(ĐCSVN) – Ngày 22/7, Ban chỉ đạo (BCĐ) Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” tỉnh Vĩnh Phúc đã tổ chức hội nghị tổng kết 5 năm thực hiện cuộc vận động.
|
Các đồng chí: Nguyễn Thế Trường, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH khóa XIII của tỉnh; Lê Bá Trình, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam trao Bằng khen của UBND tỉnh cho các tập thể đã có thành tích xuất sắc trong 5 năm thực hiện Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" ( Ảnh Dương Chung) |
Sau 5 thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, nhận thức của các cấp ủy Đảng, chính quyền, các đoàn thể và nhân dân trên địa bàn tỉnh về mục đích và ý nghĩa cuộc vận động được nâng lên. Tâm lý “sính ngoại” hàng ngoại của một bộ phận người tiêu dùng đã có sự thay đổi tích cực.
Trong 5 năm qua, Sở Công thương chỉ đạo Trung tâm Thông tin - Xúc tiến thương mại phối hợp với các doanh nghiệp tổ chức được 30 hội chợ thương mại kích cầu tiêu dùng, 20 phiên chợ bán hàng Việt, 70 chương trình đưa hàng Việt về nông thôn và bán hàng lưu động tại các huyện, thành, thị thu hút 2.000 lượt doanh nghiệp tham gia, với giá trị đạt trên 100 tỷ đồng và thu hút trên 1 triệu lượt người tham quan, mua sắm. Thông qua việc tổ chức các phiên chợ bán hàng Việt, chương trình bán hàng lưu động tại các huyện tác động tích cực đến tâm lý người tiêu dùng trên địa bàn tỉnh, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân địa phương dễ dàng tiếp cận với hàng hóa Việt Nam với giá hợp lý, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của nhân dân trên địa bàn, từng bước làm thay đổi thói quen của người tiêu dùng trong mua sắm.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, việc thực hiện cuộc vận động của địa phương còn một số hạn chế: Công tác lãnh, chỉ đạo có lúc có nơi còn chưa tích cực; nhận thức của một bộ phận cán bộ, đảng viên và tầng lớp nhân dân về cuộc vận động còn hạn chế; công tác kiểm tra, giám sát, đấu tranh ngăn chặn, kiểm soát hàng hóa kém chất lượng, hàng hóa không rõ nguồn gốc chưa chặt chẽ gây tâm lý lo ngại cho người tiêu dùng; hệ thống phân phối hàng về nông thôn chưa được thiết lập, khả năng cạnh tranh của một số sản phẩm của các doanh nghiệp còn thấp; các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất chưa mạnh dạn đầu tư công nghệ mới, công tác phối hợp giữa các cấp, ngành trong cuộc vận động còn chưa chủ động, thiếu chặt chẽ…
Tại hội nghị, các đại biểu cho rằng, để tiếp tục thực hiện có hiệu quả cuộc vận động, các cấp, ngành và địa phương cần xác định nhiệm vụ trọng tâm đó là công tác tuyên truyền, vận động là chính. Các doanh nghiệp, đặc biệt các doanh nghiệp vừa và nhỏ cần được quan tâm, hỗ trợ trong xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu, đầu tư công nghệ mới; các địa phương tập trung quan tâm đến xây dựng, phát triển các làng nghề truyền thống, tạo điều kiện cho làng nghề phát triển, xây dựng các trung tâm làng nghề để trưng bày, bán sản phẩm; tiếp tục tổ chức nhiều đợt bán hàng về khu vực nông thôn…
Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Phó Trưởng ban Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” Trung ương Lê Bá Trình đã biểu dương và ghi nhận những kết quả mà Vĩnh Phúc đã đạt được sau 5 năm thực hiện Cuộc vận động “Người Việt nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Phát huy những kết quả đạt được, đồng chí đề nghị: BCĐ cuộc vận của Vĩnh Phúc tiếp tục tăng cường hơn nữa sự lãnh, chỉ đạo các cấp, ngành chính quyền các địa phương, xây dựng kế hoạch, cụ thế hóa thành chương trình hành động trong thời gian tới; các ngành liên quan và các địa phương cần thể hiện rõ hơn trách nhiệm của mình đối với cuộc vận động. Vĩnh Phúc cần có chính sách xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm hàng hóa trên địa bàn, trong đó quan tâm xây dựng thương hiệu cho các làng nghề, các mô hình kinh tế như chăn nuôi bò sữa ở Vĩnh Tường…
Thay mặt cho BCĐ cuộc vận động, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng BCĐ Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” Nguyễn Thế Trường đã tiếp thu ý kiến phát biểu, chỉ đạo của BCĐ Cuộc vận động người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam Trung ương. Đồng thời yêu cầu, sau hội nghị tổng kết, các sở, ban, ngành, MTTQ và các đoàn thể trong tỉnh tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền với nhiều hình thức đa dạng, phong phú. Các doanh nghiệp, các nhà sản xuất hàng hóa trong tỉnh đổi mới quy trình sản xuất, cải tiến công nghệ để nâng cao chất lượng, sức cạnh tranh của sản phẩm, xây dựng thương hiệu, tạo niềm tin đối với người tiêu dùng. Các cơ quan, các ngành chức năng cần tăng cường công tác quản lý thị trường nhằm ngăn chặn hàng nhập lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng để bảo vệ người tiêu dùng.
Nhân dịp này, UBND tỉnh đã tặng Bằng khen cho 18 tập thể và 5 cá nhân đã có thành tích xuất sắc thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” giai đoạn 2009-2014.