Vĩnh Phúc: Từng bước phát triển sau dịch bệnh COVID-19

Thứ hai, 05/04/2021 17:37
(ĐCSVN) - Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Vĩnh Phúc Phạm Thị Hồng Thủy cho biết, dịch COVID-19 đã ảnh hưởng rất lớn đến các doanh nghiệp trong cả nước nói chung và tỉnh Vĩnh Phúc nói riêng, trên tất cả các lĩnh vực ngành nghề sản xuất kinh doanh, ở mọi quy mô doanh nghiệp.

Tuy nhiên, Chính phủ, các Bộ, ngành và chính quyền địa phương đã nhanh chóng, tích cực vào cuộc, xây dựng và ban hành các chính sách hỗ trợ rất kịp thời; đã tạo điều kiện thuận lợi cho rất nhiều doanh nghiệp ổn định, duy trì, hồi phục và tiếp tục phát triển. Mặc dầu vậy, việc tiếp cận và tận dụng hiệu quả các chính sách này vẫn còn nhiều bất cập, khó khăn đối với phần lớn doanh nghiệp.

Đồng bộ các chính sách hỗ trợ trên tất cả các lĩnh vực của nền kinh tế

 Sản xuất công nghiệp vẫn tiếp tục duy trì trong khó khăn do dịch bệnh. (Ảnh: PV)

Thông tin cụ thể về tình hình triển khai các chính sách hỗ trợ trên địa bàn tỉnh, bà Thủy cho biết, Cục thuế đã tích cực thực hiện những biện pháp hỗ trợ người dân và doanh nghiệp từ những văn bản của Trung ương và địa phương. Tính từ thời điểm triển khai đến nay, đã gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất với tổng số 945 người nộp thuế (805 doanh nghiệp và hộ gia đình) trị giá trên 1.200 tỷ đồng; Gia hạn thời hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ô tô trị giá 5.500 tỷ đồng và giảm tiền thuê đất: 5,4 tỷ đồng.

Về phía Ngân hàng Nhà nước tỉnh, đã triển khai cho vay mới với lãi suất thấp hơn từ 0.5-2% so với lãi suất khoản vay cũ với 11.210 khách hàng. Dư nợ đạt 10.966 tỷ đồng trong đó doanh nghiệp 518 doanh nghiệp, dư nợ 6.015 tỷ đồng; Cá nhân, hộ gia đình kinh doanh cá thể: 10.690 trường hợp, dư nợ đạt 4.951 tỷ đồng. Tiến hành miễn, giảm lãi vay cho 1.030 khách hàng, dư nợ đạt 2.890 tỷ đồng, trong đó doanh nghiệp: 203 doanh nghiệp, dư nợ đạt 4.960 tỷ đồng, cá nhân, hộ kinh doanh cá thể: 827 trường hợp, dư nợ đạt 930 tỷ đồng. Đồng thời, cơ cấu lại thời gian trả nợ cho 207 khách hàng, dư nợ đạt 847 tỷ đồng, trong đó: doanh nghiệp là 64 doanh nghiệp, dư nợ đạt 705 tỷ đồng; cá nhân, hộ gia đình kinh doanh cá thể: 143 trường hợp đạt 141 tỷ đồng. Đặc biệt, cho vay người sử dụng lao động vay trả lương cho công nhân, tính đến 31/3/2020, NHCSXH tỉnh đã thực hiện cho vay 790 lao động, 4 doanh nghiệp với số tiền cho vay trên 3 tỷ đồng.

Về phía Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh, cơ quan này đã trả lời kiến nghị của doanh nghiệp, tháo gỡ khó khăn trong đại dịch  COVID - 19 cho 3 doanh nghiệp. Hướng dẫn, ban hành văn bản giải đáp các nội dung kiến nghị cho 6 doanh nghiệp. Tổ chức tư vấn 30 phiên (4 phiên lưu động) giới thiệu việc làm cho 293 lượt doanh nghiệp tham gia tuyển dụng, với số lao động đăng ký1.764 người, tư vấn chính sách lao động việc làm cho 11.252 người. Cấp mới 99 giấy phép, cấp lại 76 giấy phép cho lao động nước ngoài. Thẩm định 36 nội quy lao động, hướng dẫn 01 doanh nghiệp thực hiện nội quy lao động, 06 doanh nghiệp trình tự thủ tục dừng đóng quỹ tử tuất, thẩm định 05 hồ sơ xác định số lao động thuộc diện tham gia BHXH phải tạm nghỉ việc do dịch, hướng dẫn 05 doanh nghiệp thực hiện chính sách lao động khi tạm dừng hoạt động SXKD, 09 doanh nghiệp xã định chính sách hỗ trợ bởi dịch COVID-19. Tổ chức hội nghị tuyên truyền, cấp phát tài liệu cho người lao động và sử dụng lao động với 600 người tham gia.

Cũng theo bà Thủy, tính đến 8/3/2021, Ban quản lý Các khu công nghiệp đã phối hợp với các sở, ngành đề xuất UBND tỉnh đề nghị Bộ Công an cho phép nhập cảnh 10 đợt đối với trên 1.600 lao động người nước ngoài là nhà quản lý, chuyên gia, lao động kỹ thuật cao làm việc tại trên 300 doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Về việc tạm dừng đóng vào quỹ Hưu trí, Tử tuất, BHXH tỉnh Vĩnh Phúc nhận được phản rất nhiều đề nghị của đơn vị sử dụng lao động bị ảnh hưởng trong sản xuất, kinh doanh do dịch bệnh COVID -19 đề nghị tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí, tử tuất tuy nhiên căn cứ vào các văn bản hướng dẫn chưa có đơn vị nào trên địa bàn đủ điều kiện để tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí tử tuất theo quy định.

Về việc hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID -19 (theo Nghị quyết số 42/NQ-CP ngày 09/4/2020 và Quyết định số 15/2020/QĐ-TTg ngày 24/4/2020), tính đến ngày 16/03/2021, BHXH tỉnh đã xác nhận cho 33 đơn vị có công văn đề nghị xác nhận Danh sách người lao động tạm hoãn hợp đồng, nghỉ việc không hưởng lương, nghỉ không lương cho 1.941  lao động để làm hồ sơ xin hỗ trợ  theo quy định là: Công ty Cổ Phần Xuân Hòa Việt Nam 106 lao động và Công ty TNHH Astra Visteon Việt Nam 15 lao động, Công ty cổ phần thực phẩm tốt T-Food 01 lao động, Công ty TNHH TOYOTA BOSHOKU Hà Nội 231 lao động, Công ty TNHH May mặc Việt Thiên 634 lao động...

 Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Vĩnh Phúc chúc Tết Tân Sửu 2021 khối doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. (Ảnh: Cổng thông tin điện tử tỉnh Vĩnh Phúc)

Một số tồn tại, bất cập cần khắc phục

Cũng theo Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Phạm Thị Hồng Thủy, đối với lĩnh vực hỗ trợ người lao động, đa số doanh nghiệp không được hưởng lợi vì các điều kiện hỗ trợ đi kèm với doanh nghiệp như: số lượng lao động nghỉ việc, doanh thu của doanh nghiệp…Các điều kiện kèm theo đó rất ít doanh nghiệp có thể đáp ứng được để có nguồn tài chính hỗ trợ từ phía nhà nước vì quá khó và chặt chẽ. Trong các văn bản sửa đổi và hướng dẫn Chính phủ chỉ mở rộng đối tượng chứ không thay đổi điều kiện đảm bảo để nhận hỗ trợ. Như vậy, có thể nhận thấy, chính sách chưa phù hợp với thực tế, chưa đi vào cuộc sống.

Mặc dù có nhiều biện pháp hỗ trợ tài chính và tín dụng, song sự hỗ trợ đó vẫn chưa đáp ứng được mong muốn của doanh nghiệp. Doanh nghiệp vẫn phải chịu mức lãi suất cao, thời gian cơ cấu trả nợ ngắn, các gói vay mới có nhiều điều kiện khó tiếp cận.

Hoạt động xuất nhập cảnh và thương mại vẫn rất hạn chế, chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế của doanh nghiệp cho chuyên gia, người lao động và các hoạt động giao thương khác.

Vĩnh Phúc là địa phương đầu tiên có dịch COVID-19, trong khi đó hệ thống các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp chịu ảnh hưởng lại ra sau và có hiệu lực sau khi tỉnh Vĩnh Phúc hết dịch. Cho nên các doanh nghiệp chịu ảnh hưởng khó tiếp cận chính sách hơn các doanh nghiệp ở các địa phương khác so với cả nước.

Trước thực trạng trên, bà Thủy kiến nghị, các nhóm giải pháp phù hợp theo từng chủ thể, đối tượng, cụ thể:

Đối với Chính phủ và các Bộ, ngành, về lĩnh vực lao động, cần bổ sung kinh phí để tổ chức tập huấn nâng cao nghiệp vụ tuyên truyền, phổ biế và giải đáp pháp luật cho tuyên truyền viên cấp cơ sở, đồng thời hỗ trợ tài liệu, tờ rơi tuyên truyền phổ biến pháp luật cho người lao động và sửdụng lao động.

Sớm tham mưu, ban hành các Nghị định, Thông tư hướng dẫn bộ Luật lao động năm 2019 để triển khai đến doanh nghiệp. Tổ chức tập huấn nghiệp vụ cho cán bộ làm công tác lao động cấp tỉnh; -Nghiên cứu tham mưu ban hành văn bản về công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật trong doanh nghiệp cho phù hợp với tình hình mới. Đề nghị Tổng liên đoàn miễn 2% kinh phí công đoàn cho doanh nghiệp trong thời gian dịch bệnh.

Trong lĩnh vực ngân hàng và tín dụng, ngoài các biện pháp hỗ trợ từ ngân hàng, đề nghị tiếp tục xem xét cơ cấu lại thời gian trả nợ, giảm lãi suất cho vay từ 1.5-2% cho tất cả các gói cho vay, giảm phí đối với khách hàng là người lao động gặp khó khăn do dịch bệnh. Điều kiện, thủ tục cho vay cần đơn giản hơn, tài sản thế chấp linh hoạt hơn. Các điều kiện bảo lãnh tín dụng cần nới lỏng hơn nữa vì hiện nay bảo lãnh tín dụng chặt chẽ hơn điều kiện vay ngân hàng.

Về lĩnh vực thuế, cần xem xét giảm thuế VAT từ 8-10% trong thời hạn từ 3-5 năm nhằm tăng vốn tích lũy doanh nghiệp để tái đầu tư sau đại dịch. Giảm thuế thu nhập doanh nghiệp về mức 13-15%, giảm tiền thuê đất trong 2 năm. Nghiên cứu bỏ một số loại thuế phí tránh chồng chéo.

Đối với lĩnh vực thương mại, Chính phủ và các bộ, ngành tiếp tục có chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ tiếp cận nguồn vốn vay, đảm bảo hoạt động sản xuất kinh doanh trong bối cảnh Việt Nam tham gia TPP và FTA mới. Tiếp tục duy trì và tìm kiếm các mối quan hệ ngoại giao, trao đổi buôn bán các mặt hàng thế mạnh của Việt Nam.

Đối với UBND tỉnh, tạm dừng các cuộc thanh tra, kiểm tra đối với các doanh nghiệp chịu thiệt hại từ đại dịch COVID 19, chỉ thanh tra khi có dấu hiệu vi phạm. Giãn nợ BHXH và không tính tiền chậm nộp cho các doanh nghiệp gặp khó khăn trong thời gian diễn ra dịch bệnh. Hỗ trợ các doanh nghiệp tiếp cận được nguồn vốn vay tín dụng, hỗ trợ đào tạo nâng cao tay nghề, tăng cường kỷ luật lao động.

Đặc biệt, UBND tỉnh cần tiếp tiếp tục chỉ đạo các ngành có liên quan rà soát nhu cầu nhập cảnh của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, đảm bảo đúng mục đích, đối tượng; cần cân nhắc, hạn chế đến mức thấp nhất nhu cầu nhập cảnh của các đối tượng đến từ các quốc gia, vùng lãnh thủ có lây nhiễm chủng biến thể mới của virus COVID mới và đang có diễn biến dịch phức tạp như Trung Quốc, Mỹ, Ấn Độ, Anh, Nam Phi. Đồng thời, có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp xét nghiệm COVID-19 cho người lao động.

Ngoài ra, có biện pháp giúp doanh nghiệp thâm nhập thị trường xuất nhập khẩu nguyên liệu cho sản xuất. Tăng cường tuyên truyền kích cầu tiêu dùng sản phẩm nội địa. Dùng ngân sách địa phương hỗ trợ lao động trong doanh nghiệp bị giải thể, phá sản. Đồng thời, chỉ đạo các ngành hoàn thành thủ tục pháp lý, giải phóng mặt bằng, cấp giấy chứng nhận đầu tư cho doanh nghiệp tại các khu công nghiệp để đảm bảo thời gian trong việc sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp./.

Lê Anh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực