Vĩnh Phúc: Tìm lời giải cho đất

Thứ ba, 04/10/2011 16:58

Họ là những kỹ sư, cán bộ kỹ thuật chuyên ngành trồng trọt và nông hóa thổ nhưỡng; phần lớn mới tốt nghiệp đại học ra trường, tuổi đời còn rất trẻ, chưa có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực công tác. nhưng với tinh thần sáng tạo, yêu nghề và sự nhiệt huyết của tuổi trẻ dù phảI “chân lấm, tay bùn”, hàng ngày họ vẫn lặn lội đến các vùng, miền trong tỉnh phân tích chất đất, phân bón, thức ăn chăn nuôi, kiểm nghiệm giống cây trồng giúp nông dân… làm giàu chính đáng.

Miệt mài với ruộng đồng

Tiếp chuyện tôi một ngày cuối tháng 9-2011 trong căn phòng chật hẹp, nhưng gọn gàng và ngăn nắp đang ở nhờ của Trung tâm Nông hóa thổ nhưỡng (Sở NN&PTNT) tỉnh, tại phường Liên Bảo (Vĩnh Yên- Vĩnh Phúc), kỹ sư Âu Thị Kim Phượng, Giám đốc Trung tâm Nông hóa thổ nhưỡng, người con dân tộc Tày của quê hương “xứ hồi” (Lạng Sơn) tâm sự: Tôi cầm tinh con Rắn (chị Phượng sinh năm Ất tỵ-1965) nên cứ phải “bò đi” khắp các cánh đồng. 20 năm qua, kể từ khi tốt nghiệp kỹ sư chuyên ngành trồng trọt (1991) của Trường Đại học Nông nghiệp Thái Nguyên về làm việc tại Trung tâm Dâu tằm tơ tỉnh Vĩnh Phú cũ, ngoại trừ 3 năm (1994-1996) làm việc tại Liên hiệp Hội Phụ nữ thành phố Việt Trì, 15 năm qua, công việc của chị đều gắn bó với ngành trồng trọt Vĩnh Phúc, trong đó có 13 năm làm ở Trung tâm Khuyến nông tỉnh với vai trò “giáo viên” đứng lớp để chuyển giao tiến bộ KHKT cho bà con nông dân trong tỉnh. Từ tháng 6-2008 đến nay, kỹ sư Phượng được giao nhiệm vụ làm Giám đốc Trung tâm Nông hóa thổ nhưỡng (tiền thân là Trạm Nông hóa thổ nhưỡng tỉnh). Bên cạnh những người nông dân chân chất, thật thà “dãi nắng, dầm mưa”, “chân lấm, tay bùn” chị thấu hiểu nỗi vất vả của họ, nhất là nông dân ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. “Bà con nông dân còn nghèo khổ, nếu làm được việc gì tôi sẽ cố gắng hết mình để giúp họ vươn lên XĐGN bền vững - Giám đốc Âu Thị Kim Phượng tâm sự. Còn nhớ, những năm mới chia tách tỉnh, nhiều lần tôi được cùng chị đi đến nhiều nơi nghe chị truyền đạt kiến thức, hướng dẫn chuyển giao tiến bộ KHKT cho bà con nông dân trồng giống dâu tằm lai F9 ở Yên Dương (Tam Đảo), Liên Châu, Trung Kiên (Yên Lạc), Vĩnh Thịnh (Vĩnh Tường); lúa lai Bội Tạp Sơn Thanh (Vĩnh Tường), sắn giống mới ở Liên Hòa (Lập Thạch); cây mía vùng đồi (Tam Đảo)… mới thấy được sự nhiệt huyết, yêu nghề của chị. Bây giờ giữ cương vị Giám đốc, nhưng chị vẫn thường xuyên đi cơ sở, bám sát ruộng đồng trực tiếp tìm hiểu, lấy mẫu đất, mẫu giống cây trồng, phân bón, thức ăn chăn nuôi, chỉ đạo cán bộ kỹ thuật phân tích tìm ra nguyên nhân, khuyến cáo bà con nông dân cách sử dụng đảm bảo đúng kỹ thuật, nâng cao hiệu quả sản xuất giúp nông dân xóa đói, giảm nghèo bền vững. Theo kỹ sư Phượng, đất của tỉnh ta đang có nguy cơ bị “ô nhiễm” do dùng phân bón vô cơ quá liều và sử dụng thuốc hóa học “vô tội vạ” nên đang bị “chai hóa” làm giảm sản lượng cây trồng và ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm.

Với giọng kể điềm tĩnh và tự tin, kỹ sư trồng trọt Nguyễn Thị Thu Phương, quê ở huyện Lập Thạch cho biết: Chị mới ra trường được vài năm nhưng cũng đặt chân đến đủ “132 xã, thị trấn” của tỉnh để đào phẫu đất phân tích. Mỗi khi lấy mẫu đất, chúng em phải tự đào một phẫu diện sâu 1,2 mét, rộng 1 mét rộp phồng cả tay nhưng ai nấy đều vui vẻ, khi tìm ra chất lượng đất ở vùng đó để có biện pháp khuyến cáo bà con nông dân sử dụng sao cho có hiệu quả cao nhất. Kỹ sư Nguyễn Thị Thu Hà, quê ở thành phố Việt Trì (Phú Thọ), Tổ trưởng tổ Phân tích thức ăn chăn nuôi cho biết: Để phân tích chính xác mẫu thức ăn chăn nuôi, kỹ thuật viên phải xử lý qua rất nhiều thí nghiệm, công đoạn đòi hỏi phải có trình độ nghiệp vụ sâu, sự bền bỉ và máy móc hiện đại mới đủ phân tích được.

Thành công vượt dự kiến

Năm 2008, Trung tâm Nông hóa thổ nhưỡng tỉnh được thành lập trên cơ sở Trạm Nông hóa Thổ nhưỡng, trụ sở phải ở nhờ, thiết bị, máy móc phục vụ cho công tác dường như không có; số trang thiết bị cũ của Trạm Nông hóa thì đã cũ, lạc hậu không đảm bảo yêu cầu công việc. Bên cạnh đó, đội ngũ cán bộ kỹ thuật vừa thiếu, lại chưa có nhiều kinh nghiệm; gần chục con người từ Giám đốc đến nhân viên tất bật “chạy lên, chạy xuống”. Tranh thủ sự lãnh đạo của tỉnh, Sở NN&PTNT và Trung tâm Nông hóa thổ nhưỡng quốc gia để tìm kiếm dự án đầu tư trang thiết bị, máy móc để hoạt động được tốt. Sau hơn 2 năm, đến nay Trung tâm đã được đầu tư phòng thí nghiệm phân tích đất, kiểm nghiệm giống cây trồng, phân bón, thức ăn chăn nuôi trị giá hơn 12,3 tỷ đồng. Điều đáng nói là phòng thí nghiệm VILAS được áp dụng quản lý theo tiêu chuẩn ISO 17025 (TCVN); và đã đăng ký đạt thực hiện 3/4 lĩnh vực phân tích; là một trong 500 phòng thí nghiệm VILAS của cả nước đạt 4 tiêu chuẩn (TCVN).

Chỉ tính riêng 6 tháng đầu năm 2011, Trung tâm Nông hóa thổ nhưỡng tỉnh đã triển khai theo dõi diễn biến dinh dưỡng đất và thực hiện lấy 200 mẫu đất tại 17 điểm màng lưới của 9 huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh tiến hành phân tích được 140 mẫu, trong đó triển khai phân tích được 105 mẫu; phân tích 300 mẫu đất với tổng số 1.580 chỉ tiêu: kiểm nghiệm thức ăn chăn nuôi và sản phẩm chăn nuôi được 501 mẫu với tổng số 1.673 chỉ tiêu. Lĩnh vực cây trồng thực hiện được 304 mẫu với 1.805 chỉ tiêu phân tích được về độ ẩm, độ sạch, tỷ lệ nảy mầm; hạt khác loài, hạt cỏ dại; hạt giống khác có thể phân biệt được và phân tích được 1.000 hạt với 304 chỉ tiêu. Điều tra đánh giá thực trạng chất lượng đất, Trung tâm đã thực hiện đào 120 phẫu diện chính; đào, khoan thăm dò 1.015 phẫu diện phụ; điều tra nông hộ về sử dụng đất, sử dụng phân bón, năng suất cây trồng được 1.370 phiếu (1 phiếu/hộ). Xây dựng đo vẽ thực địa, số hóa hộ bản đồ gốc của 9 huyện thị... Ngoài ra còn thực hiện hàng chục mô hình chuyển giao tiến bộ KHKT cho nông dân về lúa lai VT 404, VT 405, ĐTL 2 tại 2 điểm của huyện Vĩnh Tường; Bí đỏ hạt đậu lai F1 868 tại Kim Xá (Vĩnh Tường, Trung Nguyên (Yên Lạc) để điều hòa dinh dưỡng nâng cao độ phì của đất mang lại kết quả kinh tế cao.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực