Thứ năm, 11/08/2011 15:38 (GMT+7)
|
Nghề sản xuất bông, chăn ga, gối, đệm… ở thôn Gia (Yên Đồng) |
Trở lại Yên Đồng (Vĩnh Phúc) trong những ngày đầu tháng 8 chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng bởi sự đổi thay ở đây. Những ngôi nhà cao tầng được mọc lên san sát, đường bê tông được trải dài thẳng tắp. Từ một xã thuần nông với nhiều khó khăn, nhờ phong trào toàn dân đoàn kết phát triển kinh tế, xây dựng đời sống văn hóa mà cuộc sống bà con nhân dân đã có chuyển biến tích cực.
Phát huy truyền thống vẻ vang, bước vào thời kỳ đổi mới, Đảng bộ và nhân dân Yên Đồng nay đã có sự đổi thay, đổi thay trong cách nghĩ, cách làm. Sự đoàn kết một lòng giữa Đảng bộ và nhân dân cùng nhau vượt qua nhiều khó khăn thách thức, tìm những hướng đi phù hợp để xây dựng quê hương ngày càng phồn vinh. Những năm qua, để chỉ đạo phát triển kinh tế, xã luôn phát huy thế mạnh ở địa phương, chú trọng phát triển các làng nghề tiểu thủ công nghiệp được xác định là mũi nhọn đột phá kinh tế địa phương. Trong đó có làng nghề sản xuất chăn, ga, gối, đệm, màn, rèm... ở thôn Gia, thôn Mới và thu gom phế liệu nhựa ở thôn Đông Mẫu đang được phục dựng và phát triển với quy mô lớn. Nhiều hộ gia đình đã mở rộng sản xuất, đầu tư trang bị máy móc, đổi mới công nghệ, dây truyền sản xuất nâng cao chất lượng hàng hóa và thành lập doanh nghiệp như gia đình các ông: Nguyễn Văn Tuấn, Nguyễn Khắc Thức, Dương Quang Hùng ở thôn Gia, gia đình anh Ngọc Chức, thôn Yên Tâm mỗi năm thu nhập hàng tỷ đồng. Mỗi năm giải quyết cho hàng nghìn lao động, nâng cao đời sống nhân dân. Từ đó làng nghề chăn bông đã trở thành địa chỉ quen thuộc của nhiều bạn hàng từ Nam ra Bắc và dần khẳng định được thương hiệu trên thị trường.
Trong phát triển nông nghiệp, xã vận động bà con nông dân tích cực chuyển đổi dồn ghép ruộng đất, quy hoạch vùng trồng trọt sản xuất hàng hóa tập trung. Yên Đồng là một trong những xã đi đầu trong phong trào dồn nghép ruộng đất. Hiện nay, xã quy hoạch được 3 khu chăn nuôi tập trung với tổng điện tích 120 ha, có gần chục hộ gia đình chăn nuôi theo hướng công nghiệp hoá tập trung cho thu nhập bình quân 80 - 90 triệu đồng/năm. Xã còn vận động nhân dân cải tạo vùng đất trũng chuyển từ một vụ lúa không ăn chắc sang một vụ lúa một vụ cá. Đến nay có 85 trang trại với diện tích thả cá 157,5 ha, sản lượng cá ước đạt 432 tấn. Trong 6 tháng đầu năm, giá trị phát triển kinh doanh thương mại - dịch vụ toàn xã đạt 16 tỷ đồng với gần 90 hộ gia đình phát triển buôn bán và có trên 900 lao động đi làm ăn xa. Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân đạt 16,45%/năm.
Kinh tế phát triển, đời sống nhân dân ngày càng được nâng cao, tỷ lệ hộ nghèo giảm, tỷ lệ hộ khá, giàu tăng cao, đã có trên 98% số hộ có tivi, 90% số hộ có xe máy, sử dụng điện thoại, 95% hộ gia đình đạt GĐVH, 6/8 làng văn hoá cấp tỉnh. Xã đầu tư hàng tỷ đồng xây dựng các công trình phúc lợi xã hội đáp ứng nhu cầu của nhân dân như: Xây dựng và kiên cố được 1.300 kênh loại 3, xây mới 2 trạm bơm điện, trường mầm non, trường tiểu học, THCS và nâng cấp cải tạo các đường giao thông quan trọng. 100% thôn có đường bê tông đẹp, 8/8 thôn có nhà văn hoá. Sự nghiêp chăm sóc sức khoẻ nhân dân được chú trọng, tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng, sinh con thứ 3 giảm. Phong trào đền ơn đáp nghĩa, giúp đỡ người không nơi nương tựa luôn được chú trọng. Hàng năm, vào các dịp lễ, tết, các hội đoàn thể trong xã đều đến thăm hỏi và tặng quà cho các gia đình có công với cách mạng, gia đình neo đơn, tàn tật. Xã đầu tư, xây dựng 5 nhà tình nghĩa cho các đối tượng chính sách, sửa chữa nghĩa trang liệt sỹ. An ninh chính trị trật tự an toàn xã hội ở địa phương được đảm bảo.