Vĩnh Phúc: thu ngân sách từ các doanh nghiệp FDI đạt trên 13 nghìn tỷ đồng

Thứ sáu, 26/10/2018 16:07
(ĐCSVN) - Tính đến hết tháng 8/2018, kết quả thu ngân sách nhà nước (NSNN) từ các doanh nghiệp FDI trên địa bản tỉnh Vĩnh Phúc do Cục Thuế tỉnh quản lý đạt 13.247 tỷ đồng, bằng 57,3% so với dự toán năm.
Ảnh minh họa (Nguồn: A.N)

Để hoàn thành mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Vĩnh Phúc, ngành Thuế nhận định, cần triển khai nhiều giải pháp quyết liệt để đạt hiệu quả cao hơn. Trong đó, thực hiện tốt các giải pháp đồng bộ trong công tác điều hành thu NSNN từ khu vực doanh nghiệp FDI, đặc biệt đôn đốc khai thác các nguồn thu, triển khai đồng bộ các biện pháp tổ chức quản lý thu, phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ thu NSNN từ khu vực doanh nghiệp FDI với khả năng cao nhất.

Theo đó, tập trung nắm chắc đối tượng nộp thuế, tình hình biến động tăng, giảm, nghỉ, bỏ kinh doanh, không kê khai thuế để phối hợp xử lý kịp thời. Thường xuyên nắm chắc các thông tin về tình hình sản xuất kinh doanh, tình hình vốn, lao động, tình hình phát sinh các nguồn thu của từng đối tượng nộp thuế, tình hình tăng giảm các khoản thuế phát sinh trong từng tháng, nguyên nhân tăng giảm và những khó khăn thuận lợi của từng doanh nghiệp từ đó phục vụ tốt cho công tác thu. Thực hiện tốt công tác đôn đốc thu nộp thuế, theo dõi sát tình hình khai thuế, tình hình phát sinh các nguồn thu, các sắc thuế.

Tăng cường công tác kiểm tra thuế tại trụ sở của người nộp thuế, kiểm tra trước và sau hoàn thuế. Nghiêm chỉnh chấp hành quy trình thanh tra, kiểm tra, đảm bảo đúng thời gian của từng cuộc kiểm tra, kiên quyết đôn đốc nộp đầy đủ, kịp thời các khoản thu phát sinh sau kiểm tra, thanh tra. Thực hiện rà soát ưu đãi thuế, thuế nhà thầu nước ngoài và thuế vãng lai để tăng cường số thu NSNN.

Bên cạnh đó, ngành Thuế tỉnh Vĩnh Phúc cũng cần tiếp tục thực hiện các nghị quyết của Chính phủ về những giải pháp thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2018; các giải pháp tháo gỡ khó khăn, giúp đỡ, hỗ trợ các doanh nghiệp phát triển sản xuất, kinh doanh; chú trọng việc đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, công chức thuế nhằm nâng cao trình độ, năng lực quản lý thuế. Đồng thời, phối hợp với các phòng, ban chức năng xây dựng kế hoạch, bồi dưỡng, tập huấn, tập trung chủ yếu vào các kỹ năng, kiến thức quản lý thuế cho các cán bộ thuế.

 

A.N

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực