|
Tỉnh Vĩnh Phúc đã không ngừng phát huy tiềm năng, thế mạnh để phát triển toàn diện (Nguồn: vinhphuc.gov.vn) |
Kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2015 – 2020 cho thấy, công tác xây dựng Đảng được tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện toàn diện, đồng bộ, quyết liệt, có trọng tâm, trọng điểm, đạt kết quả quan trọng. Việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4, khóa XI, XII và Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị về xây dựng Đảng được thực hiện nghiêm túc, đạt nhiều kết quả. Xây dựng Đảng vững mạnh về chính trị, tư tưởng, đạo đức được đặc biệt chú trọng, ngang tầm với yêu cầu nhiệm vụ. Công tác tổ chức, xây dựng Đảng; sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị theo hướng tinh gọn, được thực hiện đồng bộ, phù hợp với yêu cầu, đạt kết quả tích cực.
Cụ thể, theo Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc Hoàng Thị Thúy Lan, công tác tổ chức, xây dựng Đảng; sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị theo hướng tinh gọn được thực hiện đồng bộ, phù hợp với sự phát triển. Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm của cả nhiệm kỳ và đã tập trung quyết liệt triển khai các nhiệm vụ, giải pháp xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo của Đảng. Các cấp ủy, tổ chức đảng đã thực hiện tốt Đề án số 04-ĐA/TU và Kết luận số 13-KL/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về nâng cao chất lượng chi bộ đảng trong sạch vững mạnh giai đoạn 2017-2020; coi chi bộ là hạt nhân lãnh đạo toàn diện các mặt công tác; chất lượng của chi ủy, chi bộ từng bước được nâng lên. Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Hướng dẫn một số vấn đề về nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ và tiêu chí đánh giá chất lượng sinh hoạt chi bộ đối với 4 loại hình chi bộ trong Đảng bộ tỉnh, do đó chất lượng sinh hoạt chi bộ ngày càng đáp ứng yêu cầu xây dựng Đảng. Công tác phát triển đảng viên được quan tâm, bình quân mỗi năm kết nạp được 2.389 đảng viên (MTĐH: 2.300 đảng viên/ năm). Việc rà soát, sàng lọc, đưa đảng viên không còn đủ tư cách ra khỏi Đảng được thực hiện nghiêm túc.
Trong nhiệm kỳ, Đảng bộ tỉnh đã sáp nhập 2 đảng bộ trực thuộc Tỉnh ủy, giải thể 100% chi bộ đảng cơ quan xã và 126/137 chi bộ đảng quân sự xã, phường, thị trấn. Các chỉ tiêu về xây dựng Đảng đều vượt mục tiêu Nghị quyết Đại hội đề ra.
Thực hiện Nghị quyết số 39-NQ/TW của Bộ chính trị, Nghị quyết 18-NQ/TW, Nghị quyết 19 - NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương (khoá XII), Ban Thường vụ Tỉnh ủy xây dựng và thực hiện Đề án số 01-ĐA/TU về sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ công chức, viên chức tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2016-2021 và đã lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện vượt kế hoạch đề ra, khắc phục sự chồng chéo, giảm nhiều đầu mối, tinh giản nhiều biên chế; mỗi năm tiết kiệm chi ngân sách được hàng trăm tỷ đồng.
Đặc biệt, theo Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Thị Thúy Lan, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã chủ động sàng lọc, bổ nhiệm, điều động, luân chuyển cán bộ. Kiên quyết, nghiêm minh trong thi hành kỷ luật, điều chuyển, thay thế đối với những cán bộ lãnh đạo, quản lý hạn chế về năng lực, tín nhiệm thấp, có nhiều dư luận không tốt, biểu hiện trì trệ. Mạnh dạn đề bạt cán bộ trẻ, cán bộ nữ có năng lực. Thực hiện nghiêm các quy định về bảo vệ chính trị nội bộ và chính sách cán bộ.
Công tác kiểm điểm, tự phê bình và phê bình tập thể, cá nhân được thực hiện nghiêm túc, chặt chẽ và có nhiều đổi mới; mở rộng đối tượng kiểm điểm đến tập thể và cá nhân (Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ từ tỉnh đến cơ sở). Đặc biệt, quy rõ trách nhiệm cá nhân đối với những khuyết điểm của tập thể và yêu cầu có kế hoạch khắc phục. Việc đánh giá, xếp loại tổ chức đảng, đảng viên và tập thể, cá nhân lãnh đạo quản lý trong những năm gần đây được thực hiện nghiêm túc, khách quan, thực chất hơn, không chạy theo thành tích. Công tác thi đua, khen thưởng được thực hiện đảm bảo, đúng quy định.
Công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật của Đảng đổi mới theo hướng có trọng tâm, trọng điểm, không có “vùng cấm” theo đúng quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước. Cấp ủy, ban thường vụ cấp ủy và ủy ban kiểm tra các cấp có nhiều đổi mới trong việc xây dựng chương trình kiểm tra, giám sát hằng năm, tránh sự trùng lặp về nội dung, đối tượng kiểm tra, giám sát và theo đúng quan điểm chỉ đạo “giám sát phải mở rộng, kiểm tra phải có trọng tâm, trọng điểm”.
Với quan điểm “không có vùng cấm, không có ngoại lệ”, Ban Thường vụ Tỉnh ủy và cấp ủy các cấp đã tiến hành kiểm tra, giám sát đối với 6.014 tổ chức đảng, 5.953 đảng viên (tăng 6,6% số tổ chức đảng, tăng 5,8% số đảng viên so với nhiệm kỳ trước); trong đó: Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã thành lập 23 đoàn kiểm tra, giám sát việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4, khóa XII gắn với công tác cán bộ, Chỉ thị 05-CT/TW và các quy định về nêu gương; tiến hành 06 cuộc kiểm tra, giám sát đối với Đảng đoàn HĐND tỉnh, Ban cán sự đảng UBND tỉnh về thực hiện các Nghị quyết của Tỉnh ủy trong phát triển kinh tế - xã hội; kiểm tra việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khoá XII gắn với trách nhiệm nêu gương đối với một số đồng chí cấp ủy viên, cán bộ thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý. Lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện nghiêm túc việc khắc phục những khuyết điểm, vi phạm và xem xét trách nhiệm, xử lý kỷ luật các tổ chức đảng, đảng viên có khuyết điểm, vi phạm đã được Ủy ban Kiểm tra Trung ương kết luận. Ủy ban kiểm tra các cấp tiến hành kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với 484 tổ chức đảng cấp dưới và 1.016 đảng viên.
Cấp ủy các cấp đã thi hành kỷ luật đối với 29 tổ chức đảng (tăng 12,5% so với nhiệm kỳ trước), đặc biệt, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy và Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy xem xét, xử lý kỷ luật đối với 4 tổ chức đảng và 33 đảng viên, trong đó có 11 đồng chí Tỉnh ủy viên và nguyên Tỉnh ủy viên; sau kỷ luật, đã cho thôi giữ chức vụ, điều chuyển công tác khác đối với 07 đồng chí cán bộ thuộc diện Ban thường vụ Tỉnh ủy quản lý. Cấp ủy các cấp, Ủy ban kiểm tra các cấp đã thi hành kỷ luật bằng nhiều hình thức đối với 1.643 đảng viên.
Công tác kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật Đảng của Đảng bộ tỉnh đã trực tiếp, thiết thực, cảnh tỉnh và răn đe đối với các biểu hiện vi phạm; nâng cao nhận thức và ý thức trách nhiệm của mỗi cán bộ, đảng viên, nhất là đội ngũ cán bộ chủ chốt các cấp trong rèn luyện phẩm chất đạo đức và thi hành công vụ; giữ nghiêm kỷ luật, kỷ cương của Đảng, pháp luật của Nhà nước; tác động rõ nét trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí; tạo chuyển biến tích cực trong hệ thống chính trị, củng cố niềm tin của Nhân dân đối với Đảng.
Ngoài ra, Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Thị Thúy Lan cũng cho biết công tác dân vận cũng ngày càng đổi mới theo hướng sát dân, sát cơ sở; huy động được sự tham gia của cả hệ thống chính trị, nâng cao hiệu quả công tác dân vận chính quyền, tạo được niềm tin, sự đồng thuận của Nhân dân trong thực hiện các nhiệm vụ chính trị. Các cấp ủy kịp thời cụ thể hóa, chỉ đạo thực hiện các chủ trương, chính sách của Trung ương, của Tỉnh uỷ về công tác dân vận, công tác dân tộc và tôn giáo phù hợp với thực tiễn của tỉnh, góp phần tạo sự đồng thuận xã hội, phát huy khối đại đoàn kết toàn dân, thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ trên tất cả các lĩnh vực. Nội dung, phương pháp công tác dân vận được đổi mới phong phú, có chiều sâu, tác động tích cực đến vai trò nêu gương, đề cao trách nhiệm cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu trước nhân dân. Thực hiện nghiêm Quy chế tiếp dân, đối thoại trực tiếp giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với Nhân dân qua đó tiếp thu, chỉ đạo giải quyết những ý kiến và nguyện vọng chính đáng của Nhân dân.
Việc xây dựng và thực hiện Quy chế Dân chủ ở cơ sở với phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” được thực hiện tốt, có chuyển biến tích cực về nhận thức và việc làm cụ thể; vai trò của các ban thanh tra nhân dân, ban giám sát đầu tư cộng đồng tiếp tục được phát huy. Phong trào thi đua “Dân vận khéo” được chỉ đạo triển khai sâu rộng, xuất hiện nhiều mô hình, điển hình hiệu quả, có sức lan tỏa trong nhân dân.
Về công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí được chú trọng, góp phần xây dựng Đảng và hệ thống chính trị các cấp trong sạch, vững mạnh. Các chủ trương của Trung ương về phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí được triển khai, thực hiện nghiêm túc, quyết liệt. Việc tuyên truyền, quán triệt nâng cao nhận thức, xác định rõ trách nhiệm của từng tổ chức, cá nhân, đến các giải pháp cụ thể được thực hiện khá đồng bộ, đã đạt kết quả tích cực. Các vụ việc liên quan đến tham nhũng có chiều hướng giảm; hoạt động quản lý của các cơ quan nhà nước ngày càng chặt chẽ, công khai, minh bạch hơn; công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát nhằm phát hiện tham nhũng được tăng cường; chỉ đạo và xử lý nghiêm các hành vi tham nhũng; công tác điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng và thu hồi tài sản do tham nhũng được quan tâm chỉ đạo và có nhiều chuyển biến rõ rệt.
Có thể nói, phương thức lãnh đạo của cấp ủy tiếp tục đổi mới trên tất cả các phương diện, ngày càng phong phú, phù hợp và hiệu quả. Trong nhiệm kỳ, phương thức lãnh đạo của Đảng về nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội tiếp tục được đổi mới, tập trung lãnh đạo, tháo gỡ khó khăn, bám sát tiến độ, kết quả. Trong lãnh đạo, điều hành luôn giữ vững nguyên tắc tổ chức, hoạt động của Đảng và Quy chế làm việc của Tỉnh ủy, mở rộng dân chủ, tăng cường thảo luận, tranh luận để thống nhất, tập trung và quyết định. Việc phân công nhiệm vụ rõ ràng, minh bạch; không buông lỏng, coi nhẹ nhưng cũng không bao biện, làm thay, “lấn sân” các công việc không thuộc thẩm quyền và trách nhiệm. Hoạt động chất vấn trong Đảng được chú trọng.
Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy chủ động trong xây dựng chương trình toàn khoá; trọng tâm là phát triển kinh tế - xã hội và công tác xây dựng Đảng. Trên cơ sở các mục tiêu, nhiệm vụ trong các nghị quyết của Trung ương và Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI đề ra, lựa chọn những vấn đề lớn, trọng tâm, nổi bật để bàn bạc, thống nhất và ra các quyết nghị phù hợp. Hằng tháng, hằng quý đều lựa chọn các vấn đề quan trọng, vấn đề nóng, bức xúc trong đảng, hệ thống chính trị, trong nhân dân để đưa ra thảo luận và ban hành các văn bản lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện. Chú trọng đổi mới phương pháp lãnh đạo, phân công các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy thường xuyên chỉ đạo, theo dõi, đôn đốc việc thực hiện, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc của các cơ quan, đơn vị; chấn chỉnh kịp thời nhiều vướng mắc, hạn chế, yếu kém. Lãnh đạo cơ quan chính quyền cụ thể hóa các cơ chế, chính sách, giải pháp để thực hiện theo đúng chức năng, nhiệm vụ khá toàn diện. Kiên trì đổi mới phương pháp, phong cách, lề lối làm việc, cải cách hội họp, sơ kết, tổng kết, tránh hình thức trong các cơ quan đơn vị, tạo chuyển biến mạnh mẽ, tích cực trong thi hành công vụ, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ của Đảng đề ra.