Vĩnh Tường được mùa lúa

Thứ năm, 08/07/2010 21:24

Mấy năm gần đây, sản xuất nông nghiệp của huyện Vĩnh Tường chịu tác động lớn của biến đổi khí hậu, thời tiết diễn biến thất thường, trái quy luật. Năm 2006, mưa đá tàn phá cây trồng. Năm 2007, tiết trời ấm quá, không thuận lợi cho sản xuất vụ xuân... Thế nhưng, vụ chiêm xuân 2009 - 2010 này thì Vĩnh Tường lại được được mùa lúa.

Năm tiếp sau, rét đậm kéo dài kỷ lục kèm theo mưa lớn vào mùa đông. Vụ sản xuất chiêm xuân 2009-2010 diễn ra trong thời tiết khô hạn, mực nước trên các sông hồ đều cạn kiệt ảnh hưởng lớn đến làm đất và gieo trồng. Vượt qua khó khăn về thời tiết, các cấp uỷ Đảng, chính quyền và nông dân huyện Vĩnh Tường đã huy động mọi nguồn lực, sản xuất thành công vụ chiêm xuân- vụ lúa quan trọng nhất trong năm, bảo đảm an ninh lương thực, bổ sung nguồn lương thực dồi dào vào thị trường trong tỉnh và khu vực.

Bí quyết được mùa của Vĩnh Tường, trước hết là do các địa phương trong huyện đã quy hoạch các vùng sản xuất, gắn với chuyển đổi, dồn ghép ruộng đất, hình thành các vùng sản xuất hàng hoá. áp dụng nhanh các tiến bộ KHKT vào sản xuất. Mở rộng diện tích lúa xuân muộn, lúa lai, lúa thuần cao sản, lúa chất lượng cao, ổn định sản xuất 3 vụ/ năm. Nhờ vậy, dù diện tích gieo trồng ngày càng giảm, nhưng tổng sản lượng lương thực có hạt năm 2010 ước đạt 88 ngàn tấn, tăng 4 ngàn tấn so với mục tiêu Đại hội 23. Sản xuất nông nghiệp của Vĩnh Tường có bước chuyển dịch nhanh theo hướng chất lượng và hiệu quả.

Về Vĩnh Tường vào thời điểm các địa phương Đại hội Đảng bộ cấp cơ sở, bà con nông dân đang xuống đồng gặt rộ, đúng là “3 tháng trông cây, 1 ngày trông quả”. Ở đâu cũng thấy rộn rã tiếng cười trong không khí hồ hởi của ngày vui được mùa. Các đồng chí lãnh đạo Phòng Nông nghiệp huyện cho biết: Năm nay vào vụ xuân ấm, nếu không có giải pháp điều chỉnh thâm canh ngay từ đầu vụ thì không thể đạt năng suất cao nhất tỉnh (65,29 tạ/ha) như vậy. Theo dự báo thời tiết vụ xuân ấm và hạn, Phòng Nông nghiệp huyện đã xây dựng lịch gieo cấy cụ thể, phù hợp và các biện pháp kỹ thuật thâm canh. Huyện tập trung chỉ đạo quyết liệt thời vụ gieo cấy “nhất thì nhì thục” vào cuối khung thời vụ của Ngành Nông nghiệp. Lúa xuân muộn gieo từ 1 -5/2, cấy từ 25/2 -10/3, lúa trỗ vào đầu tháng 5. Lo lắng nhất về thâm canh lúa xuân năm nay là trong thời tiết ấm và hạn, lúa nước mà không có nước là lúa chết. Huyện đã chủ động tổ chức dịch vụ cung cấp nước tưới, bố trí giống xuân muộn trên 90% để khắc phục tình trạng lúa rút ngắn thời gian sinh trưởng 5-7 ngày so với mọi năm do thời tiết ấm. Đồng thời là các giải pháp điều chỉnh thâm canh như lượng phân bón cho từng trà, từng giống, bón cân đối, bón tập trung, tăng mật độ cấy, kết hợp với điều tiết nước hợp lý. Tạo điều kiện cho trà xuân muộn chỗ tập trung từ 5-15/5, đây là thời điểm thuận lợi nhất cho lúa thụ phấn đông sữa, giúp cây lúa có tỷ lệ hạt mẩy cao. Năng suất đạt đến 67,22 tạ/ha (cao nhất từ trước tới nay).

Vụ chiêm xuân 2009-2010, diện tích gieo trồng toàn huyện trên 8.428 ha (gồm lúa, ngô, đậu tương, lạc, khoai lang và một số cây trồng khác) giảm so với cùng kỳ 189,6 ha. Riêng diện tích lúa (là cây trồng chủ lực) trên 6.541 ha, giảm so với cùng kỳ 233,2 ha. Trong đó lúa xuân muộn 5.591 ha, xuân sớm 771,45 ha. Sản lượng lúa đạt 42.894 tấn, tăng so với kế hoạch 1.031 tấn. Vấn đề quan tâm hiện nay của Vĩnh Tường không chỉ là tiềm năng, năng suất mà là chất lượng và giá trị hạt gạo trên thị trường. Ngành Nông nghiệp huyện đã triển khai mở rộng các mô hình trình diễn về mật độ cấy hợp lý và điều tiết nước giai đoạn cuối đẻ nhánh để thâm canh lúa cao sản diện tích 1.320 ha, vùng trồng trọt sản xuất hàng hoá chất lượng cao HT1 trên 562,15 ha ( tăng so với cùng kỳ 308,15 ha), lúa thuần năng suất cao TBR-1 trên 142,8 ha và lúa lai Nghi hương 2308 diện tích 125,1ha. Hiện nay, gạo Hương thơm số 1 (HT1), Nghi Hương 2308, Syn6 dẻo thơm đang được ưa chuộng trên thị trường tiêu thụ, giá bán cao gấp rưỡi đến 2 lần lúa tạp giao. Diện tích cấy giống lúa tạp giao giảm nhanh để nhường chỗ gieo cấy lúa năng suất cao, chất lượng cao. Huyện đang xem xét mở rộng các loại diện tích lúa này trên cơ sở đánh giá nhu cầu tiêu thụ cho phù hợp, khắc phục nhược điểm dễ bị sâu bệnh và thâm canh khó.

Nhìn lại các vụ lúa chiêm xuân vừa qua, một số chuyên gia về nông nghiệp của tỉnh và ngành nông nghiệp Vĩnh Tường có chung nhận xét : Đó là thắng lợi nhờ nỗ lực của Nhà nước và nông dân. Bình tĩnh, chủ động đối phó với thời tiết khắc nghiệt, khẳng định kết quả làm vụ chiêm xuân muộn và tác động tích cực của TBKT. Kết quả sản xuất lúa xuân ở Vĩnh Tường còn cho thấy, dù chịu ảnh hưởng của biến động thời tiết, nhưng nếu chủ động khâu thời vụ, chuyển đổi giống và cơ cấu giống hợp lý, kết hợp thâm canh vẫn làm nên một vụ lúa thắng lợi về năng suất và giá trị thu nhập.

 

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực