Ảnh minh họa (Ảnh: NH)
Theo thông báo của Cục Thú y, tính đến ngày 1/12/2015, dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm ở gia súc, gia cầm đã xảy ra tại nhiều tỉnh thành phố trên cả nước như: Dịch Cúm gia cầm đã xảy ra tại Sơn La, Quảng Ngãi, Lai Châu, Nghệ An, Hà Tĩnh, Cà Mau; Dịch Lở mồm long móng (LMLM) gia súc đã xuất hiện tại Phú Yên, Yên Bái, Ninh Thuận, Cao Bằng, Hà Tĩnh; Dịch Tai xanh ở lợn xảy ra tỉnh Sóc Trăng và Cần Thơ. Trong thời gian tới là những tháng cuối năm, dịp Tết, Lễ hội…, nhu cầu tiêu thụ, vận chuyển động vật, sản phẩm động vật tăng mạnh, kết hợp với điều kiện thời tiết, khí hậu thuận lợi cho vi rút, vi khuẩn gây bệnh phát triển; nguy cơ dịch bệnh gia súc, gia cầm tái phát và lây lan vào địa bàn tỉnh là rất cao.
Để chủ động ngăn chặn dịch bệnh gia súc, gia cầm và ngăn ngừa một số dịch bệnh truyền lây từ động vật sang người, cắt đứt đường truyền lây của vi rút trên quần thể gia súc, gia cầm và trong môi trường; thực hiện chỉ đạo của Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn tại Văn bản số 9171/BNN-TY ngày 06/11/2015 về việc triển khai tháng vệ sinh, tiêu độc, khử trùng đợt 2 năm 2015. UBND tỉnh yêu cầu các Sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành, thị triển khai phát động và tổ chức thực hiện “Tháng vệ sinh, tiêu độc, khử trùng đợt 2 năm 2015” trên địa bàn tỉnh.
Trong đó, đối với các cơ sở chăn nuôi gia súc, gia cầm tập trung, cần phát quang cây cỏ xung quanh chuồng nuôi, thường xuyên quét dọn thu gom phân rác, chất độn chuồng để đốt, khơi thông cống rãnh. Bố trí hố sát trùng có chứa vôi bột hoặc thuốc sát trùng tại lối vào khu vực chăn nuôi; định kỳ thực hiện tổng vệ sinh, tiêu độc, phun khử trùng toàn bộ chuồng trại, khu vực chăn nuôi và vùng phụ cận mỗi tuần 1 lần.
Đối với chăn nuôi hộ gia đình, quét dọn sạch sẽ khu nuôi nhốt gia súc, gia cầm bao gồm cả nơi chăn thả; thu gom phân rác, chất độn chuồng để đốt. Tiêu độc phun thuốc sát trùng toàn bộ khu vực chăn nuôi gia súc, gia cầm và khu vực phụ cận mỗi tuần 1 lần bằng các loại thuốc sát trùng hoặc vôi bột. Vệ sinh sạch sẽ phương tiện, dụng cụ vận chuyển sau mỗi lần vận chuyển. Cơ sở ấp nở gia cầm, thủy cầm, cần phát quang cây cỏ xung quanh và hàng ngày quét dọn sạch sẽ toàn bộ khu vực lò ấp, đường ra vào cơ sở ấp trứng, thu gom vỏ trứng sau khi đã ấp, nở để tiêu hủy. Bố trí hố sát trùng có chứa thuốc sát trùng hoặc vôi bột tại lối vào khu vực ấp nở; tiêu độc khử trùng hàng ngày toàn bộ diện tích cơ sở ấp trứng, đường ra vào cơ sở ấp trứng, các phương tiện vận chuyển trứng giống và gia cầm mới ấp nở,…
Về cách thức tiến hành vệ sinh, tiêu độc, khử trùng, các chủ trại chăn nuôi, cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm, cơ sở ấp trứng gia cầm, các hộ chăn nuôi tự lo vật tư, hóa chất và kinh phí, tổ chức thực hiện theo sự chỉ đạo, hướng dẫn của chính quyền địa phương và cơ quan chuyên môn thú y. Sử dụng vôi bột và các loại hoá chất tiêu độc khử trùng trong danh mục đã được Bộ Nông nghiệp & PTNT cho phép lưu hành tại Việt Nam. Thời gian thực hiện trong vòng 1 tháng, bắt đầu từ ngày 15/12/2015 đến hết ngày 15/01/2016.
Về tổ chức thực hiện, Sở Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn chủ trì, phối hợp với các ngành liên quan, UBND các huyện, thành, thị phát động và chỉ đạo các cơ quan chuyên môn trực thuộc, UBND các xã, phường, thị trấn triển khai thực hiện “Tháng vệ sinh, tiêu độc, khử trùng đợt 2 năm 2015” trên địa bàn tỉnh.
Chi cục Thú y phối hợp với Đài phát thanh và truyền hình tỉnh, Báo Vĩnh Phúc…đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến cho nhân dân thấy được tính chất nguy hiểm của dịch bệnh gia súc, gia cầm để các hội viên, hộ chăn nuôi có kế hoạch chủ động phòng, chống dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm, thực hiện vệ sinh, tiêu độc, khử trùng chuồng trại môi trường chăn nuôi đảm bảo an toàn dịch bệnh trên đàn vật nuôi của gia đình mình. Bên cạnh đó, phối hợp với Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm các huyện, thành, thị, UBND các xã, phường, thị trấn tăng cường công tác theo dõi, giám sát dịch bệnh gia súc, gia cầm trên địa bàn. Tổ chức lực lượng, bố trí sẵn sàng nhân lực xử lý kịp thời các ổ dịch phát sinh trên địa bàn./.
BT