Vĩnh Phúc: Triển khai các biện pháp phòng chống dịch cúm A(H7N9) và cúm A(H5N1)

Thứ tư, 24/04/2013 16:59

 

 Hình ảnh Hội nghị (Ảnh: vinhphuc.gov.vn)

Ngày 23/4, UBND tỉnh tổ chức hội nghị triển khai các biện pháp phòng chống dịch cúm A(H7N9) và cúm A(H5N1) trên địa bàn tỉnh. Đồng chí Dương Thị Tuyến, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì hội nghị.

Theo báo cáo của Bộ Y tế, trên thế giới đã phát hiện 120 trường hợp nhiễm virut cúm A, trong đó có 20 trường hợp đã tử vong. Ở Việt Nam và tỉnh Vĩnh Phúc đến hết ngày 22/4/2013, chưa phát hiện trường hợp nhiễm cúm A nào. Tuy nhiên, nguy cơ dịch bệnh xâm nhập cũng như khả năng bùng phát thành dịch lớn tại cộng đồng luôn tiềm ẩn.

Trong kế hoạch phòng chống cúm A (H5N1) và cúm A(H7N9), UBND tỉnh yêu cầu các cấp, ngành phối hợp chặt chẽ, triển khai các biện pháp chủ động phòng, chống bệnh trên địa bàn, kiện toàn Ban chỉ đạo phòng chống dịch các cấp. Tăng cường giám sát dịch bệnh cúm gia cầm tại cộng đồng, các cơ sở y tế, cơ quan, đơn vị; rà soát, chuẩn bị điều kiện về thuốc, hoá chất, nhân lực cho công tác phòng, chống dịch bệnh. Bệnh viện Đa khoa tỉnh và Bệnh viện đa khoa khu vực Phúc Yên bố trí mỗi đơn vị 30 giường bệnh, các bệnh viện tuyến huyện 20 giường, trạm y tế tuyến xã từ 2 – 3 giường bệnh để sẵn sàng cách ly bệnh nhân khi có dịch. Tổ chức tập huấn chuyên môn cho cán bộ y tế, thành lập các tổ cơ động chống dịch; hằng ngày, trạm y tế xã có báo cáo về Trung tâm y tế tuyến huyện và tỉnh để Ban chỉ đạo nắm bắt được tình hình tại các địa phương.

Thống nhất kế hoạch phòng chống dịch cúm A (H5N1) và (H7N9), các đại biểu đề nghị tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng; nâng cao vai trò chỉ đạo triển khai phòng chống dịch của các cấp, ngành; ngành Y tế tăng cường vật tư và trang thiết bị chuẩn bị đối phó với dịch bệnh; các lực lượng: Công an, quản lý thị trường, thú ý thực hiện các biện pháp kiểm tra, kiểm dịch chặt chẽ đối với việc vận chuyển gia cầm, thủy cầm.

Kết luận hội nghị, đồng chí Dương Thị Tuyến yêu cầu Sở Y tế chủ động nắm bắt tình hình dịch bệnh, tham mưu cho UBND tỉnh và Ban chỉ đạo phòng, chống các dịch bệnh ở người và gia súc, gia cầm để kịp thời chỉ đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể vào cuộc; UBND cấp huyện có biện pháp đối phó khi dịch bệnh xẩy ra. Các sở, ngành liên quan và các địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền phòng chống dịch bệnh ngay trong tháng 4; chú trọng các biện pháp kiểm tra, xử lý các trường hợp buôn bán gia cầm, thủy cầm trái phép; nắm bắt chặt chẽ việc chăn nuôi gia cầm, thủy cầm, hoạt động các lò giết, mổ; tiến hành phun thuốc phòng dịch, xử lý môi trường thường xuyên nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại về người và tài sản khi xuất hiện dịch bệnh.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực