Ảnh minh họa (Ảnh: HH)
Triển khai xây dựng Nông thôn mới, diện mạo nông thôn của huyện Yên Lạc đã đổi thay rõ nét. 100% trường học trên địa bàn huyện đạt chuẩn Quốc gia; 100% đường giao thông liên thôn, liên xã được bê tông hóa; 100% xã đạt chuẩn quốc gia về y tế; tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế đạt trên 80%; đời sống vật chất tinh thần của người dân không ngừng được nâng lên.
Kết quả đạt được trong xây dựng nông thôn mới là tiền đề quan trọng để huyện Yên Lạc tiếp tục phát huy sức mạnh tổng hợp, giữ vững và phát huy các tiêu chí nông thôn mới. Trong đó, Yên Lạc luôn chú trọng phát triển kinh tế đi đôi với công tác bảo vệ môi trường, góp phần giữ vững và nâng cao chất lượng các tiêu chí xây dựng nông thôn mới.
UBND huyện Yên Lạc đã triển khai các nhiệm vụ, giải pháp giảm thiểu ô nhiễm môi trường; tăng cường quản lý, sử dụng tài nguyên. Đồng thời, chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn hướng dẫn các xã, thị trấn trong việc thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải, xây dựng các bãi xử lý rác tạm tại các xã; cải tạo, xây dựng rãnh thoát nước thải từ kinh phí hỗ trợ của UBND tỉnh…Nhờ vậy, Yên Lạc cơ bản giải quyết được tình trạng ô nhiễm môi trường tại các địa phương.
Yên Lạc đã phát động và duy trì vệ sinh môi trường thường xuyên, lấy ngày mùng 5 hàng tháng là “Ngày toàn dân tham gia tổng vệ sinh đường làng, ngõ xóm”; triển khai đồng bộ ở tất cả các khu dân cư thực hiện mô hình “Khu dân cư tự quản bảo vệ môi trường”. Các hộ gia đình cũng đã tự giác vệ sinh gọn gàng khu vực đường làng, ngõ xóm xung quanh khu vực mình sinh sống.
Đến nay, trên địa bàn huyện đã quy hoạch 72 bãi xử lý rác thải tại 17 xã, thị trấn; 15/17 xã, thị trấn thành lập được hợp tác xã vệ sinh môi trường; 100% thôn, xóm có tổ vệ sinh môi trường thực hiện thu gom rác thải sinh hoạt định kỳ ít nhất 2 lượt/tuần. Huyện cũng đã đầu tư xây dựng 14 trạm xử lý rác thải hữu cơ, 9 lò đốt rác thải bằng khí tự nhiên NFi-05 tại các xã: Tam Hồng, Yên Đồng, Liên Châu, Nguyệt Đức, Đồng Văn, Đại Tự, Yên Phương và thị trấn Yên Lạc.
Việc xử lý rác thải tại lò đốt đạt hiệu quả, hằng tháng, các lò đốt rác thải xử lý được khoảng 45 tấn rác thải và có thể xử lý được cả rác thải hữu cơ và vô cơ. Việc triển khai lắp đặt lò đốt rác thải bằng khí tự nhiên đã hạn chế diện tích đất chôn lấp rác thải vô cơ, góp phần bảo vệ môi trường, phát triển bền vững; phù hợp cho địa bàn sản xuất nông nghiệp và tiểu thủ công nghiệp có lượng rác thải vô cơ như vải vụn, nilon, gỗ; tỷ lệ rác thải được xử lý trên địa bàn đạt 95%.
Để tiếp tục nâng cao tiêu chí môi trường, thời gian tới, huyện Yên Lạc tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhân dân nâng cao ý thức, trách nhiệm bảo vệ môi trường; tiếp tục chỉ đạo các xã, thị trấn huy động các nguồn lực để đầu tư thêm cơ sở hạ tầng cho công tác vệ sinh môi trường như phương tiện thu gom, vận chuyển, lò đốt rác chạy bằng khí tự nhiên. Đồng thời, tiếp tục có các giải pháp hiệu quả nhất để bảo vệ môi trường vì mục tiêu bền vững.
Ảnh minh họa (Ảnh: BT)
Bên cạnh đó, triển khai giải quyết vấn đề nợ đọng trong xây dựng Nông thôn mới, Yên Lạc đang phấn đấu trong năm 2018 sẽ giải quyết dứt điểm nợ xây dựng cơ bản từ nông thôn mới.
Mặc dù đã được công nhận huyện nông thôn mới từ cuối năm 2015 nhưng ở thời điểm đó, huyện Yên Lạc vẫn còn trên 55 tỷ đồng nợ đọng từ chương trình này. Với nhiều giải pháp được triển khai quyết liệt nhằm không để phát sinh nợ mới, từng bước giải quyết nợ cũ, đến nay, số nợ xây dựng cơ bản từ xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện đã giảm mạnh. Ngay sau khi được công nhận huyện nông thôn mới, UBND huyện Yên Lạc đã xác định rõ nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng nợ đọng cơ bản xây dựng nông thôn mới là do trong thời gian ngắn, các ngành, địa phương trong huyện phải dồn sức đầu tư các hạng mục công trình công cộng để đáp ứng các tiêu chí xây dựng nông thôn mới trong khi nguồn thu ngân sách còn thấp.
Một số xã chưa làm tốt công tác quy hoạch, dự toán dẫn tới tình trạng công trình xây dựng vượt chuẩn theo quy định, số vốn đầu tư “chênh” quá lớn so với nguồn lực địa phương; cơ chế hỗ trợ đầu tư của Trung ương, của tỉnh đối với các hạng mục còn thấp so với chi phí đầu tư thực tế; nguồn lực từ sự đóng góp của nhân dân hạn chế.
Trong khi đó, phần lớn các xã chỉ trông chờ vào nguồn thu từ bán đấu giá quyền sử dụng đất để trang trải nợ đọng xây dựng cơ bản. Từ đó, huyện đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo các địa phương tập trung khai thác các nguồn thu tại chỗ từ bán đấu giá quyền sử dụng đất, nguồn vượt thu ngân sách hằng năm, nguồn vốn hỗ trợ xây dựng nông thôn mới của Trung ương và của tỉnh, quyết tâm giải quyết những tồn tại, không để phát sinh thêm nợ đọng xây dựng cơ bản.
Một trong những giải pháp được huyện chỉ đạo các đơn vị, địa phương thực hiện là không khởi công xây dựng các dự án mới nếu chưa thực sự cần thiết, chỉ khởi công các công trình khi đã cân đối đủ nguồn vốn. Đồng thời, tăng cường công tác quản lý, rà soát, cân đối nguồn vốn nhằm hạn chế tình trạng đầu tư dàn trải; đôn đốc các nhà thầu tập trung quyết toán các công trình đã hoàn thành, tránh tình trạng đã đưa vào sử dụng mà chưa được quyết toán, nợ đọng kéo dài, gây bức xúc trong nhân dân. Với cách làm này, đến cuối tháng 11/2017, Yên Lạc đã giải quyết xong trên 43 tỷ đồng nợ đọng xây dựng cơ bản, toàn huyện chỉ còn lại hơn 12 tỷ đồng nợ đọng xây dựng cơ bản nông thôn mới, riêng cấp huyện đã giải quyết xong.
Thời điểm này, huyện đang tích cực chỉ đạo các ban, ngành, các xã tập trung rà soát, thống kê, đôn đốc các nhà thầu đẩy nhanh quá trình quyết toán; cân đối, bố trí nguồn vốn hỗ trợ các xã khó khăn. Đồng thời, chú trọng huy động nguồn lực xã hội hóa; đẩy mạnh các giải pháp phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân, góp phần tăng nguồn thu, giữ vững và nâng cao các tiêu chí nông thôn mới./.