Vĩnh Phúc: Tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị 06-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khoá IX)

Thứ tư, 10/10/2012 17:13

 

 Toàn cảnh Hội nghị Tổng kết Chỉ thị số 06- CT/TW (Ảnh: HN)

(ĐCSVN) – Ngày 5/10, Vĩnh Phúc đã tổ chức Hội nghị Tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị 06-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khoá IX) "về củng cố và hoàn thiện mạng lưới y tế cơ sở” trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc.

Sau 10 năm tổ chức triển khai thực hiện Chỉ thi số 06-CT/TW, y tế cơ sở tỉnh Vĩnh Phúc có 1.136 cán bộ, trong đó có 153 bác sỹ, bình quân mỗi huyện có 17 bác sỹ (chưa kể bác sỹ tuyến xã). Tuyến xã có 1.054 cán bộ trong định biên đang công tác tại 137 xã, phường, thị trấn, bình quân 7,69 cán bộ/trạm y tế, trong đó có 119 bác sĩ đạt 86,9% trạm y tế có bác sĩ. 100% trạm y tế xã có nữ hộ sinh hoặc y sỹ sản nhi; toàn tỉnh có 1.461 thôn bản có nhân viên y tế hoạt động, mức phụ cấp được hưởng và 0,3 mức lương cơ bản.

Về trang thiết bị và thuốc thiết yếu cho y tế cơ sở: Tổng số trang thiết bị của trạm y tế là 176 loại, có 109 loại đã có đầy đủ về số lượng (chiếm 61,9%), có 45 loại đã có nhưng thiếu về số lượng (25,6%), có 22 loại (12,5%) trang thiết bị thiếu hoàn toàn chủ yếu là trang thiết bị nhóm II (y học cổ truyền) và nhóm IV (xét nghiệm). Tổng số trang thiết bị của trạm y tế tuyến xã đã có đạt 87,5%. Trong 7 nhóm trang thiết bị của trạm y tế tuyến xã có 2/7 loại trang thiết bị đã được trang bị đầy đủ và tương đối đầy đủ về số lượng.

Giai đoạn từ năm 2005 đến năm 2010, tỉnh đã đầu tư mua sắm bổ sung trang thiết bị cho các trạm y tế xã trong toàn tỉnh với tổng số kinh phí 20,5 tỷ đồng (bình quân mỗi trạm y tế 150 triệu đồng). Đặc biệt, các trang thiết bị như máy siêu âm xách tay toàn tỉnh có 37 xã được trang bị, 27 xã được trang bị máy điện tim; 100% số trạm y tế có quầy thuốc, tủ thuốc cấp cứu phục vụ công tác khám, chữa bệnh cho nhân dân, đảm bảo đúng đối tượng các đối tượng chính sách như người nghèo và trẻ em dưới 6 tuổi.

Tuy nhiên, công tác củng cố và hoàn thiện mạng lưới y tế cơ sở còn một số hạn chế, yếu kém đó là: Việc lãnh đạo, chỉ đạo công tác y tế cơ sở một số địa phương chưa được quan tâm thường xuyên; chủ trương xã hội hóa công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân chưa được triển khai mạnh mẽ, hoạt động của Ban Chỉ đạo chăm sóc sức khỏe ban đầu các cấp chưa được thường xuyên nên hiệu quả đạt chưa cao.

Công tác tuyên truyền tuy đã có nhiều cố gắng nhưng chưa thường xuyên, liên tục, chưa có chiều sâu ở một số địa phương. Công tác thông tin tới người dân hiệu quả còn chưa cao so với yêu cầu, nhất là trong lĩnh vực y tế dự phòng, an toàn vệ sinh thực phẩm...

Công tác kiểm tra, giám sát của các cấp ủy Đảng, chính quyền cấp trên đối với cấp dưới trong việc thực hiện các nội dung Chỉ thị chưa được thường xuyên.

Chưa xây dựng được nhiều tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến trong việc thực hiện các nội dung của Chỉ thị. Đội ngũ cán bộ còn thiếu, đặc biệt là bác sĩ do chưa có chính sách phù hợp để đào tạo, thu hút cán bộ yên tâm công tác tại cơ sở.

Việc đầu tư xây dựng cơ sở vật chất của một số đơn vị mới được chia tách thành lập còn chậm, chưa kịp thời là một khó khăn ảnh hưởng đến công tác khám, chữa bệnh. Chưa có chính sách đãi ngộ hợp lý cho cán bộ, nhân viên y tế cơ sở, nhất là y tế thôn, bản, nhiều chính sách đã lạc hậu và chậm điều chỉnh. - Cơ sở vật chất đầu tư cho y tế cơ sở còn thấp, so với nhu cầu đặt ra cho y tế cơ sở trong công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân, cũng như xã hội hóa chưa đáp ứng được yêu cầu bảo vệ chăm sóc sức khỏe nhân dân cho tuyến y tế cơ sở. Hầu hết các trạm y tế xã, phường, thị trấn thiếu hệ thống nước sạch, hệ thống xử lý rác thải y tế.

Trong thời gian tới, Vĩnh Phúc cần tiếp tục quán triệt và tổ chức thực hiện Chỉ thị số 06-CT/TW ngày 22/01/2002 của Ban Bí thư (khóa IX) về củng cố hoàn thiện mạng lưới y tế cơ sở; các Nghị quyết; Kết luận của Trung ương về công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân; Nghị quyết số 22-NQ/TU ngày 09/6/2004 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Vĩnh Phúc về phát triển sự nghiệp y tế, chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân đến năm 2010; Thông báo số 1618-TB/TU ngày 04/3/2010 Kết luận của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Vĩnh Phúc về quy hoạch phát triển sự nghiệp y tế đến năm 2020, tầm nhìn 2030.

Duy trì các nội dung hoạt động, củng cố và phát triển Chuẩn quốc gia về y tế xã với việc thực hiện tốt Bộ Tiêu chí quốc gia về y tế xã do Bộ Y tế ban hành gắn với Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010 - 2020.

Tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện tốt phong trào toàn dân chăm sóc sức khỏe đã xây dựng được thành nề nếp trong những năm qua; không ngừng hoàn thiện, củng cố và phát triển công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân tại tuyến y tế cơ sở phù hợp với sự phát triển kinh tế - xã hội của từng địa phương trong tình hình mới.

Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, đôn đốc triển khai thực hiện tại cơ sở để kịp thời chỉ đạo trong từng trường hợp cụ thể góp phần lãnh đạo thành công sự nghiệp chăm sóc sức khỏe nhân dân tuyến y tế cơ sở, đặc biệt vùng dân tộc và miền núi.

Tiếp tục tuyên truyền, vận động, huy động cộng đồng tham gia công tác xã hội hóa hoạt động y tế chăm sóc sức khỏe nhân dân; biểu dương khen thưởng kịp thời các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân tại cơ sở.

Nhân dịp này, đồng chí Nguyễn Thế Trường, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy Vĩnh Phúc đã đánh giá cao những thành tích đã đạt được trong thời gian qua, chỉ ra phương hướng trong thời gian tới. Tỉnh ủy đã biểu dương, tặng Bằng khen cho 11 tập thể và 32 cá nhân xuất sắc trong thực hiện Chỉ thị số 06-CT/TW của Ban Bí thư.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực