các mục đích phát triển hạ tầng, xây dựng các công trình công cộng tại địa phương được quy hoạch tập trung và theo yêu cầu xây dựng Nông thôn mới. Thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước về đất đai trong và sau khi thực hiện dồn thửa đổi ruộng. Trước mắt, trong năm 2016-2017, thực hiện thí điểm ở 2 xã Ngũ Kiên và Cao Đại, huyện Vĩnh Tường.
Dồn thửa đổi ruộng phải đảm bảo các yêu cầu và nguyên tắc: dân chủ, công khai, minh bạch. Nhân dân tham gia bàn và thống nhất; các cấp chính quyền đóng vai trò quản lý, kiến tạo và phục vụ, giúp đỡ, hỗ trợ người dân thực hiện các nội dung đã thống nhất. Bảo đảm quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất theo quy định của pháp luật.
Tuân thủ các quy định của Luật Đất đai và các văn bản pháp luật hiện hành. Phương án chuyển đổi quyền sử dụng đất nông nghiệp chung của xã, phường, thị trấn theo Điều 78 Nghị định số 43/2014/NĐ-CP của Chính phủ phải được xây dựng cụ thể, phù hợp, được nhân dân tham gia và niêm yết công khai. Việc xác định hệ số dồn đổi phải được tính toán phù hợp với điều kiện, đặc điểm cụ thể của các vùng sản xuất và quy hoạch từng địa phương. Sau khi dồn thửa đổi ruộng, cần đo đạc, chỉnh lý ngay hồ sơ địa chính, cấp đổi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nông nghiệp cho các hộ gia đình, cá nhân theo quy định của pháp luật.
Các cấp ủy Đảng, chính quyền và các tổ chức chính trị - xã hội tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức quán triệt, xây dựng kế hoạch thực hiện cụ thể Chỉ thị, phát huy tính tiên phong, gương mẫu của người đứng đầu, cán bộ, đảng viên. Thực hiện tốt công tác tư tưởng, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, phổ biến, hướng dẫn để người dân nhận thức rõ sự cần thiết, lợi ích, hiệu quả của việc dồn thửa đổi ruộng, từ đó, chủ động tích cực và tự nguyện tham gia thực hiện. Kịp thời phổ biến, nêu gương, khen thưởng đối với các địa phương, cá nhân thực hiện tốt công tác dồn thửa, đổi ruộng.
UBND tỉnh xây dựng kế hoạch, tổ chức thực hiện Chỉ thị; chỉ đạo các sở, ngành, hướng dẫn phương pháp, nội dung, trình tự để thống nhất thực hiện trong toàn tỉnh, chỉ đạo triển khai trên địa bàn tỉnh. Nghiên cứu, đề xuất trình Hội đồng nhân dân tỉnh ban hành bổ sung cơ chế, chính sách khuyến khích và bố trí kinh phí để các địa phương thực hiện, bảo đảm tiết kiệm, hiệu quả, phấn đấu hoàn thành công tác làm điểm vào cuối năm 2017, hoàn thành tốt công tác dồn thửa đổi ruộng trên địa bàn tỉnh và tổ chức tổng kết vào năm 2020.
Các huyện, thành, thị ủy căn cứ Chỉ thị của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Kế hoạch của UBND tỉnh, chỉ đạo xây dựng kế hoạch thực hiện dồn thửa đổi ruộng, phù hợp với tình hình thực tế của địa phương. Thành lập Ban Chỉ đạo cấp huyện, phân công trách nhiệm cụ thể cho các thành viên để triển khai thực hiện nhiệm vụ, kết quả theo đúng kế hoạch. Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội các cấp chủ động tham gia ý kiến với cấp ủy, chính quyền và tích cực vận động đoàn viên, hội viên của tổ chức mình gương mẫu tham gia thực hiện dồn thửa đổi ruộng./.