Theo thông báo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), từ đầu năm 2022 đến nay trên địa bàn cả nước đã xảy ra 34 ổ dịch cúm gia cầm tại 19 tỉnh, thành phố, buộc tiêu hủy trên 77.000 con gia cầm.
Trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc từ đầu năm đến nay xảy ra 1 ổ dịch cúm gia cầm làm chết và tiêu hủy gần 2.000 con gia cầm, ổ dịch đã được phát hiện sớm, kịp thời xử lý không để lây lan rộng, đến nay đã qua 6 tháng không phát sinh ổ dịch mới.
Nhận định trong thời gian tới, nguy cơ dịch bệnh cúm gia cầm phát sinh và lây lan là rất cao do tổng đàn gia cầm của tỉnh lớn (trên 12 triệu con), chăn nuôi nhỏ lẻ còn phổ biến, chưa đảm bảo yêu cầu vệ sinh thú y, an toàn dịch bệnh; giao thương buôn bán, vận chuyển gia cầm, sản phẩm gia cầm tăng mạnh vào dịp cuối năm 2022 và đầu năm 2023; giết mổ nhỏ lẻ còn phổ biến,…
Đặc biệt, theo thông tin của Bộ Y tế, ngày 5/10/2022 đã có 1 trường hợp người nhiễm vi rút cúm gia cầm, chủng A/H5 tại tỉnh Phú Thọ (sau hơn 8 năm Việt Nam không có trường hợp người tử vong hoặc nhiễm vi rút cúm A/H5); nâng tổng số người nhiễm vi rút cúm gia cầm A/H5 tại Việt Nam lên 128 trường hợp, trong đó có 64 (chiếm 50%) trường hợp tử vong do vi rút cúm gia cầm A/H5N1 trong giai đoạn từ năm 2003 đến tháng 10/2022.
|
Vĩnh Phúc tập trung triển khai quyết liệt các giải pháp phòng, chống bệnh cúm gia cầm
(Ảnh minh họa: B.T) |
Trước những diễn biến phức tạp của dịch bệnh cúm gia cầm A/H5, đồng thời để chủ động ngăn chặn các ổ dịch cúm gia cầm trên gia cầm, hạn chế thấp nhất vi rút cúm gia cầm lây nhiễm, gây tử vong cho người, ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng, UBND tỉnh Vĩnh Phúc yêu cầu các sở, ban ngành, UBND các huyện, thành phố tập trung triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng, chống dịch bệnh cúm gia cầm A/H5N1, A/H5N6, A/H5N8 và các chủng vi rút cúm gia cầm khác theo quy định của Luật Thú y, các văn bản hướng dẫn thi hành Luật, các văn bản của Thủ tướng Chính phủ (Quyết định số 172/QĐ- TTg ngày 13/02/2019 về việc phê duyệt “Kế hoạch quốc gia phòng, chống bệnh cúm gia cầm giai đoạn 2019 – 2025); các văn bản của Bộ NN&PTNT, Cục Thú y về việc chủ động triển khai đồng bộ các biện pháp ngăn chặn dịch bệnh CGC A/H5 trên gia cầm và nguy cơ lây nhiễm cho người,…
Bên cạnh đó, tổ chức thông tin, tuyên truyền sâu rộng, kịp thời, chính xác về tình hình dịch bệnh cúm gia cầm; đảm bảo phòng, chống dịch và phát triển sản xuất chăn nuôi, tránh gây hoang mang trong xã hội. Hướng dẫn người chăn nuôi chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh cúm gia cầm; áp dụng nghiêm ngặt các biện pháp kỹ thuật trong chăn nuôi an toàn sinh học, thường xuyên thực hiện tốt các biện pháp vệ sinh, phun khử trùng tiêu độc nhằm tiêu diệt các loại mầm bệnh.
UBND các huyện, thành phố chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn, UBND cấp xã giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh trên đàn vật nuôi, nhất là bệnh cúm gia cầm nhằm phát hiện sớm, xử lý kịp thời khi có ổ dịch phát sinh không để lây lan rộng. Tuyên truyền, hướng dẫn người chăn nuôi thực hiện tiêm phòng vắc xin cúm gia cầm theo quy định, đảm bảo tỷ lệ tiêm phòng đạt trên 80% tổng đàn.
Thường xuyên rà soát tiêm phòng bổ sung cho đàn gia cầm mới phát sinh và chưa được tiêm phòng vắc xin cúm gia cầm. Quản lý, kiểm soát chặt chẽ việc giết mổ, buôn bán gia súc, gia cầm và sản phẩm gia súc, gia cầm trên địa bàn; xử lý nghiêm, kiên quyết đóng cửa các trường hợp địa điểm giết mổ động vật không đảm bảo điều kiện vệ sinh thú y.
Ngoài ra, chỉ đạo lực lượng Công an, Quản lý thị trường phối hợp với các phòng, ban liên quan tăng cường kiểm tra, kiểm soát, xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển gia cầm, sản phẩm gia cầm ra, vào địa bàn không rõ nguồn gốc, không đảm bảo điều kiện vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm theo quy định,…/.