Vĩnh Phúc: Triển khai Đề án phát triển chăn nuôi giai đoạn 2013-2020

Thứ sáu, 24/05/2013 16:44

 

 Phát triển chăn nuôi bền vững
 (Ảnh minh họa: Báo Nông nghiệp)

(ĐCSVN) - Trong bối cảnh ngành chăn nuôi cả nước đang khó khăn chung, Vĩnh Phúc đang ra sức khắc phục tình trạng này. Theo đó, UBND tỉnh đang triển khai Đề án phát triển chăn nuôi tỉnh giai đoạn 2013-2020.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), Đề án đã đánh giá chung về chăn nuôi của tỉnh từ năm 2006-2012; quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ; các nhóm giải pháp phát triển chăn nuôi giai đoạn 2013-2020 và khái toán kinh phí thực hiện Đề án.

Với quan điểm phát triển chăn nuôi trở thành ngành sản xuất hàng hoá chính trong nông nghiệp, đáp ứng nhu cầu thực phẩm cho tiêu dùng của nhân dân trong tỉnh và hướng tới xuất khẩu, UBND tỉnh đề ra mục tiêu cụ thể trong từng giai đoạn, trên cơ sở tổ chức, cơ cấu lại sản xuất ngành chăn nuôi gắn với thị trường, áp dụng công nghệ tiên tiến và xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ người chăn nuôi theo hướng trang trại- công nghiệp, chăn nuôi theo vùng và xã trọng điểm.

Để thực hiện mục tiêu đó, tỉnh xây dựng 5 nhóm giải pháp về: kinh tế- kỹ thuật; tổ chức, quản lý và đào tạo; phòng chống dịch bệnh, thông tin, thương mại, chế biến tiêu thụ sản phẩm; đầu tư, hỗ trợ phát triển chăn nuôi. Riêng với nhóm giải pháp đầu tư, hỗ trợ phát triển chăn nuôi, có giải pháp về quy hoạch; đất đai; đầu tư, hỗ trợ xây dựng và phát triển chuỗi sản xuất, cung cấp thực phẩm an toàn, thực phẩm sạch; hỗ trợ xử lý môi trường chăn nuôi; chế biến thức ăn; hỗ trợ thú y, phòng chống dịch bệnh, tín dụng; ưu đãi đầu tư sản xuất thức ăn chăn nuôi, chế biến tiêu thụ sản phẩm, bảo hiểm vật nuôi; đào tạo nguồn nhân lực và thông tin thương mại. Khái toán tổng kinh phí thực hiện đề án gần 1.500 tỷ đồng, trong đó, ngân sách Nhà nước hỗ trợ trên 300 tỷ đồng, được dự kiến thực hiện cụ thể theo các năm và từng giai đoạn.

Đánh giá về Đề án này, Chủ tịch UBND tỉnh Phùng Quang Hùng khẳng định sự cần thiết phải xây dựng và thực hiện Đề án phát triển chăn nuôi để tạo sự chuyển biến trong cơ cấu sản xuất nông nghiệp và nâng cao đời sống người nông dân.

Cũng theo đồng chí Phùng Quang Hùng, hiện nay, tỉnh đã bước đầu hình thành được quy hoạch và xây dựng mục tiêu đầu tư cho lĩnh vực chăn nuôi. Bởi thế, Đề án phát triển chăn nuôi giai đoạn 2013-2020 là sự đột phá mới trong chăn nuôi, do vậy, phải chọn được mô hình để làm điểm và xây dựng thương hiệu cho sản phẩm. Trong chăn nuôi phải có tính chuyên môn hoá cao.

Đồng chí Hùng cũng yêu cầu ngành nông nghiệp cần xem xét lại các giải pháp về đất đai để khẳng định lại vùng quy hoạch cho chăn nuôi; làm rõ cơ chế kiểm soát thức ăn chăn nuôi, đảm bảo chất lượng khi đưa ra thị trường; Phối hợp với Sở Nội vụ xem xét vấn đề biên chế và chế độ phục cấp cho cán bộ thú y cơ sở đồng thời yêu cầu với các hỗ trợ từ ngân sách, Sở Kế hoạch – Đầu tư, Tài chính, Khoa học công nghệ phải làm rõ nguồn kinh phí. Đặc biệt, Sở NN&PTNT nghiên cứu lại toàn bộ mô hình chuỗi để làm điểm đồng thời hoàn thiện các nội dung để báo cáo Thường trực UBND tỉnh, BTV Tỉnh uỷ trước khi trình HĐND tỉnh trong thời gian tới.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực