|
Ảnh minh họa. (Nguồn: Báo Xây dựng) |
(ĐCSVN) - Thời gian qua, phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” trên địa bàn tỉnh đã và đang đạt được những kết quả đáng khích lệ. Phong trào ngày càng đi vào chiều sâu, huy động được sự tham gia hưởng ứng của các cấp uỷ đảng, chính quyền và các tầng lớp nhân dân.
Năm 2012, phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" trên địa bàn tỉnh tiếp tục được đẩy mạnh. Ban chỉ đạo (BCĐ) tỉnh đã ban hành nhiều văn bản tham mưu cho UBND tỉnh, hướng dẫn các huyện, thị, thành phố và BCĐ liên ngành xây dựng, thực hiện phong trào. Các cấp, các ngành triển khai phong trào lồng ghép với các chương trình, nội dung cuộc vận động khác như Mặt trận Tổ quốc tỉnh triển khai cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư”; Hội Phụ nữ với phong trào “Phụ nữ tích cực học tập lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc”; Sở Lao động, Thương binh và Xã hội với phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, “Xây dựng xã, phường lành mạnh không có tệ nạn xã hội”… Qua đó, từng bước nâng cao đời sống văn hóa tinh thần, nâng cao nhận thức của người dân về thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước.
Có thể thấy, phong trào đã đi vào ý thức của từng người dân, từng gia đình, từng địa bàn dân cư, cơ quan, đơn vị. Nhiều cấp ủy Đảng đã đưa nội dung xây dựng đời sống văn hóa vào Nghị quyết và coi đó là một tiêu chí đánh giá, xếp loại trong sạch vững mạnh ở các chi bộ, Đảng bộ cơ sở. Hàng năm, các đơn vị đã đưa mục tiêu tổng quát, các chỉ tiêu xây dựng làng văn hóa, gia đình văn hóa vào chương trình hành động của địa phương, đồng thời quán triệt cho cán bộ, đảng viên triển khai học tập, thực hiện đến từng thôn, làng, các cơ quan, doanh nghiệp, trường học...
Các địa phương đã tiến hành bình xét Gia đình văn hoá theo hướng công khai, dân chủ nên chất lượng phong trào ngày càng được nâng lên, có 220.807/252.110 gia đình được công nhận Gia đình văn hoá (đạt tỷ lệ 87,5%). Phong trào xây dựng Làng, Khu phố văn hoá phát triển đồng đều ở các địa phương với số lượng và chất lượng ngày càng cao, điển hình như các làng văn hoá ở các xã Vũ Di, Tứ Trưng (Huyện Vĩnh Tường), Vân Hội (Huyện Tam Dương), Đồng Tâm, Hợp Thịnh (Thành phố VĩnhYên)… 869/1.304 làng được công nhận Làng văn hoá (đạt 66,6%). Phong trào xây dựng Đơn vị văn hoá trên địa bàn tỉnh được phát triển rộng rãi, đã khai thác tốt các nguồn lực, nâng cao trình độ chuyên môn, đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả quản lý, sản xuất, cải thiện và nâng cao chất lượng cuộc sống cho người lao động. Điển hình như Trường Tiểu học Ngô Quyền (Vĩnh Yên), Kho Bạc Nhà nước huyện Lập Thạch, Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Việt Anh (Vĩnh Tường), Chi cục Thuế huyện Bình Xuyên, Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam - Chi nhánh Phúc Yên… Tính đến tháng 10/2012, 9 huyện, thành, thị đã quy hoạch đất để xây dựng Trung tâm Văn hoá xã, Nhà văn hoá thôn theo Bộ Tiêu chí xây dựng Nông thôn mới. Tổng diện tích quy hoạch và mở rộng đề nghị bồi thường giải phóng mặt bằng cấp xã là 135,8ha, cấp thôn là 75,48ha. UBND tỉnh đã phân bổ nguồn ngân sách 17 tỷ đồng để giải phóng mặt bằng cho 9 xã, 2 thôn và đầu tư xây dựng cho 6 Trung tâm Văn hoá xã miền núi.
Năm 2012, toàn tỉnh đã xây dựng mới 64 nhà văn hoá thôn (hiện nay còn 160/ 1.368 thôn chưa có Nhà văn hoá), các nhà văn hoá thôn xây mới đã được hỗ trợ kinh phí mua trang thiết bị với số tiền là 2.880 triệu đồng. Ngân sách tỉnh đã phân bổ 10 tỷ đồng để xây dựng các làng văn hoá trọng điểm như Làng Yên Lan, Thị trấn Thanh Lãng; làng Hương Canh, Thị trấn Hương Canh; Làng Thượng, xã Ngũ Kiên…
Phong trào “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại” được các tầng lớp nhân dân tích cực hưởng ứng, tự nguyện tham gia, 25% dân số tham gia tập luyện TDTT thường xuyên, có hơn 300 CLB TDTT và 70% số làng xã đã có sân bãi thể thao. Hiện nay, toàn tỉnh có 14 đội thể thao với hơn 200 VĐV, 60 vận động viên đạt đẳng cấp Quốc gia, trong đó có 39 vận động viên kiện tướng, nhiều vận động viên tham gia đội tuyển Quốc gia ở các bộ môn: Bắn súng, vật, Pencaksilat đạt thành tích cao trong các giải thi đấu.
Trong năm 2012, toàn tỉnh tiếp tục thực hiện tốt Chỉ thị 27-CT/TW của Bộ Chính trị, Chỉ thị 03-CT/TW, mới đây là Chỉ thị 11-CT/TU của Tỉnh uỷ về thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội… Các cơ quan, đơn vị đã tích cực tuyên truyền rộng rãi nội dung các Chỉ thị trong nhân dân. Hiện nay, việc cưới cơ bản thực hiện theo quy ước, hương ước nên các đám cưới tổ chức 1 ngày, không còn mời khách tràn lan, tổ chức trong phạm vi gia đình, dòng họ, không hút thuốc lá, không ăn lại mặt, tổ chức nghi lễ gọn nhẹ, tiết kiệm, một số xã quy định ngày cưới vào một số ngày trong tháng… Việc tang đã dần xoá bỏ một số hủ tục mê tín dị đoan, hiện tượng cúng bái rườm rà, tốn kém, không để người chết quá giờ quy định, không tổ chức ăn uống trong tang lễ; việc cải táng, xây mộ về diện tích, nghĩa trang nhân dân theo đúng quy định. Về Lễ hội các cấp, các ngành đã phối hợp chặt chẽ với Uỷ ban MTTQ, các đoàn thể, tổ chức quản lý, hướng dẫn và tổ chức hàng trăm lễ hội truyền thống hàng năm đảm bảo đúng nghi lễ, hình thức phù hợp. Về mừng thọ, các đơn vị đã tổ chức chúc thọ vào đầu xuân tại Nhà văn hoá xã, thôn hoặc đình làng với nghi lễ trang trọng, việc ăn uống chỉ giới hạn trong phạm vi gia đình, giảm chi phí mừng thọ từ 60 đến 70%.
Triển khai thực hiện Chương trình xây dựng Nông thôn mới, Ban chỉ đạo phong trào đã xây dựng kế hoạch tuyên truyền trên hệ thống truyền thanh, Báo Vĩnh Phúc, Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh, Cổng thông tin Điện tử tỉnh và đài truyền thanh cấp huyện, xã, xây dựng 20 cụm pa nô tuyên truyền tại 20 xã điểm trong chương trình xây dựng nông thôn mới, hiện nay, 4 xã đã được cấp kinh phí bồi thường giải phóng mặt bằng, nhiều nhà văn hoá thôn được xây dựng do nhân dân đóng góp…
Bên cạnh những kết quả đạt được, phong trào “Toàn dân xây dựng đời sống văn hoá” còn một số tồn tại, hạn chế như một số hủ tục trong việc cưới, việc tang, lễ hội chưa lành mạnh, tiết kiệm; chưa chú trọng về chất lượng gia đình văn hoá, làng văn hoá, đơn vị văn hoá nên tính phát triển bền vững chưa cao; mức hưởng thụ văn hoá của nhân dân còn chênh lệch giữa các vùng; các tệ nạn xã hội, vệ sinh môi trường…
Năm 2013 này, phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” phấn đấu giữ vững tỷ lệ đã đạt được gia đình đạt tiêu chuẩn văn hoá đảm bảo ngày càng chất lượng, thiết thực; 68% làng, bản, khu phố đạt tiêu chuẩn Làng văn hoá, 85% đơn vị đạt tiêu chuẩn Đơn vị văn hoá, 95% làng, thôn thực hiện Nếp sống văn minh trong tổ chức việc cưới, việc tang, lễ hội, mừng thọ, quy ước - hương ước văn hoá. Gắn phong trào xây dựng làng văn hóa, gia đình văn hóa với các chương trình, mục tiêu Quốc gia của các cấp, các ngành, đặc biệt là Chương trình xây dựng nông thôn mới.
Tin tưởng rằng, với sự nỗ lực cố gắng của các cấp, các ngành, cùng sự tham gia nhiệt tình của nhân dân, phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá” đạt hiệu quả cao hơn nữa/.