Vĩnh Phúc: Tăng trưởng tín dụng đạt khá trong 6 tháng đầu năm

Thứ năm, 07/07/2022 14:01
(ĐCSVN) - 6 tháng đầu năm 2022, tăng trưởng tín dụng trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc đạt khá, mặt bằng lãi suất huy động và cho vay có xu hướng tăng nhẹ so với cuối năm 2021.
 Ảnh minh họa (Nguồn: M.P)

Theo Cục Thống kê tỉnh Vĩnh Phúc, 6 tháng đầu năm 2022, tăng trưởng tín dụng trên địa bàn tỉnh đạt khá, mặt bằng lãi suất huy động và cho vay có xu hướng tăng nhẹ so với cuối năm 2021.

Tổng dư nợ cho vay đến 30/6/2022 ước đạt 113.000 tỷ đồng, tăng 10,74% so với cuối năm 2021. Theo đà phục hồi của nền kinh tế sau đại dịch, nhu cầu vốn cho tiêu dùng, sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, người dân trên địa bàn tiếp tục tăng. Trong đó, dư nợ cho vay ngắn hạn đạt 81.000 tỷ đồng, tăng 14,38%; dư nợ cho vay trung và dài hạn đạt 32.000 tỷ đồng, tăng 2,48% so với cuối năm 2021. Cơ cấu tín dụng phần lớn là cho vay các hoạt động sản xuất kinh doanh, dịch vụ và đầu tư phát triển (chiếm tỷ lệ 86,2 % tổng dư nợ); cho vay lĩnh vực phi sản xuất và lĩnh vực bất động sản ở mức 10,3% và 11,97% tổng dư nợ. Phân theo đối tượng vay vốn, dư nợ khu vực hộ gia đình, tư nhân, cá thể chiếm tỷ lệ 53,85% tổng dư nợ, góp phần tạo công ăn việc làm, cải thiện kinh tế hộ gia đình; khu vực doanh nghiệp tư nhân, công ty cổ phẩn, công ty TNHH, doanh nghiệp FDI... chiếm 46,01% tổng dư nợ.

Bên cạnh đó, tổng nguồn vốn huy động tính đến 30/6/2022 ước đạt 104.000 tỷ đồng, tăng 7,95% so với cuối năm 2021. Huy động vốn trên địa bàn tăng trưởng tốt ở cả 3 nguồn: Tiền gửi các tổ chức kinh tế tăng 10,22%, tiền gửi tiết kiệm tăng 6,64% và phát hành giấy tờ có giá tăng 21,74% so với cuối năm 2021.

Trong bối cảnh các kênh đầu tư phổ biến như: vàng, chứng khoán, bất động sản... gặp nhiều biến động, cùng với việc điều chỉnh tăng lãi suất huy động tại một số ngân hàng thương mại trong thời gian gần đây đã thu hút không nhỏ lượng tiền gửi tiết kiệm của dân cư quay trở lại hệ thống ngân hàng, ước đạt 67.300 tỷ đồng, tăng 6,64% so với cuối năm 2021. Ngoài nguồn vốn huy động tại địa phương, các tổ chức tín dụng trên địa bàn nhận vốn điều hoà từ Hội sở chính để tăng nguồn, bù đắp thanh khoản, đáp ứng các nhu cầu vốn của nền kinh tế.

6 tháng đầu năm, lãi suất cho vay trên địa bàn phổ biến từ 4-10%/năm đối với từng kỳ hạn và đối tượng; lãi suất huy động bằng VND phổ biến từ 0,2-6,5%/năm đối với từng kỳ hạn. Dự kiến nợ xấu đến 30/6/2022 ước đạt 810 tỷ đồng; giảm 0,49% so với tháng 12/2021, chiếm tỷ lệ 0,72% trên tổng dư nợ./.

PV

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực