Vĩnh Phúc tập trung mọi nguồn lực xây dựng nông thôn mới

Thứ năm, 27/07/2017 17:31
Với quyết tâm công nhận thêm 9 xã và thành phố Vĩnh Yên, thị xã Phúc Yên đăng ký về đích xây dựng nông thôn mới trong năm 2017, tỉnh Vĩnh Phúc đang tập trung mọi nguồn lực hỗ trợ các địa phương đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, hoàn thiện các tiêu chí trong Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.
Ban Thường vụ Tỉnh ủy Vĩnh Phúc họp cho ý kiến vào một số vấn đề
liên quan đến phát triển đô thị, xây dựng nông thôn mới. Ảnh: Báo Vĩnh Phúc


Vĩnh Phúc phấn đấu hết năm 2019 có 100% xã và đến năm 2020 có 100% huyện đạt chuẩn nông thôn mới. Để thực hiện mục tiêu trên, Vĩnh Phúc đang đẩy mạnh công tác tuyên truyền,vận động toàn dân tham gia xây dựng nông thôn mới.

Tỉnh Vĩnh Phúc cũng tập trung thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới; tăng cường đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của ngành nông nghiệp. Cùng với đó, tỉnh Vĩnh Phúc đẩy mạnh các phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, trọng tâm là gia đình văn hóa, thôn, tổ dân phố văn hóa; đẩy mạnh xã hội hóa các nguồn lực đầu tư cho chương trình trong xây dựng nông thôn mới.

Theo thống kê của Văn phòng Điều phối chương trình xây dựng nông thôn mới tỉnh Vĩnh Phúc, đến hết tháng 6 năm 2017, Vĩnh Phúc có 2 huyện Yên Lạc và huyện Bình Xuyên về đích nông thôn mới; 74/112 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, dự kiến trong tháng 7/2017 xét, công nhận thêm 3 xã đạt chuẩn nông thôn mới.

Về phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn, toàn tỉnh Vĩnh Phúc có 91,29% đường liên xã, trục xã, 76,6% đường trục thôn, ngõ xóm và 64,28% đường giao thông nội đồng được cứng hóa; 100% kênh loại I, II và 94,18% kênh loại III đã kiên cố hóa.

Tỉnh Vĩnh Phúc đã xây mới được 34 chợ, cải tạo, nâng cấp 28 chợ. Hỗ trợ kinh phí xóa 5.348 nhà tạm cho hộ nghèo, cải tạo nâng cấp 108/112 trạm y tế; 15 công trình xử lý nước thải khu dân cư, 400 nghĩa trang và hơn 600 km rãnh thoát nước thải được xây mới, nâng cấp…

Về phát triển văn hóa, giáo dục, y tế, bảo vệ môi trường có nhiều chuyển biến tích cực, hệ thống tổ chức chính trị xã hội được củng cố; an ninh, trật tự xã hội được giữ vững góp phần ổn định chính trị xã hội, phát triển kinh tế của địa phương. Tỉnh Vĩnh Phúc hiện có 348/390 trường học đạt chuẩn quốc gia (đạt 89,2%); 92/112 xã có trung tâm văn hóa thể thao xã đạt chuẩn; 1.015 thôn có nhà văn hóa.

Cùng với đó, công tác giảm nghèo, giải quyết việc làm cũng được tỉnh Vĩnh Phúc triển khai tích cực tạo việc làm mới cho nhiều lao động, các hộ nghèo, cận nghèo được hỗ trợ vay vốn, phát triển sản xuất. Vĩnh Phúc thực hiện chính sách hỗ trợ tiền điện, mua thẻ bảo hiểm y tế cho hộ nghèo, cận nghèo... góp phần đảm bảo an sinh xã hội khu vực vùng nông thôn. Đến nay, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn dưới 2,5%, thu nhập bình quân ước đạt trên 28 triệu đồng/người/năm./.

Nguyễn Thị Thảo/TTXVN

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực