Đó là một trong những nội dung của Kế hoạch triển khai phòng trừ bệnh lùn sọc đen hại lúa năm 2019 trên địa bàn huyện Vĩnh Tường.
Ảnh minh họa (Ảnh: BT) Căn cứ kế hoạch số 55/KH-SNN&PTNT ngày 26/11/2018 của Sở NN&PTNT tỉnh Vĩnh Phúc về việc phòng trừ bệnh lùn sọc đen hại lúa năm 2019 trên địa bàn tỉnh, đồng thời để chủ động và ngăn chặn kịp thời bệnh lùn sọc đen hại lúa trên địa bàn huyện, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại gây ra, UBND huyện Vĩnh Tường đã ban hành Kế hoạch phòng trừ bệnh lùn sọc đen hại lúa năm 2019 trên địa bàn huyện.
Mục đích nhằm ngăn chặn bệnh lùn sọc đen phát sinh, phát triển trên đồng ruộng, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do bệnh gây ra đối với cây lúa trên địa bàn huyện. Tổ chức chỉ đạo, phòng trừ có hiệu quả bệnh lùn sọc đen và rầy lưng trắng là môi giới truyền bệnh, không để bệnh lây lan ra diện rộng, phát triển thành dịch, góp phần đảm bảo năng suất, chất lượng sản phẩm.
Về nội dung triển khai, tuyên truyền về bệnh lùn sọc đen gây hại và rầy lưng trắng là môi giới truyền bệnh. Trong đó, bệnh lùn sọc đen là loại bệnh rất nguy hiểm, lây lan nhanh. Hiện nay, chưa có thuốc đặc hiệu để phòng trừ bệnh, do vậy, công tác thông tin tuyên truyền về cách nhận biết, phát hiện kịp thời rầy lưng trắng, triệu chứng bệnh, thời điểm rầy di trú, các biện pháp phòng chống, tổ chức tiêu hủy kịp thời dảnh, khóm lúa bị bệnh.
Về hình thức tuyên truyền, thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, hệ thống truyền thanh cơ sở, các hội nghị tập huấn,… hướng dẫn nông dân cách nhận biết, tác hại của rầy lưng trắng, bệnh lùn sọc đen trong sản xuất lúa nhằm chủ động phòng chống bệnh kịp thời, hiệu quả.
Bố trí thời vụ hợp lý, gieo trồng tập trung, sử dụng giống ngắn ngày, giống có khả năng kháng bệnh và kháng rầy lưng trắng. Để phòng trừ bệnh lùn sọc đen có hiệu quả cần triển khai thực hiện các biện pháp quản lý dịch hại tổng hợp,…để cây trồng khỏe nhằm nâng cao sức chống bệnh và các điều kiện ngoại cảnh bất lợi. Xây dựng và chuyển giao các mô hình sản xuất cánh đồng lớn, ứng dụng khoa học kỹ thuật, sản xuất theo quy trình hữu cơ, quy trình sạch để bảo vệ và giữ cân bằng hệ sinh thái đồng ruộng.
Về các biện pháp phòng bệnh, vệ sinh đồng ruộng, cày vùi gốc rạ, không để lúa tái sinh tại các vùng có nguồn bệnh. Phát sạch cỏ dại ở bờ ruộng, bờ mương, máng, thu dọn tàn dư cây trồng, không sử dụng giống lúa đã nhiễm bệnh lùn sọc đen, tăng cường sử dụng các giống kháng, giống chịu hoặc ít nhiễm rầy.
Về quy mô, địa điểm: áp dụng cho toàn bộ diện tích trồng lúa trên địa bàn huyện, trong đó, triển khai xử lý hạt giống trước khi ngâm ủ, sau mỗi vụ thu hoạch, vệ sinh đồng ruộng nhằm đảm bảo không để gốc rạ, lúa chết bị bệnh lùn sọc đen tồn tại trên đồng ruộng.
Trước khi cấy đảm bảo 100% diện tích mạ có triệu chứng bệnh và rầy lưng trắng mang vi rút nguồn bệnh được phun thuốc trừ rầy, các đợt phun trừ tiếp theo phải tuân thủ nghiêm theo đúng hướng dẫn của cơ quan chuyên môn./.