Ngày 1/6/2010, BTV Tỉnh ủy tổ chức hội nghị giới thiệu quy hoạch xây dựng đô thị Vĩnh Phúc đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
|
Đồng chí Trịnh Đình Dũng, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Xây dựng phát biểu tại hội nghị |
Tới dự có các đồng chí: Trịnh Đình Dũng, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Xây dựng, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng Đoàn ĐBQH khóa XII của tỉnh; Phạm Văn Vọng, Bí thư Tỉnh ủy; Nguyễn Ngọc Phi, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Nguyễn Văn Chức, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy; các đồng chí trong BTV Tỉnh ủy; các đồng chí nguyên là lãnh đạo Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh; lãnh đạo các sở, ban, ngành của tỉnh…
Phát biểu khai mạc hội nghị, Bí thư Tỉnh ủy Phạm Văn Vọng nhấn mạnh: quy hoạch đô thị có ảnh hưởng lớn đến sự phát triển KT-XH. Vì vậy, công tác quy hoạch cần đi trước một bước để khai thác đầy đủ tiềm năng, lợi thế của tỉnh, tạo đà phát triển bền vững. Trên cơ sở phân tích, đánh giá hiện trạng đất sử dụng, công trình hạ tầng xã hội, hạ tầng giao thông công cộng, hạ tầng kỹ thuật, khả năng thu hút đầu tư và kinh nghiệm của các thành phố hiện đại, quy hoạch tổng thể đô thị Vĩnh Phúc sẽ có 3 vùng đô thị: vùng đô thị tập trung với hai trung tâm là Vĩnh Yên và Phúc Yên; vùng nông, lâm, thủy sản với 5 trung tâm: Lập Thạch, Hợp Hòa, Tam Sơn, Vĩnh Tường, Yên Lạc và vùng bảo tồn thiên nhiên, phát triển du lịch với Tam Đảo là trung tâm. Năm 2030 Vĩnh Phúc sẽ trở thành đô thị loại I với diện tích hơn 300 km2. Đến năm 2050, Vĩnh Phúc sẽ có cấu trúc hạ tầng kinh tế bền vững, ổn định với cuộc sống đầy đủ, tiện nghi.
Tại hội nghị, Sở Xây dựng đề xuất 5 nguyên tắc cơ bản gồm: mở rộng phạm vi đô thị hoá trên nền tảng lấy thành phố Vĩnh Yên và thị xã Phúc Yên làm hạt nhân để xây dựng đô thị loại I; lựa chọn cấu trúc đô thị tập trung thay cho giải pháp phát triển phân tán trước đây; lựa chọn mô hình cấu trúc đô thị đồng tâm, trên cơ sở gắn kết 3 thành phần không gian chính là “Dân cư - Bảo tồn thiên nhiên - Công nghiệp”; tạo lập vành đai xanh bảo vệ đô thị và giữ gìn cân bằng sinh thái; hình thành trục tâm linh Bắc - Nam, kết nối giá trị lịch sử tâm linh với đời sống đô thị - văn hóa nghệ thuật và thiên nhiên.
Các ý kiến tham gia tại hội nghị quan tâm đến vấn đề bảo vệ môi trường, xử lý chất thải công nghiệp, cấp, thoát nước, cơ cấu dân cư, việc quy hoạch xây dựng các công trình trọng tâm, trọng điểm, giữ gìn các thiết chế văn hóa, tín ngưỡng, giữ vững kết cấu tự nhiên, tận dụng những yếu tố thuận lợi của các địa phương, bố trí hợp lý các khu, cụm công nghiệp, ưu tiên phát triển công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp chế tạo…
Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Trịnh Đình Dũng, Ủy viên Trung ương Đảng,Thứ trưởng Bộ Xây dựng cho rằng: xu hướng đô thị hóa đang phát triển mạnh ở các nước trên thế giới; để áp dụng những kinh nghiệm đó, Vĩnh Phúc phải chủ động lập quy hoạch tổng thể thiết kế, xây dựng đồng bộ, tránh lãng phí trong việc sửa đổi thiết kế xây dựng trong tương lai, đảm bảo hài hòa cuộc sống con người với thiên nhiên. Đô thị Vĩnh Phúc những năm 2050 sẽ là đối trọng của Thủ đô Hà Nội, nhưng cũng làm giảm sự quá tải về không gian sống, nhu cầu vui chơi giải trí cho Thủ đô, do vậy đô thị Vĩnh Phúc phải đảm bảo môi trường, chất lượng sống. Đây là hạt nhân vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, đầu mối quan trọng về QP-AN của cả nước nên cần xem xét kỹ tính khả thi trong từng công trình trình cụ thể.