(ĐCSVN) - Ngày 03/10, Tỉnh ủy Vĩnh Phúc đã tổ chức Hội nghị tổng kết Nghị quyết 15-NQ/TU ngày 11/6/2003 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về đẩy mạnh công tác khuyến học, phát triển các trung tâm học tập cộng đồng, hướng tới xây dựng một xã hội học tập và biểu dương các gia đình hiếu học, dòng họ hiếu học, cộng đồng khuyến học trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc.
Qua 10 năm triển khai thực hiện Nghị quyết, công tác khuyến học đã thu được nhiều kết quả quan trọng. Hệ thống tổ chức Hội khuyến học được kiện toàn, củng cố và phát triển ở tất cả các vùng, miền trong tỉnh, trở thành một trong số những tổ chức hội có tỷ lệ tập hợp hội viên cao nhất. Nội dung, hình thức hoạt động của Hội khuyến học có nhiều đổi mới, chất lượng hoạt động ngày càng được nâng cao; đã thực hiện đúng chủ trương gắn kết giữa hệ thống giáo dục chính quy trong nhà trường với hệ thống học tập ngoài xã hội. Toàn tỉnh có 3.578 chi hội, Ban khuyến học cơ sở (trong đó chi hội dòng họ tăng cao và chiếm 63% số chi hội dưới cơ sở) với 237.558 hội viên, chiếm trên 20% dân số tỉnh.
|
Tỉnh ủy Vĩnh Phúc khen thưởng các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong phong trào khuyến học thời gian qua (Ảnh: H.Duyên) |
Bên cạnh đó, các phong trào thi đua xây dựng “Gia đình hiếu học”, “Dòng họ hiếu học”, “Cộng đồng khuyến học” ở các xã, phường, thị trấn, các thôn, làng được khơi dậy và đẩy mạnh, đã trở thành một phong trào quần chúng rộng khắp trong toàn tỉnh với hàng ngàn dòng họ hiếu học, cộng đồng khuyến học và hàng trăm ngàn gia đình hiếu học được công nhận. Việc huy động nguồn lực đầu tư cho sự nghiệp giáo dục được đẩy mạnh, nhiều gia đình, cá nhân, tổ chức chính trị - xã hội và doanh nghiệp đã đóng góp xây dựng quỹ khuyến học-khuyến tài, đồng lòng chung sức chăm lo đến công tác giáo dục - đào tạo, góp phần thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước, đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục.
Hệ thống các trung tâm học tập cộng đồng được xây dựng và phát triển rộng khắp ở cả 137 xã, phường, thị trấn trong tỉnh; đã tạo điều kiện thuận lợi cho đông đảo nhân dân lao động được học tâp, nâng cao dân trí, hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, giải quyết việc làm, nâng cao chất lượng cuộc sống và giảm nghèo.
Hệ thống giáo dục - đào tạo Vĩnh Phúc phát triển tương đối hoàn chỉnh; quy mô, mạng lưới trường lớp tiếp tục mở rộng, cơ bản đáp ứng được nhu cầu học tập thường xuyên của nhân dân. Việc xây dựng và phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục được chú trọng và đổi mới; cơ sở vật chất trường học tiếp tục được quan tâm đầu tư, tăng cường theo hướng chuẩn hoá, hiện đại hoá; năng lực giảng dạy và ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý giáo dục được đẩy mạnh. Có thể khẳng định, Vĩnh Phúc là một trong số các tỉnh có nền giáo dục phát triển cao trong cả nước.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động của Hội khuyến học và Trung tâm học tập cộng đồng còn một số hạn chế cần khắc phục như: Nhận thức của một số cấp ủy, chính quyền về khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập chưa đầy đủ; chưa ưu tiên các nguồn lực cho phát triển giáo dục - đào tạo nhằm đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới. Chất lượng hoạt động của một số hội khuyến học, trung tâm học tập cộng đồng cơ sở còn hạn chế, lúng túng, chưa đáp ứng các yêu cầu mới…
Trong thời gian tới, để tiếp tục thực hiện có hiệu quả về công tác khuyến học, phát triển các trung tâm học tập cộng đồng, hướng tới xây dựng một xã hội học tập, Vĩnh Phúc tiếp tục thực hiện tốt một số nhiệm vụ trọng tâm sau:
Một là, tiếp tục quán triệt và triển khai thực hiện tốt các văn bản chỉ đạo của Trung ương và Nghị quyết số 15 của Tỉnh uỷ nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành và mỗi người dân trong công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập. Chú trọng công tác tuyên truyền, vận động làm cho mọi người dân nhận thức rõ sự cần thiết, tầm quan trọng của việc học tập thường xuyên, học tập suốt đời.
Hai là, tăng cường củng cố, xây dựng Hội khuyến học các cấp vững mạnh, hoạt động hiệu quả, làm cơ sở để liên kết, phối hợp với ngành giáo dục - đào tạo thực hiện tốt hoạt động khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập.
Ba là, tiếp tục đẩy mạnh các phong trào thi đua khuyến học một cách toàn diện cả bề rộng lẫn chiều sâu; gắn công tác khuyến học, khuyến tài với xây dựng môi trường giáo dục lành mạnh, với phong trào giảm nghèo làm kinh tế giỏi, xây dựng nông thôn mới và xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư.
Bốn là, ngành Giáo dục – Đào tạo tiếp tục tham mưu xây dựng các cơ chế chính sách; đẩy mạnh đổi mới phương pháp, nội dung hoạt động của các trung tâm học tập cộng đồng ở xã, phường, thị trấn; phát triển nhiều loại hình học tập đa dạng, phù hợp với điều kiện và nhu cầu học tập của cán bộ, nhân dân từng địa phương.
Năm là, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, đánh giá, rút kinh nghiệm để nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các cấp Hội, các Trung tâm học tập cộng đồng. Khuyến khích phát triển nâng cao chất lượng, hiệu quả đào tạo, quản lý tốt các cơ sở đào tạo trong việc thực hiện liên kết đào tạo; chú trọng đào tạo theo phương thức vừa học vừa làm; mở rộng các hình thức tự học của mọi tầng lớp nhân dân trên địa bàn toàn tỉnh. Tiếp tục đổi mới cơ chế, chính sách để thu hút, sử dụng nhân tài, tôn vinh các gương sáng về hiếu học, các điển hình về vượt khó vươn lên trong học tập; thực hiện tốt công tác thi đua, khen thưởng.
Nhân dịp này, Hội khuyến học Việt Nam tặng Bằng khen cho 10 tập thể và 17 cá nhân xuất sắc trong phong trào khuyến học, khuyến tài, xây dựng cộng đồng xã hội học tập. Tỉnh ủy và UBND tỉnh tặng Bằng khen cho 29 tập thể, 27 cá nhân xuất sắc trong 10 năm thực hiện Nghị quyết 15-NQ/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy./.