Vĩnh Phúc: Tiếp tục đẩy mạnh phong trào học tập suốt đời - xây dựng xã hội học tập

Thứ ba, 28/10/2014 15:16

(ĐCSVN) - Phó Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc Nguyễn Thế Trường vừa ký ban hành Chỉ thị số 22-CT/TU, ngày 25/9/2014 về tiếp tục đẩy mạnh phong trào học tập suốt đời - xây dựng xã hội học tập.

Theo Chỉ thị này, những năm qua, thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước phong trào học tập suốt đời - xây dựng xã hội học tập tỉnh Vĩnh Phúc đạt được nhiều kết quả quan trọng. Toàn tỉnh đã thực hiện tốt Chỉ thị số 11- CT/TW, ngày 13/4/2007 của Bộ Chính trị (khóa X) và Chỉ thị số 03-CT/TU, ngày 24/8/2007 của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập. Nhận thức của các cấp ủy, chính quyền và Nhân Dân về xây dựng xã hội học tập đã được nâng lên. Hệ thống mạng lưới các cơ sở giáo dục chính quy, giáo dục thường xuyên được củng cố và phát triển; các trung tâm học tập cộng đồng được thành lập và hoạt động ở 100% xã, phường, thị trấn góp phần khơi dậy, tạo điều kiện bước đầu cho việc học tập suốt đời của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và Nhân Dân. Quy mô, chất lượng giáo dục - đào tạo phát triển ổn định; công tác phổ cập giáo dục được duy trì và đạt được chỉ số cao hơn ở cấp độ mới đối với Tiểu học và Mầm non 5 tuổi; nhu cầu học tập thường xuyên ngày càng cao của Nhân Dân từng bước được đáp ứng. Các nguồn lực đầu tư cho phát triển giáo dục - đào tạo, nhất là cơ sở vật chất được tăng cường; số trường đạt chuẩn quốc gia tăng nhanh. Việc thực hiện xã hội hóa giáo dục và công bằng xã hội trong học tập có nhiều tiến bộ, huy động được sức mạnh tổng hợp của các cấp, các ngành và toàn dân chăm lo cho sự nghiệp giáo dục.

Tuy nhiên, so với yêu cầu giai đoạn phát triển mới, phong trào học tập suốt đời - xây dựng xã hội học tập của tỉnh còn chưa thực sự được quan tâm một cách đầy đủ, nhận thức của một số cấp ủy, chính quyền còn hạn chế, chưa quan tâm phối hợp chặt chẽ với ngành Giáo dục và Đào tạo để thực hiện xây dựng xã hội học tập; hoạt động phối hợp còn bất cập; phong trào thi đua tự học tập, tự bồi dưỡng thường xuyên của một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức tại nhiều cơ quan, đơn vị, nhà trường chưa trở thành nền nếp. Hệ thống trung tâm học tập cộng đồng chưa đáp ứng được nhu cầu học tập ngày càng đa dạng của Nhân Dân, chưa thật sự là cơ sở thiết yếu để xây dựng xã hội học tập.


Chỉ thị 22-CT/TU yêu cầu các cấp ủy đảng, chính quyền, các tổ chức trong hệ thống chính trị trong thời gian tới, tập trung thực hiện một số nội dung cơ bản sau:

Một là: Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp uỷ Đảng, chính quyền đối với phong trào học tập suốt đời, xây dựng xã hội học tập trên địa bàn tỉnh:

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục trong toàn Đảng bộ và Nhân Dân về mục đích, vai trò, lợi ích của phong trào học tập suốt đời - xây dựng xã hội học tập bằng các hình thức phong phú, thiết thực, hiệu quả để mỗi cán bộ, đảng viên và quần chúng Nhân Dân nhận thức rõ tầm quan trọng của việc học tập suốt đời, xây dựng xã hội học tập trong giai đoạn hiện nay; đồng thời xác định đây là nhiệm vụ quan trọng nhằm nâng cao dân trí, đào tạo nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa của tỉnh.

Chỉ đạo tổ chức triển khai thực hiện hiệu quả Quyết định số 89/QĐ-TTg ngày 09/01/2013 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2012 - 2020”. Trong đó cụ thể hoá các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp của Đề án bằng các Chương trình, Kế hoạch nhằm đẩy mạnh phong trào học tập suốt đời, xây dựng xã hội học tập ở từng gia đình, cơ quan, dòng họ, cộng đồng, đơn vị, địa phương. Thường xuyên theo dõi, đôn đốc, kiểm tra, kịp thời chỉ đạo giải quyết các khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện.

Tập trung củng cố, phát triển và nâng cao chất lượng hoạt động của các trung tâm học tập cộng đồng ở xã, phường, thị trấn, các trường chuyên nghiệp, dạy nghề, trung tâm giáo dục thường xuyên tỉnh, trung tâm giáo dục thường xuyên và dạy nghề các huyện, thị xã; phát triển thêm những ngành nghề đào tạo mới đáp ứng yêu cầu nguồn nhân lực chất lượng cao cho nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Tập trung các nguồn lực thực hiện xây dựng nền giáo dục mở, đa dạng hóa các hình thức học tập, phù hợp với điều kiện và nhu cầu học tập của cán bộ, Nhân Dân địa phương, đơn vị.

Thực hiện xã hội hóa các nguồn lực, thu hút các nguồn đầu tư cho hoạt động xây dựng xã hội học tập; đặc biệt quan tâm đến miền núi và những địa phương khó khăn. Có cơ chế cho các doanh nghiệp để tạo điều kiện tốt nhất cho công nhân lao động được học tập thường xuyên gắn với nâng cao tay nghề và năng suất lao động.

Hai là: Ban Cán sự Đảng Uỷ ban nhân dân tỉnh xây dựng Kế hoạch, cụ thể hóa các nội dung thực hiện Chỉ thị của Tỉnh uỷ; chỉ đạo các cấp, các ngành có liên quan xây dựng Kế hoạch, Chương trình thực hiện Đề án “Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2012 - 2020” của Chính phủ. Trong đó chú trọng đến các giải pháp về tuyên truyền; củng cố, phát triển các mạng lưới giáo dục; đẩy mạnh các hình thức học tập từ xa. Ban hành các cơ chế, chính sách phù hợp nhằm tạo điều kiện, khuyến khích cho các đơn vị, cơ sở giáo dục trong toàn tỉnh hoạt động hiệu quả.

Ba là: Các Sở, ban, ngành, Mặt trận Tổ quốc và đoàn thể các cấp, căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ của mình để triển khai đến các thành viên và có kế hoạch phối hợp với ngành Giáo dục - Đào tạo. Hội Khuyến học các cấp thực hiện tốt hoạt động khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập ngay tại cơ quan, đơn vị bằng những nội dung, hình thức phù hợp.

Bốn là: Các cơ quan: Báo Vĩnh Phúc, Đài phát thanh và Truyền hình tỉnh, Sở Thông tin và Truyền thông đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền về chủ trương xây dựng xã hội học tập đến cán bộ, đảng viên, Nhân Dân trong tỉnh. Xây dựng các chuyên trang, chuyên mục nhằm tuyên truyền, biểu dương kịp thời gương người tốt việc tốt trong việc thực hiện chủ trương này.

Năm là: Sở Giáo dục và Đào tạo, Hội khuyến học tỉnh trên cơ sở Kế hoạch của Uỷ ban nhân dân tỉnh tăng cường hoạt động phối hợp thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ của phong trào học tập suốt đời, xây dựng một xã hội học tập. Hằng năm theo chức năng, nhiệm vụ xây dựng kế hoạch bồi dưỡng, tập huấn các chương trình, dự án liên quan nhằm nâng cao trình độ mọi mặt cho Nhân Dân.

Sáu là: Giao Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ chủ trì, phối hợp với Ban Dân vận Tỉnh uỷ, Sở Giáo dục và Đào tạo, Hội Khuyến học tỉnh theo dõi, chỉ đạo thực hiện Chỉ thị này; kịp thời báo cáo, đề xuất những vấn đề cần điều chỉnh, tập trung chỉ đạo với Ban Thường vụ Tỉnh uỷ theo quy định./.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực