Vĩnh Phúc tập trung chăm lo công tác dạy nghề cho lao động, nhất là lao động nông thôn (Ảnh: Báo Vĩnh Phúc)
Những năm qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc luôn nhận được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, tạo điều kiện thuận lợi của các cấp bộ, ngành Trung ương để tỉnh ổn định và phát triển. Nhịp độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh duy trì ở mức cao, bình quân giai đoạn 1997-2016, đạt 15,37%/năm; cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động, việc làm chuyển dịch mạnh theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Tốc độ tăng trưởng kinh tế 6 tháng đầu năm 2018 ước đạt 7,61%. Các lĩnh vực văn hoá - xã hội có nhiều tiến bộ; quốc phòng - an ninh được củng cố, giữ vững và tăng cường; chính trị xã hội ổn định. Đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân ngày càng được cải thiện, nâng cao. Đây là điều kiện thuận lợi để Đảng bộ và nhân dân Vĩnh Phúc làm tốt công tác dạy nghề cho lao động nông thôn.
Đến nay, trên địa bàn tỉnh hiện có có 49 cơ sở hoạt động giáo dục nghề nghiệp. Tính đến hết tháng 9/2017, trên địa bàn tỉnh có 1.961 giáo viên giáo dục nghề nghiệp. Trong 5 năm 2012-2017, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp của tỉnh đã được đầu tư trên 100 nghìn tỷ đồng cho việc mua sắm trang thiết bị dạy nghề. Tỉnh đã phê duyệt chi phí đào tạo nghề trong danh mục đào tạo nghề cho lao động nông thôn là 29 nghề, trong đó, có 09 nghề nông nghiệp, 20 nghề phi nông nghiệp. 100% cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh đã xây dựng xong chương trình, giáo trình mới theo hướng dẫn của Thông tư 03/2017/TT-LĐTBXH ngày 01/03/2017 của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội quy định về quy trình xây dựng, thẩm định và ban hành chương trình; tổ chức biên soạn, lựa chọn, thẩm định giáo trình đào tạo trình độ trung cấp, trình độ cao đẳng và đưa vào giảng dạy.
Kết quả, trong giai đoạn từ năm 2013 đến hết tháng 9 năm 2017, tổng số lao động nông thôn được học nghề là 90.867 người; nguời dân tộc thiểu số là 7.866; người thuộc hộ nghèo 16.778 người; người khuyết tật 384 người; người thuộc hộ cận nghèo 9.703 người; người được hưởng chính sách có công với cách mạng 446 người; số lao động nông thôn được hỗ trợ học nghề là 5.315 người; số người có việc làm sau học nghề là 70.366 người đạt 80%. Thông qua chương trình đào tạo nghề người lao động ở các địa phương đã chủ động tạo thêm việc làm và mạnh dạn hơn trong việc ứng dụng kiến thức khoa học kỹ thuật trong chăn nuôi, canh tác sản xuất, qua đó đã tạo ra nhiều sản phẩm hàng hóa có chất lượng, tăng năng suất lao động, góp phần nâng cao thu nhập cho bản thân người lao động, giảm nghèo, ổn định đời sống xã hội tại khu vực nông thôn.
Tuy nhiên, một số ngành nghề đào tạo ngắn hạn chưa phù hợp, học viên học xong không có việc làm phù hợp. Nhiều người ngại tham gia học tập, bồi dưỡng nghề. Sự gắn kết giữa cơ sở giáo dục nghề nghiệp và doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh chưa chặt chẽ. Công tác định hướng, phân luồng học sinh phổ thông chưa thực sự gắn với dạy nghề.
Tới đây, để tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dạy nghề nông thôn cần tập trung xử lý đồng bộ các giải pháp bao gồm: Tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền đối với công tác dạy nghề cho lao động nông thôn. Cần có sự tham gia của các cấp, các ngành và các đoàn thể từ tỉnh tới cơ sở, đặc biệt là sự tham gia của các tổ chức chính trị - xã hội các cấp trong việc phổ biến, tuyên truyền, tư vấn về dạy nghề và giải quyết việc làm cho các đoàn viên, hội viên; kịp thời biểu dương, nhân rộng gương người tốt, việc tốt, tập thể điển hình, tiêu biểu trong công tác dạy nghề cho lao động nông thôn.
Đổi mới công tác tuyên truyền, phân luồng và định hướng nghề nghiệp để người lao động và toàn xã hội nhận thức đúng đắn về học nghề, từng bước chuyển dịch cơ cấu lao động ở nông thôn. Xác định đào tạo nghề cho lao động nông thôn là một trong nhiệm vụ quan trọng, gắn với thực hiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới.
Đẩy mạnh thực hiện chủ trương xã hội hóa công tác dạy nghề. Củng cố, nâng cao chất lượng của các cơ sở dạy nghề công lập; khuyến khích phát triển các cơ sở dạy nghề ngoài công lập; gắn kết chặt chẽ giữa doanh nghiệp và cơ sở dạy nghề; khuyến khích và tạo điều kiện để các doanh nghiệp tự tổ chức đào tạo nghề tại chỗ.
Phát triển đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên dạy nghề đủ về số lượng, chất lượng đáp ứng yêu cầu về phẩm chất đạo đức, trình độ chuyên, nghiệp vụ. Xây dựng cơ chế thu hút các nghệ nhân, người có kinh nghiệm thực tiễn lâu năm và có tay nghề cao tham gia giảng dạy, truyền nghề tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp.
Tăng cường công tác chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra, giám sát. Hàng năm xây dựng kế hoạch kiểm tra, giám sát theo định kỳ và đột xuất các cơ sở đào tạo nghề trên địa bàn tỉnh, qua đó phát hiện và xử lý kịp thời những thiếu sót, sai phạm trong quá trình thực hiện.